Đó là mùa Xuân đặc biệt, mùa Xuân đầu tiên “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, là “Xuân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Cũng bắt đầu từ đó, Nhân dân ta được đón những cái tết cổ truyền của dân tộc trong không khí dân chủ, bình đẳng, bình quyền, ai ai cũng hưởng trọn niềm vui năm mới đúng với ý nghĩa và truyền thống đích thực mà Đảng và Bác Hồ đem lại. Chính vì lẽ đó, mà mùa xuân đặc biệt Bính Tuất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đứng đầu Nhà nước có đến ba bài thơ và bốn bức thư chúc Tết, mừng xuân gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước… Trong cuộc đời của Bác, chưa có năm nào, Bác có thơ và Thư chúc tết nhiều như tết độc lập đầu tiên năm Bính Tuất (1946). Trong không khí linh thiêng, nồng ấm của giao thừa năm ấy, đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động đón nhận và lắng nghe Thư và Thơ chúc tết của Người. Lời chúc đầu năm mới của Bác là lời chúc Tết thấm đượm tình yêu thương, mong muốn đem đến mọi sự tốt lành, tiến bộ và thành công cho toàn thể quốc dân, đồng bào với một tâm trạng phấn khởi, hào hứng:
“Tết này mới thật tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu.
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa”
Cũng tết năm đó, trong Thư gửi đồng bào cả nước nhân dịp năm mới, Bác viết:
“Hôm nay là mồng một Tết năm Bính Tuất. Ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành.
Tôi riêng chúc các gia quyến của các chiến sĩ thân yêu, năm mới vui vẻ.
Năm mới, đồng bào ta sẽ phấn đấu cho một đời sống mới, ai cũng góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài, để làm cho nước ta được hoàn toàn tự do, độc lập.
Năm mới đồng bào ta đoàn kết càng chặt, tranh đấu càng mạnh, sản xuất càng nhiều…”.
Hòa chung niềm vui lớn, mùa Xuân năm 1946 cũng là mùa Xuân đầu tiên toàn dân ta thực hiện sứ mệnh cao cả của mình – Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm “Tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã kiên quyết đoàn kết chặt chẽ; kiên quyết chống bọn thực dân; kiên quyết đấu tranh giành quyền độc lập”. Vì, “từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân ta chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe theo lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật… Ta phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm được lá phiếu… mới đòi hỏi được quyền bầu cử”. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, ngày 6 tháng 1 năm 1946, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, sự bao vây chống phá quyết liệt của các thế lực thù trong, giặc ngoài, đồng bào ta từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, không phân biệt thành phần, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc… đã cùng nhau đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa đầu tiên, thể hiện quyền công dân của một nước Việt Nam tự do, độc lập.
Cũng từ mùa Xuân Bính Tuất (1946), Quốc hội khóa I ra đời với 333 đại biểu, gồm đầy đủ các tầng lớp, thành phần xã hội tham gia, nhằm đại diện cho ý chí, nguyện vọng và khát khao bảo vệ nền tự do, độc lập của toàn thể Nhân dân Việt Nam, để cùng với Chính phủ và các đoàn thể yêu nước sát cánh bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ “kháng chiến và kiến quốc” với phương châm “trường kỳ kháng chiến – toàn dân, toàn diện” nhằm chiến đấu và chiến thắng cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp, rồi sau đó là cuộc trường chinh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược “thực dân mới” của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai Việt Nam Cộng hòa, thực hiện trọn vẹn ước mơ cháy bỏng “Không có gì quý hơn độc lập tự do…”.
Vượt lên tất cả, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng ý chí, khát khao “độc lập, tự do”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nhất tề đứng lên thực hiên lời hẹn ước của Bác năm nào:
“Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”
Trải 75 mùa xuân độc lập, dân chủ, tự do với biết bao thăng trầm của lịch sử, để đến hôm nay, sau hơn 45 năm hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải và qua 35 năm đổi mới đất nước, hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài, càng làm cho hình ảnh, vị thế của đất nước Việt Nam trở nên thăng hoa, lan tỏa, được cộng đồng Quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên tầm cao mới, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đang hướng đến nền công nhiệp hiện đại; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao về mọi mặt…
Nguyễn Đình Dũng