Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ hai bên phải) và Phó Thủ tướng Nga Maxim Akimov (thứ ba bên phải) dự Đối thoại doanh nghiệp Việt - Nga tại Hà Nội. Ảnh: baochinhphu.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới
Cuộc các mạng này đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới XHCN.
Cách mạng tháng Mười Nga khẳng định vai trò to lớn, có ý nghĩa quyết định của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lê-nin, đã biến “bóng ma ám ảnh châu Âu” thành một sức mạnh hiện hữu. Chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận khoa học trở thành thực tiễn, từ tư tưởng trở thành hiện thực sinh động trên phạm vi thế giới. Đó là cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ áp bức, bóc lột, bất công - chế độ tư bản chủ nghĩa, và đã “giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động”.
Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản đế quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một nhà nước kiểu mới. Thắng lợi của cách mạng tháng Mười và sự ra đời của nhà nước Xô Viết do Lênin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ một nước phong kiến tiền tư bản nghèo đói lạc hậu trở thành một cường quốc.
Vận dụng sáng tạo
Nhờ có cách mạng tháng Mười, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc phương Tây đã có sự gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Thực tiễn hoạt động chính quyền Xô Viết đã để lại nhiều kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn sâu sắc cho Đảng và Nhân dân Việt Nam.
Vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp với những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười Nga và điều kiện cụ thể của đất nước, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình, chí nghĩa của Liên Xô, các nước XHCN và Nhân dân tiến bộ trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH.
Cùng với những biến đổi sâu sắc của thời đại và thế giới, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, Đảng ta kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam; kiên trì sự nghiệp đổi mới khởi xướng từ Đại hội VI, tháng 12/1986 cho đến nay.
Sau hơn 30 năm đổi mới, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, không ngừng tiếp thu có chọn lọc, tận dụng phù hợp với giá trị của nền văn minh nhân loại để hiện thực hóa con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Tình hữu nghị bền chặt
Cách đây 69 năm (30/1/1950), Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.
Mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây, và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử. Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chí tình của Nhân dân Liên Xô.
Ngày nay, hợp tác về kinh tế - thương mại đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nga. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương lần đầu vượt hơn 6 tỷ USD, trong đó phải kể đến việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu bắt đầu có hiệu lực. Sự hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế, trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và tại các diễn đàn đối thoại khu vực như EAS, APEC, ASEM có hiệu quả...
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa các địa phương của hai nước đã được củng cố một cách rõ nét. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục phát triển. Hiện nay, ở Nga có gần 5.000 sinh viên Việt Nam đang theo học, trong đó có sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế qua thực tập sinh và nghiên cứu sinh.
Năm 2018, số lượng du khách Nga đến Việt Nam đã vượt quá 600 nghìn người. Năm 2020, Nga và Việt Nam sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Sự phối hợp hành động giữa hai nước, dựa trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử phong phú, tình hữu nghị truyền thống và tình cảm yêu mến lẫn nhau chân thành, sẽ tiếp tục được củng cố và không ngừng phát triển.
PHAN CÔNG TUYÊN