ClockChủ Nhật, 26/05/2024 07:09

Nâng hạng chỉ số PCI: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

TTH - Dù chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Provincial Competitiveness Index) năm 2023 giảm 2 bậc trong bảng xếp hạng, nhưng Thừa Thiên Huế vẫn nằm trong nhóm tốt của cả nước và đứng vị trí thứ 8 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ số thành phần được cải thiện đáng kể là minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh những năm gần đây.

Thừa Thiên Huế có chỉ số PCI đứng thứ 6 toàn quốcCải thiện chỉ số CPI: Phấn đấu vào TOP 5

 Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham quan các gian hàng khởi nghiệp

Cải thiện chỉ số thành phần

Trong 3 năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế luôn lọt vào danh sách những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI hàng đầu cả nước. Mới nhất theo kết quả công bố chỉ số PCI và Chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thừa Thiên Huế đứng vị trí thứ 8 tiếp tục nằm trong top 10 các tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất cả nước.

Kết quả này dù chưa đạt mục tiêu nâng hạng chỉ số PCI mà tỉnh đã đặt ra, cụ thể đưa thứ hạng PCI Thừa Thiên Huế lên nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước. Song nhìn vào bảng chỉ số thành phần, nhiều chỉ số đã có cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng. Có thể điểm tên như: Chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động và tiên phong của chính quyền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.

Trong đó phải kể đến 2 chỉ số tăng hạng có tính bứt phá năm 2023 và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đó là chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền đạt 7,02 điểm, đứng thứ 13 cả nước; chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,45 điểm, đứng thứ 32 cả nước. Điều này phần nào cho thấy, chất lượng điều hành của tỉnh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất hơn. Những giải pháp của tỉnh đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động dần ổn định và có tính nhất quán.

 Nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp được tổ chức

Có thể lấy chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm ví dụ. Mặc dù xếp hạng chỉ số này chỉ ở tầm trung so với cả nước. Song so với năm 2022, chỉ số này của tỉnh đã tăng 17 bậc, khẳng định những cải cách và giải pháp đề ra của tỉnh đã được các cơ quan chức năng thực hiện tốt và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền trong năm 2023 cũng tăng 0,31 điểm so với năm 2022, tăng 21 bậc và xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước cũng là điểm đáng ghi nhận. Việc tăng 21 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số PCI, trong khi cả nước điểm trung bình của chỉ số thành phần tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước (năm thứ 3 liên tiếp giảm điểm) đã thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong việc không ngừng triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền.

Cụ thể khi đi vào 9 chỉ số con của chỉ số này, Thừa Thiên Huế có tới 6 chỉ số cao hơn bình quân chung cả nước và được đánh giá tích cực như: Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "Chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán" xếp thứ 5/63; UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh xếp thứ 24/63; tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi" xếp thứ 25/63; tỷ lệ doanh nghiệp quan sát thấy thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực xếp thứ 27/63.

Ngoài ra, các chỉ số phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản Trung ương: “Trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì”; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "Các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh" lần lượt được đánh giá vị trí thứ 16 và 18 và nằm trong top 20 các tỉnh, thành được đánh giá tích cực về tính năng động và tiên phong của chính quyền.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Việc duy trì chỉ số PCI nằm trong nhóm tốt của cả nước trong 3 năm liền đã phản ánh được phần nào về những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua

Nhìn vào hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh thời gian qua phần nào thấy được những nỗ lực của địa phương trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp. Như đánh giá từ Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.

UBND tỉnh cũng quyết tâm trong tháo gỡ khó khăn cho các dự án khi duy trì hiệu quả 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong và ngoài ngân sách, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, với vai trò chức năng tham mưu, hỗ trợ nhà đầu tư, những năm qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng góp phần quan trọng hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành của địa phương luôn hướng về doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm. Đây là nền tảng cho việc nâng hạng các chỉ số chứ không riêng gì chỉ số PCI.

Và để tạo nên bước chuyển trong nâng hạng các chỉ số cũng như thực hiện mục tiêu nâng cao vị thứ xếp hạng PCI nằm trong top 5 và thuộc vào “nhóm tốt” của cả nước, ngoài tăng cường các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp…, tỉnh đã và đang phân công chủ trì nhiệm vụ cải thiện vị thứ xếp hạng của từng chỉ số chi tiết đến từng sở, ban, ngành, địa phương. Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phải xây dựng kế hoạch chi tiết cải thiện vị thứ xếp hạng của từng chỉ số mà đơn vị được phân công. Đây được xem là cơ sở nền tảng nâng cao chất lượng điều hành, tạo sự đồng bộ, nhất quán từ tỉnh đến các sở, ngành, lan tỏa tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đến từng cán bộ phụ trách tiếp xúc, tiếp cận doanh nghiệp…

HOÀNG LOAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Con đường” doanh nghiệp phải đi

ESG là bộ 3 tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social & Governance), đang được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm hơn, bởi đây là thước đo mức độ phát triển bền vững và tác động của DN đến cộng đồng. Nếu DN thực thi ESG tốt sẽ danh chính ngôn thuận, có sứ mệnh chinh phục khách hàng.

“Con đường” doanh nghiệp phải đi
“Trung tâm” đoàn kết trong dân

Phường Vĩnh Ninh, TP. Huế là địa phương có phần lớn dân cư là đồng bào theo đạo, an ninh chính trị luôn ổn định, người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và hơn hết khối đại đoàn kết toàn dân luôn được củng cố vững chắc. Đó chính là thành quả của việc tuyên truyền cũng như kịp thời quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân của đội ngũ cán bộ Mặt trận phường.

“Trung tâm” đoàn kết trong dân

TIN MỚI

Return to top