ClockThứ Sáu, 29/03/2024 10:21

Ngày 29/3/1954: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ trước đợt tấn công vào khu Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Hơn mười ngày lao động và chiến đấu gian khổ sau đợt tiến công thứ nhất, trận địa tiến công và bao vây của ta đã cơ bản hoàn thành. Trên một trăm kilômét đường hào cùng với hàng vạn hầm hố bao kín trận địa trung tâm của địch. Ta chính thức chấp nhận sự thách thức từ lâu của kẻ thù, chấp nhận một trận đánh "mặt đối mặt".

Chuyên trang Chiến thắng Điện Biên Phủ ra mắt 5 phiên bản tiếng nước ngoàiBáo Nhân Dân giới thiệu Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên PhủPhát động Tháng Âm nhạc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

 Quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Để động viên cán bộ chiến sĩ ta trước ngày nổ ra đợt tiến công thứ 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 29/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có thư gửi cán bộ và chiến sĩ trước đợt tấn công vào khu Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng khẳng định: “Hôm nay trận địa tiến công và bao vây của chúng ta phần lớn đã hoàn thành, đó thật là một công trình to lớn. Công trình đó đã giúp ta thắt chặt vòng vây, hạn chế tiếp viện và tiếp tế của địch. Không những thế, trận địa của ta lại đặt cả khu vực tung thâm của địch vào trong tầm hỏa lực súng cối của ta, đồng thời giúp cho quân ta vận động tiếp cận để tiến công địch. Trận địa tiến công và bao vây đã làm cho bao nhiêu cuộc ném bom dữ dội của quân địch gần như vô hiệu quả. Trận địa tiến công và bao vây sẽ đem lại cho ta nhiều thắng lợi mới”.

Trận địa của ta không chỉ là chiến tuyến, cung cấp nơi ẩn náu an toàn của bộ đội. Nó còn tạo điều kiện cho ta tiếp cận đễ dàng các cứ điểm địch, tung ra những đòn tiến công bất ngờ, cho phép ta đối phó hữu hiệu với những cuộc phản kích, cũng như rút lui an toàn khi cần kết thúc trận đánh, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có những sáng tạo bất ngờ trong quá trình chiến đấu.

Trận địa chiến hào của ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm, tách hoàn toàn phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm. Từ lúc này Đờ Cát không thể trông chờ sự cứu viện của những tiểu đoàn đóng ở phía nam cánh đồng Mường Thanh.

Trong cuốn “Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, người ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của trận địa ta và trận địa địch trên chiến trường.

Trận địa địch là những đường hào, hầm hố đỏ quạch, bố trí rất tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và bãi mìn, chi chít những chiến dù sặc sỡ. Trận địa ta là một đường hào trục chạy dải ngút tầm mắt bao quanh trận địa địch, không có vật cản, thuần một màu đất đỏ tươi, bên trong có nhiều nhánh vươn về phía trận địa địch, trong quá trình phát triển tự nó lại mọc thêm những nhánh mới. Vòng dây khổng lồ, sinh sôi nhanh chóng này, chính là cái sẽ quyết định số phận của con nhím thép Điện Biên Phủ.

Địch đã phản ứng rất mạnh trước sự phát triển những đường hào, gay gắt hơn cả khi những trung tâm đề kháng của phân khu bắc nối tiếp nhau sụp đổ. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang tiến bước trên con đường chiến thắng.

Địch đã thấy rõ một đợt tiến công mới của ta đang nhắm vào dãy đồi phía Đông qua những mũi chiến hào.

Ta dự kiến đợt tiến công thứ hai có tính quyết định đối với chiến dịch.

Trong cuộc tiến công thứ 2, quân ta nhằm vào ba mục đích:

Cũng trong thư gửi cán bộ và chiến sĩ trước đợt tấn công vào khu Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 29/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ 3 mục đích của cuộc tấn công này:    

Một là, tiêu diệt thật nhiều địch. Muốn đạt mục đích đó thì không những phải đánh nhiều điểm một lần, mà còn phải có những đơn vị vô cùng anh dũng quả cảm, đánh sâu vào tung thâm của địch, làm cho địch rối loạn và tiêu diệt thật nhiều sinh lực của chúng, tiêu diệt một số cơ quan chỉ huy của chúng;

Hai là, phá hủy và đánh chiếm một bộ phận các trận địa hỏa lực của địch, làm cho chúng mất chỗ dựa, rồi dùng ngay trận địa hỏa lực của chúng mà bắn vào đầu chúng;

Ba là, đánh chiếm những nơi địa hình có lợi cho ta, dùng làm trận địa của ta để tiến tới một bước uy hiếp thật mạnh bọn địch còn lại.

Bốn điều kiện để quân ta tất thắng:

Tổng tư lệnh nhận định rằng quân ta có bốn điều kiện tất thắng sau đây:

- Chúng ta lần này tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực cũng như về hỏa lực, nhất là do chỗ các cỡ súng cối của ta đều có thể bắn thẳng và bắn ngay vào khu vực tung thâm của địch.

- Ta có một trận địa tiến công và bao vây khá vững; như vậy trong cuộc chiến đấu này, quân ta vẫn nắm vững phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”.

- Bộ đội ta trải qua các cuộc chiến đấu thắng lợi vừa qua, lại trải qua việc xây dựng trận địa thành công, đã có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm hơn trước, tin tưởng nhất định đánh được và có quyết tâm đánh cho kỳ được.

- Tinh thần của địch ở trong vòng vây ngày càng kém sút, thương binh nhiều, tiếp tế khó khăn, ngày ngày mong máy bay bắn phá được các trận địa hỏa lực của ta và sát thương bộ đội ta nhưng vô hiệu quả, chúng càng lo lắng hoang mang.

Các khó khăn quân ta gặp phải:

Trong thư gửi cán bộ và chiến sĩ trước đợt tấn công vào khu Đông tập  đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 29/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ các khó khăn:

- Khó khăn thứ nhất là, một số đồng chí không nhận rõ tình hình địch, ta, sinh ra chủ quan khinh địch, do đó mà lơ là việc tổ chức chiến đấu, dễ đưa đến thất bại. Một số đồng chí lại chưa nhận rõ tính chất quan trọng của cuộc chiến đấu sắp tới, do đó không cố gắng tột bậc, dễ coi thường nhiệm vụ.

- Khó khăn thứ hai là, việc tổ chức chiến đấu. Đánh điểm thì phải tổ chức việc đột phá cho nhanh, đừng mắc phải những khuyết điểm trước đây. Đánh thọc sâu vào tung thâm của địch thì phải tổ chức bộ đội cho mạnh và gọn, đủ bộc phá, đủ các thứ vũ khí nhẹ, đủ xung lực.

- Ngoài ra, còn những khó khăn khác nữa về tổ chức chiến đấu như tiến quân ban ngày, như làm thế nào để tránh ùn, như nắm vững thông tin liên lạc v.v... Đó là những khó khăn cụ thể, nếu cán bộ và chiến sĩ đều chú ý khắc phục thì ta nhất định thắng.

Sau khi phân tích mục đích của cuộc tiến công thứ 2, các điều kiện để quân ta tất thắng, các khó khăn quân ta sẽ gặp phải, để bảo đảm được thắng lợi, Đại tướng cho rằng: “Chỉ cần làm đúng một yêu cầu là, tất cả các cán bộ và chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ và đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều làm gương trong khi xung phong giết giặc, mọi người đều có một khí thế rất lớn, không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là khiếp sợ. Tất cả đều phải có một quyết tâm như vậy, đều phải thi đua nêu cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”.

*Cũng vào ngày 29/3/1954, trước khi đợt tiến công thứ 2 bắt đầu vào ngày 30/3/1954, Tổng Quân ủy gửi thư cho tất cả các đồng chí đảng viên ở mặt trận, trong đó viết: “Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu dũng cảm chiến đấu của những người đảng viên Đảng Lao động, nhất là trong những giờ phút gay go quyết liệt. Tất cả các đồng chí chúng ta trong cuộc chiến đấu sắp tới đều phải kiên quyết, dũng mãnh, đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng giao cho”.

Nguồn: [TTXVN; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, Tr.1019; Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001, Tr. 253-257; Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, Tr.477-478].

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) bắt đầu, mặc dù Thừa Thiên Huế còn là vùng “tạm chiếm” của đối phương, nhưng rất nhiều người con của Cố Đô, do chuyển ra các tỉnh phía bắc từ trước, đã tham gia Chiến dịch ĐBP trên nhiều cương vị khác nhau. Trong số đó, có 3 nhân vật do chút “duyên” quen biết, từ nhiều năm trước...

Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:
Một sự lựa chọn của lịch sử

Cách đây 40 năm, vào tháng 2/1984, Hội Khoa học Hoàng gia Vương quốc Anh tổ chức xét phong, bình chọn ra 10 vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại, trong đó Việt Nam tự hào có 2 vị được đưa vào danh sách này - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một sự lựa chọn của lịch sử
Hoa nở trên chiến trường xưa

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954, Điện Biên bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Từ chỗ là chiến trường đổ nát, hoang tàn, bằng nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh dựng xây, phát triển, ĐBP hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, từng bước phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực Tây Bắc.

Hoa nở trên chiến trường xưa

TIN MỚI

Return to top