ClockThứ Sáu, 16/02/2018 01:39

Mong một tour du lịch đặc biệt

TTH.VN - Bên dưới Hoàng Cung Huế là tầng tầng lịch sử. Với tất cả những thăng trầm mà không nhiều thành phố trên thế giới có được.

Cuộc gặp mặt nhân kỉ niệm 50 năm tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Phan Thành

Có một tầng lịch sử đã nằm bên dưới lớp gạch cổ Hoàng Cung suốt nửa thế kỷ. Đó là trận chiến Tết Mậu Thân 1968 ngay trong kinh thành Huế. 

Theo một thống kê từ phía Mỹ, Huế đã gần như bị san phẳng. Tám mươi phần trăm công trình đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. Dĩ nhiên, bom và pháo hạng nặng của Mỹ đã làm việc này. Những người lính trung đoàn 3 của nhà văn Thái Bá Lợi, trong suốt hơn hai mươi ngày đêm ở Thành Nội đã phải liên tục đội bom pháo Mỹ. Và họ là những chiến binh đầy danh dự khi trực diện đối mặt với quân Mỹ một cách kiên cường, nhẫn nại và không hề biết sợ. Nhưng họ chỉ có vũ khí nhẹ, thêm B40 và cối 82, mà cơ số đạn lại quá hạn chế. Sự áp đảo về hỏa lực của Mỹ ở trận chiến trong thành phố là một bất lợi lớn cho quân giải phóng. Những vòng cung bằng xe tăng Mỹ khóa chặt các đường rút lên núi. Những cuộc ném bom không phân biệt khu dân cư với trận địa chiến đã khiến rất nhiều thường dân thiệt mạng. Nhưng rồi, chính phía Mỹ đã phải công nhận, trận chiến Mậu Thân ở Huế là trận chiến “khủng khiếp nhất” mà chúng trải qua. Dĩ nhiên, sự khủng khiếp ấy chia cho cả hai phía, và cho cả những thường dân không kịp tản cư.

“Trong những ngày ấy, chúng tôi rất ít khi bước đi, mà chỉ chạy. Khiêng thương binh cũng chạy. Đến ăn cơm, cũng không thể ngồi một chỗ mà ăn. Tôi nghĩ, những ai đã trải qua những cảnh này may còn sống sót, về sau sẽ rất bình tĩnh.” Nhà văn Thái Bá Lợi nói. Tôi đã đọc tiểu thuyết “Trùng tu” của anh, và tôi hiểu cảm giác này. Để có thể sống bình tĩnh trong phần đời sau của mình, những người lính “sống sót” ấy đã phải nhiều lần vượt qua sự mất bình tĩnh.

Huế đã sống lại từ sau hòa bình năm 1975. Nhưng cũng phải rất nhiều năm sau, Huế mới hàn gắn dần những vết thương từ Mậu Thân. Bây giờ, nhìn những đoàn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến với Huế, nhà văn-cựu binh Thái Bá Lợi bỗng có một ý nghĩ. Anh nói với chúng tôi, làm sao Huế mở được một tour du lịch không chỉ thăm những đền đài lăng tẩm, mà còn nghe được từng viên gạch trên những tường thành Hoàng Cung kể về một thời chiến tranh, về sức sống kỳ lạ của con người vượt qua những đau thương mất mát để làm cuộc hồi sinh cho kinh thành này.

Phục sinh, đó mới là điều lớn lao nhất.

Những du khách là cựu binh Mỹ, nhất là những cựu binh từng tham chiến ở Tết Mậu Thân Huế cũng cần có dịp về thăm Huế, “đi ngược con đường ký ức” như người cựu binh Việt Cộng Thái Bá Lợi đã đi, để nhớ lại và suy nghĩ. Vì sao chính phủ Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh thảm khốc này???

Ở trong Thành Nội Huế có một quán cháo bò, quán rất nhỏ nhưng luôn đông khách, và chỉ bán từ 4 giờ chiều. Vài tiếng ba đồng hồ sau là hết hàng. Dĩ nhiên, vì cháo bò quán này quá ngon. Tôi mong ước, một lúc nào đó, những cựu binh Mỹ từng ở Huế Mậu Thân 1968, và những cựu binh Việt Cộng như Thái Bá Lợi cũng từng trải qua cái Tết ghê gớm ấy, họ được ngồi bên nhau trong quán cháo bò nhỏ nằm sâu trong một con phố nhỏ, chậm rãi ăn một tô cháo bò và cùng bàn luận chuyện đời.

Sau trận chiến kinh hoàng ở Huế Tết Mậu Thân 1968, hàng triệu người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình, họ đòi chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi lại hòa đàm như những người biết trọng danh dự.

TS Harish Mehta ở Đại học McMasster, Canada, một chuyên gia về quan hệ ngoại giao Mỹ và Chiến tranh Việt Nam, đã viết:

“Trận Tết Mậu Thân không chỉ dẫn tới biểu tình phản chiến bạo lực ở Mỹ mà còn tăng cường trao đổi văn hóa giữa Bắc Việt và người Mỹ. Do Hà Nội không có quan hệ ngoại giao "chính thức" với chính phủ Mỹ, họ tiến hành ngoại giao "phi chính thức" với nhân dân Mỹ, nhằm tác động gián tiếp tới chính phủ Mỹ để chấm dứt ném bom và đàm phán hòa bình.”( nguồn: BBC).

Đó là chiến lược Việt Nam có từ Nguyễn Trãi vĩ đại, và luôn luôn trong đó, văn hóa, văn hiến được đặt vào vị trí rất quan trọng.

Khi những ngợi ca mang màu sắc tuyên truyền từ cả hai phía đã qua, có lẽ nên đi lại con đường làng quê, bây giờ đã được đổ bê tông sạch sẽ, con đường qua chợ Thông dẫn lên núi, lên “xanh” như hồi đó người Huế hay gọi, để tâm hồn được thấm sâu hơn, cảm xúc được chân thành hơn, và đôi mắt được nhìn rõ hơn cảnh hòa bình hôm nay đã phải trả bằng giá đắt đến thế nào.

Mấy anh em chúng tôi lại lang thang trong Thành Nội. Buổi chiều thật dễ chịu, và chúng tôi muốn tới quán cháo bò trên đường Hoàng Diệu để thưởng thức một chút hương vị Huế dân dã. Giá một tô cháo bò, hôm nay, vẫn rất mềm.

Thanh Thảo

                            

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top