ClockThứ Ba, 23/07/2024 05:52

Một chuyến đi nhớ mãi

TTH - Đầu tháng 1/2007, lãnh đạo tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế rất vui mừng khi nhận được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ ghé thăm tỉnh trong chương trình chuyến thăm, khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh từ một số tỉnh phía bắc vào miền Trung đến hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Kon Tum vào các ngày 8, 9/1 và 10/1, đúng vào dịp chuẩn bị đón mừng năm mới.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suy nghĩ của các chính trị gia thế giớiMột nhân cách cao thượng của người Cộng sản

 Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến thăm và ghi vào sổ vàng truyền thống đơn vị

Tại Thừa Thiên Huế, sau buổi làm việc ngắn với lãnh đạo tỉnh do anh Hồ Xuân Mãn, khi ấy là UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì ngay sau khi đoàn của Chủ tịch Quốc hội đến Huế vào 8/1, dự kiến ngày hôm sau, đoàn của Chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp tục chuyến thăm, khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh qua A Lưới rồi đi vào phía nam.

Lúc đầu, có ý kiến của lực lượng bảo vệ đề nghị có hai phương án về tuyến đi: tuyến 1 thăm tuyến đường qua A Lưới một đoạn ngắn rồi trở lại Huế để đi vào Đà Nẵng qua Thạnh Mỹ, tiếp tục vượt đèo Lò Xo để lên Kon Tum; tuyến 2 từ Huế đi A Lưới rồi theo tuyến Hồ Chí Minh đi về phía nam qua đường hầm A Đớt mới thi công hoàn thành để đến Thạnh Mỹ rồi lên Kon Tum theo lịch trình đã định. Trước ý kiến phân tích và đề nghị đầy tâm huyết của chúng tôi, Chủ tịch Quốc hội đã quyết định đoàn khảo sát sẽ đi theo tuyến 2 để được tận mắt chứng kiến đoạn đường thuộc loại khó khăn nhất của tuyến Tây Trường Sơn này.

Tôi tham gia đoàn với tư cách là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng đi với tôi có Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trần Đăng Dũng, anh Hoàng Ngọc Nam, Thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh và khi lên A Lưới, sau khi gặp, thăm hỏi và trao đổi ngắn với lãnh đạo huyện, anh Hồ On, TUV, Bí thư Huyện ủy, đại biểu Quốc hội khóa XI cùng tham gia đoàn đi vào thăm Đồn Biên phòng 637 ở Hương Nguyên.

Đây là một đồn biên phòng mới thành lập, ở một địa bàn hẻo lánh, rất xa trung tâm huyện, đồn chỉ cách biên giới Việt - Lào hơn 500 mét. Cán bộ, chiến sĩ đã và đang trải qua rất nhiều khó khăn để vừa từng bước xây dựng cơ sở vật chất và ổn định nơi ăn ở của mình, vừa chăm lo công tác biên phòng và xây dựng, củng cố đơn vị.

 Bút tích Tổng Bí thư khi ghé thăm Đồn Biên phòng 637

Đồng chí Trung tá Dương Ngọc Hà, Đồn trưởng cùng đồng chí thiếu tá Lê Đức Phúc, Chính trị viên và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đồn vô cùng phấn khởi được đón tiếp đoàn. Đây là một vinh dự lớn khi được gặp mặt một trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến thăm và “xông đất” sớm tại đơn vị trước tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã ân cần thăm hỏi, bắt tay từng người rồi đi một vòng tham quan nơi ăn, chốn ở của đơn vị, sau đó mới vào Hội trường của đồn để trực tiếp nghe lãnh đạo đồn báo cáo về tình hình và những thành tích, kết quả đạt được, đặc biệt là sau khi đồn tạm hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng. Đồng chí đã nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực phấn đấu vừa qua của đơn vị và ân cần nhắc nhở tập thể đồn cũng như từng cán bộ, chiến sĩ cần tiếp tục vươn lên để đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong thời gian tới, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc. Những dòng chữ lưu niệm của đồng chí tại sổ vàng truyền thống mãi mãi là tài sản vô giá của đồn và của Biên phòng tỉnh để nhắc nhở mọi người luôn nhớ mãi và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Bữa cơm thân mật tiếp đoàn tại đồn 637 đã diễn ra trong khung cảnh vui tươi, ấm áp với thực đơn do “anh nuôi” bộ đội chuẩn bị, có hương vị tết của bánh chưng, bánh tét và dưa món Huế đã tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi khi chuẩn bị vượt qua đoạn đường gian khổ nhất của cuộc hành trình về phía nam, qua hầm đường bộ mới xây xong A Đớt; đi quanh co trong rừng già theo chân núi dãy Bạch Mã để đến Đông Giang, Thạnh Mỹ (Quảng Nam) và tiếp tục qua Khâm Đức, vượt đèo Lò Xo đầy hiểm trở để đến địa phận tỉnh Kon Tum khi trời đã tối sẫm.

Tuy phần lớn thành viên trong đoàn đã khá mỏi mệt nhưng đồng chí Chủ tịch Quốc hội vẫn luôn tỏ ra vui vẻ, động viên mọi người thực hiện tốt chương trình mà lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã dày công bố trí.

Qua Đắc Tô - Tân Cảnh, đoàn xe chạy bon bon trên đoạn đường Hồ Chí Minh mới được xây dựng hoàn thành. Chủ tịch Quốc hội tỏ ra rất xúc động khi tiếp xúc và chủ trì lễ cắt băng khánh thành công trình cầu đường cùng với đông đảo bà con địa phương, lãnh đạo tỉnh Kon Tum, đại diện các doanh nghiệp và công nhân cầu đường đã chờ đón đoàn hàng giờ dù trời đã tối muộn.

Tiếp đó, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đoàn ghé thăm trụ sở của Nông trường cao su quân đội ở Đắc Hà. Sau khi nghe đồng chí Giám đốc báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát triển đơn vị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của nông trường, kể cả về mặt mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và đặc biệt quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.

Đoàn đến nhà khách Tỉnh ủy Kon Tum để dùng bữa tối vào gần giũa đêm. Những biểu hiện gian khổ đường trường biến mất để nhường lại cho không khí hòa đồng, vui vẻ giữa khách và chủ vì đã hoàn thành tốt mọi việc theo kế hoạch.

Tuy được đồng chí Chủ tịch Quốc hội chủ động nhắc nhở tôi ở lại theo đoàn để tiếp tục làm việc với tỉnh Kon Tum vào ngày hôm sau; nhưng vì một số công việc đã lên lịch sẵn ở nhà nên tôi xin anh cho phép được quay về tỉnh.

Chuyến đi cùng đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng để thăm và khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm không thể phai mờ.

Hôm nay, khi được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng vừa từ trần do lâm trọng bệnh; những ký ức về chuyến đi 17 năm trước bỗng hiện về trong tâm trạng đau buồn sâu sắc. Tôi vẫn nhớ như in phong thái đĩnh đạc, phương pháp điều hành linh hoạt trong những năm anh giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI; nhớ đức tính mẫu mực của anh trong sinh hoạt và đời sống thường nhật; nhớ những lần được tiếp xúc với anh trong một số cuộc gặp gỡ ba đơn vị kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn khi anh làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, tôi mãi mãi không quên những ấn tượng mà anh để lại qua chuyến đi cùng anh để khảo sát tuyến đường Trường Sơn hùng vĩ; chuyến đi thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc của một trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đối với một công trình có ý nghĩa sống còn đối với Tổ quốc; chuyến đi cũng bộc lộ những nét đẹp về nhân cách, về đạo đức, phẩm chất và phong cách làm việc sát dân, sát cơ sở của anh; người mà trong những năm tiếp theo đã đứng mũi chịu sào trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần trọn ba khóa, góp phần đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển toàn diện và vượt bậc.

Tôi muốn viết những dòng này để gởi một nén tâm nhang kính viếng hương hồn anh; chia sẻ sự mất mát lớn lao của gia đình, bạn bè anh và luôn vững tin rằng quyết tâm đổi mới; sự quan tâm không ngừng nghỉ của anh đối với sự nghiệp cách mạng và đời sống Nhân dân sẽ tiếp tục được các thế hệ nối tiếp kế thừa, hướng tới mục tiêu cao cả của Đảng, Bác Hồ và lý tưởng mà anh đã trọn đời cống hiến.

Huế, 20/7/2024

Nguyễn Văn Mễ
(Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XI)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di sản để lại

Ngày 26/10/2024 là vừa tròn 100 ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ biệt Đảng ta, dân tộc ta để đi vào "thế giới người hiền".

Di sản để lại
Người dân viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm

Sáng 26/7, Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội); tại quê nhà đồng chí ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội và tại Hội trường Thống Nhất (TP. HCM).

Người dân viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sáng sớm

TIN MỚI

Return to top