ClockChủ Nhật, 17/11/2024 12:21

Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka Coong

TTH - Mỗi năm, khi mùa màng đã thu hoạch và cuộc sống người dân ổn định, đồng bào Cơ Tu tại huyện A Lưới lại hân hoan chuẩn bị cho lễ hội Tấc Ka Coong, một lễ hội truyền thống linh thiêng và đặc biệt. Đây không chỉ là dịp để người Cơ Tu bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, thần linh, mà còn là cơ hội để cộng đồng gắn kết và khẳng định giá trị văn hóa bản sắc của mình.

Tái hiện lễ hội tạ ơn núi rừng của đồng bào Cơ Tu

 Những vũ điệu là cách người dân thể hiện niềm vui và lòng biết ơn với thần linh

Lễ hội Tấc Ka Coong, hay còn gọi là lễ cúng thần núi, đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Cơ Tu. Lễ hội năm nay được tổ chức tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, thu hút không chỉ người dân địa phương, mà còn có nhiều du khách tới tham dự và trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu.

Tạ ơn thần linh

Ông Hồ Văn Xáp, một già làng 83 tuổi, người gắn bó suốt cuộc đời với vùng núi Lâm Đớt, chia sẻ về lễ hội Tấc Ka Coong: “Lễ hội này có từ lâu lắm rồi, từ khi tôi còn là một cậu bé, đã thấy các bậc trưởng lão tổ chức cúng thần núi, thần sông, cầu mong an bình cho dân làng. Chúng tôi tin rằng, thần núi là người đã bảo vệ và ban phúc lành cho dân làng, giúp chúng tôi có cuộc sống no đủ. Vì vậy lễ hội Tấc Ka Coong chính là dịp để tạ ơn các vị thần”.

Tấc Ka Coong là nghi lễ cúng tạ thần núi, thần rừng, thần sông suối đã bảo hộ dân làng tránh khỏi thiên tai, bệnh dịch và giúp mùa màng trù phú. Với người Cơ Tu, thiên nhiên là nguồn sống, mang đến sự trù phú cho nương rẫy, suối nước, rừng cây, nuôi sống con người và động vật. Vì thế, họ đặc biệt coi trọng nghi lễ này và dành nhiều thời gian chuẩn bị với lòng thành kính sâu sắc.

Trước khi bắt đầu lễ hội, già làng sẽ đứng ra tổ chức cuộc họp với các trưởng dòng họ để bàn về cách thức tổ chức, lễ vật cần dâng cúng, và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong làng. “Không chỉ là lễ cúng đơn thuần, Tấc Ka Coong còn là dịp để người dân kiểm điểm lại chính mình, để “tẩy uế” hay thanh tẩy những điều không may mà con cháu trong làng có thể đã gây ra”, già Xáp giải thích.

Những món lễ vật gồm những gì tinh túy nhất mà dân làng có được sau vụ mùa, như trâu, gà, gạo nếp, và các món ăn chế biến từ hạt lúa nếp dẻo thơm. Người dâng lễ được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là những thanh niên, thiếu nữ có tâm hồn trong sáng, nét đẹp hiền hòa, tượng trưng cho lòng thành kính của cả cộng đồng đối với các vị thần.

Những nghi thức đặc biệt

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là nghi thức dựng cây nêu, một biểu tượng mang tính linh thiêng và đại diện cho sức mạnh, sự gắn kết giữa con người và các vị thần. Già Xáp giải thích: “Cây nêu là biểu tượng cầu nối với các vị thần và cũng là cách chúng tôi báo hiệu cho mọi người biết lễ hội sắp bắt đầu. Cây nêu này phải được dựng thẳng, chắc chắn để bày tỏ lòng kính trọng với thần linh, nếu cây ngã thì đó là điềm xấu”.

Cây nêu được chọn từ những thân cây cao, chắc khỏe, được chạm khắc các họa tiết linh thiêng và trang trí bằng những dải vải rực rỡ, nhằm thể hiện ước nguyện cầu mong bình an, hạnh phúc và sự bảo hộ từ thần linh. Khi cây nêu được dựng lên, các già làng sẽ cùng nhau đọc lời khấn, tạ ơn các vị thần đã bảo vệ dân làng và cầu xin một mùa màng bội thu sắp tới.

Mâm cỗ cũng được bày biện công phu, bao gồm các món ăn truyền thống chế biến từ những nguyên liệu được thu hoạch trong làng như gà, trâu, heo và các loại bánh làm từ nếp thơm. Chị Hồ Thị Na, một người con của làng, chia sẻ về nghi lễ dâng cỗ: “Đây là nghi lễ mà mọi người đều rất trân trọng. Mâm cỗ là biểu tượng của lòng biết ơn và cầu mong được ban phước lành từ thần linh. Chúng tôi chọn những thanh niên, thiếu nữ đẹp người, đẹp nết để dâng cỗ, bởi chúng tôi tin rằng, những người tốt bụng và trong sáng sẽ làm hài lòng các vị thần”.

Khi mâm cỗ đã được bày lên bàn Pa Ra, già làng và các trưởng dòng họ tiến hành nghi thức dâng lễ. Những lời khấn nguyện chân thành được đọc lên, mời các thần linh về chứng kiến và thưởng thức mâm cỗ. Những món ngon nhất, tươi nhất sẽ được đặt lên bàn, tượng trưng cho lòng thành và sự biết ơn của cả làng.

Khi nghi thức cúng tế kết thúc, cũng là lúc lễ hội chuyển sang phần hội vui tươi với điệu nhảy “tung tung za zá” truyền thống. Người Cơ Tu hòa mình vào tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng, nhảy múa với tinh thần phấn khởi và đoàn kết. Điệu “tung tung za zá” là niềm tự hào của người Cơ Tu, với những động tác mạnh mẽ, khỏe khoắn tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và tinh thần kiên cường của cả cộng đồng.

Người dân địa phương, trong trang phục truyền thống với những họa tiết tinh tế, hòa quyện cùng không khí lễ hội. Họ cùng hát, cùng nhảy và nắm tay nhau trong tình đoàn kết, đồng thời truyền dạy những giá trị văn hóa cho con cháu. Đây là dịp để người Cơ Tu không chỉ vui chơi, gắn bó cộng đồng mà còn nhớ lại lịch sử, truyền thuyết và văn hóa của đồng bào mình.

Lễ hội Tấc Ka Coong không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng cùng ngồi lại, chia sẻ và gắn kết. Trong thời gian tới, huyện A Lưới dự kiến sẽ phát triển lễ hội Tấc Ka Coong thành một điểm nhấn trong du lịch cộng đồng, nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa Cơ Tu tới du khách trong và ngoài nước. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của người Cơ Tu và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Lễ hội Tấc Ka Coong là một nét văn hóa quý giá mà chúng tôi đã và đang phục dựng, với mong muốn rằng du khách có thể đến và trải nghiệm văn hóa miền núi chân thực nhất”.


Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BẢO TỒN VĂN HÓA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Người dân là chủ thể

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Cơ Tu đã, đang và sẽ là nhiệm vụ, mục tiêu được các cấp chính quyền huyện Nam Đông đặc biệt quan tâm.

Người dân là chủ thể
Không còn là giấc mơ

“Chưa bao giờ trên bản làng người Cơ Tu lại có một cuộc đại cách mạng “xóa nhà tạm” lớn đến như vậy”...

Không còn là giấc mơ
Đổi thay từ lễ hội vùng cao

Không còn cảnh rùng rợn đâm trâu ở lễ hội mừng lúa mới của người đồng bào Cơ Tu xã Thượng Long, huyện vùng cao Nam Đông, thay vào đó dân làng tạo nên một con trâu bằng xốp tượng trưng để thực hiện nghi lễ.

Đổi thay từ lễ hội vùng cao
Mùa xuân độc lập đầu tiên qua những vần thơ của Bác

Cách đây tròn 75 năm, ngay sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), trong niềm vui khôn xiết của những ngày đầu độc lập, và sự hân hoan chào đón “mùa xuân đầu tiên” của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Toàn đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân… Mọi người đều được hưởng các thú vui vẻ tết xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.

Mùa xuân độc lập đầu tiên qua những vần thơ của Bác
“Hồn thiêng” của núi

Người Cơ Tu bắt đầu câu chuyện bằng chén rượu, nhưng chén rượu hôm nay tôi uống với anh lại khác, hương vị đãi khách có mùi vị chua ngọt lẫn đắng của cây rừng mang tên anh – Ta Rương Mão…

“Hồn thiêng” của núi
Return to top