Thành phần chí chủ trì, điều hành hội nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Phạm Thanh Sơn; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế - Cái Vĩnh Tuấn chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tập trung phân tích sâu đến hoạt động chất vấn, giải trình; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, giải trình tại các kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND; chỉ rõ những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh để tổ chức các hội nghị HĐND khu vực là thể hiện sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hệ thống các cơ quan dân cử ở địa phương; là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm bắt được tình hình thực hiện các quy định mới, hiểu được những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để HĐND các cấp hoạt động hiệu quả nhất. Đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần tiếp tục giúp các địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ đạo: “Các nội dung chất vấn, các vấn đề giải trình có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Vì vậy, cần xác định rõ mục đích của hoạt động chất vấn, giải trình là hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy Nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm thực thi công vụ”.
Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với các cơ quan chịu sự giám sát của HĐND; sự thấu hiểu giữa các đại biểu HĐND với người trả lời chất vấn, giải trình. Khi đó, mỗi câu hỏi là một vấn đề được gợi mở, được tháo gỡ, đi đến cùng sự việc, mỗi câu trả lời là một phương án, một kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn, không vòng vo, né tránh. Việc chất vấn cần được tổ chức công khai, minh bạch, có truyền hình trực tiếp, trên cơ sở đó HĐND, Thường trực HĐND có kết luận, có giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc của vấn đề đang được chất vấn, giải trình.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến
Người đại biểu HĐND chính là những chủ thể quan trọng tại nghị trường, góp phần để chuyển hoạt động chất vấn, giải trình từ tham luận sang tranh luận. Do vậy, đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, của địa phương, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để từ đó làm cho sức mạnh của quyền chất vấn, yêu cầu giải trình thành kết quả hiện thực; góp phần nâng cao chất lượng sống người dân và hiệu lực, hiệu quả điều hành quản lý Nhà nước.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi và đồng chí Trần Văn Túy xin được tiếp thu và sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu, phối hợp với các đơn vị hữu quan nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng giải quyết để tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND, bảo đảm phát huy vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận.
Tin, ảnh: Anh Phong