ClockChủ Nhật, 01/01/2017 20:17

Ngư dân xuất ngoại

TTH - Cả đời gắn với biển, nhiều ngư dân mong ước một lần được đánh bắt ở ngư trường quốc tế trên những con tàu hiện đại với thu nhập ổn định.

Vươn khơi

Ngày càng có nhiều ngư dân ở các ở các xã Vinh An, Phú Diên, Phú Mỹ, Thuận An...(Phú Vang) xuất ngoại, làm nghề đánh cá ở ngư trường quốc tế. Riêng huyện Phú Vang có chừng 40 lao động làm công nhân đánh bắt cá ở đảo Haiwaii (Mỹ).

Ngư dân Thừa Thiên Huế làm việc ở đảo Hawaii (ảnh do nhân vật cung cấp)

Những ngày đầu đặt chân đến hòn đảo Haiwaii, nhiều ngư dân “mắt tròn, mắt dẹt” khi chứng kiến những chiếc thuyền to như ngôi nhà với diện tích trên 200m2 được làm bằng sắt chắc chắn. Công nghệ đánh bắt quá hiện đại, từ máy dò, định vị cá, đo mực nước đến hệ thống lưới câu dài cả chục cây số... nên năng suất rất cao.

Anh Nguyễn Văn Thanh (Vinh An, Phú Vang) vừa kết thúc hợp đồng lao động ở đảo Hawaii. Anh lại làm hồ sơ cho em trai là Nguyễn Văn Thịnh đi tiếp. Anh Thanh kể: Ban đầu, tôi làm công việc móc lưới câu cá ngừ. Mỗi ngày phải làm việc đến 20 tiếng nhưng bù lại thu nhập tương đối khá, 800USD/tháng. Ngư dân mà biết tiếng Anh sẽ được chủ thuyền hướng dẫn kỹ năng sử dụng thiết bị hiện đại để đánh bắt, tiền thưởng thêm sẽ nhiều hơn, mức lương sẽ khá hơn.

Khi xảy ra sự cố môi trường biển, 15 ngư dân ở các xã bãi ngang, ven biển đăng ký đi xuất khẩu lao động ở đảo Hawaii. Đa số tuổi trung niên, có kinh nghiệm, nhiều năm liền vươn khơi bám biển. Gặp anh Trần Văn Bốn ở Thuận An (Phú Vang) lên Huế làm thủ tục ra đảo, anh trải lòng: Ngư dân mà không đi biển thì buồn lắm. Ngư trường ở mô cũng rứa thôi, tạm thời không đánh bắt ở quê nhà thì xuất ngoại một chuyến, vừa mở rộng tầm mắt, vừa tích lũy được vốn để về còn sắm sửa ngư lưới cụ, đóng thuyền to hơn, vững chắc hơn để có những chuyến đi biển dài ngày”. Quyết tâm vươn khơi khiến nhiều ngư dân như anh Bốn tự tin hơn hẳn. Ban đêm, anh nhờ con bày thêm ngoại ngữ. Anh viết không tốt nhưng nói được những câu thông thường rất tự tin. Gặp khách du lịch đi ngang, anh mau miệng “hello, how are you?”. Thấy chúng tôi cười, anh thanh minh: tui cũng sợ nhưng không mạnh dạn giao tiếp thì làm răng giao lưu với lao động các nước được, lỡ có chuyện chi thì ai bảo vệ quyền lợi cho mình”. Không tự tin là một trong những rào cản mà ngư dân thường gặp phải khi đi xuất khẩu lao động.

Chịu khó học ngoại ngữ

Sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lao động phải tuân thủ quy định, tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tay nghề, sức khỏe, kể cả cách đánh bắt…Thế nên, những người trẻ quyết tâm học ngoại ngữ để có một công việc tốt hơn và hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

Cá được sơ chế tại cảng cá ở Haiwaill (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngày cuối năm, lớp học tiếng Hàn ở Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh vang lên rộn rã. “An - na – ca – sê - ố!”, học viên đồng thanh đứng dậy, cúi gập người và cất tiếng chào theo nghi lễ của xứ sở Kim chi (Hàn Quốc) khi chúng tôi vừa vào phòng. Một học viên nước da ngăm đen đứng lên trả bài cô giáo: “Cha – chong – con là xe đạp, a pa chi là bố, chan song ky: cái quạt…”.

Anh Trần Đại Nghĩa (Phú Lộc), học viên của lớp bộc bạch: Tôi làm biển được hơn năm năm nay. Hai vợ chồng thống nhất, vợ ở quê, chồng đi Hàn Quốc. Phần thi kỹ năng nghề nghiệp thì không lo, nhưng ngại nhất vẫn là tiếng Hàn. Cô giảng nghe hay nhưng khó hiểu quá, nếu so với tiếng Việt thì một câu tiếng Hàn dài như chùm lưới mực”.

Nhiều ngư dân nhìn xa, trông rộng khi cho con lên Huế học ngôn ngữ nước sở tại. Bùi Khắc Mười (Vinh Thái – Phú Vang) bộc bạch: Em mới tốt nghiệp lớp 12, ba mẹ dự định cho em đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm ngư nghiệp. Một tuần em học kèm tiếng Hàn 5 buổi, hai buổi cuối tuần về quê cùng ba bổ túc thêm nghề bủa lưới”. Người lao động đi Hàn Quốc sẽ qua hai phần thi, thi tiếng và kỹ năng làm việc. Sau khi trúng tuyển, họ sẽ có thời gian khoảng 3 tháng để học tiếng, học kỹ năng làm việc theo chương trình của Bộ Lao động TB&XH. Sức khỏe cũng là yếu tố quan trọng nên lao động trẻ phải tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện thể lực.       

Vẫn biết làm việc xứ người mồ hôi trộn lẫn. Với những đồng tiền khó nhọc ấy, nhiều ngư dân có cuộc sống ổn định hơn. Họ xây nhà khang trang, có điều kiện cho con cái học hành. Khi môi trường trong lành, họ ấp ủ ước mơ sẽ trở về quê, sẽ đóng tàu vươn khơi.

Đó sẽ là những chiếc tàu được gắn những thiết bị hiện đại, có thuyền lớn, không lo sóng to, bão dữ khi ra khơi như trước nữa.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm cho biết: Năm 2016, chương trình EPS đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc… ưu tiên cho người dân ở những huyện ven biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Đây là chương trình của Bộ Lao động TB&XH nên mức đóng thấp. Người lao động ở các xã bãi ngang có tuổi đời khá trẻ, lại có sự chuẩn bị về ngoại ngữ nên vòng sơ tuyển đã có 24/27 lao động đạt tiêu chuẩn.

 Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

Đầm Quảng Lợi cách trung tâm TP. Huế không quá xa, chỉ độ 30km, thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – vùng chiêm trũng giàu bản sắc văn hóa. Đầm rộng khoảng 800ha, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang. Thuận theo những con nước, đời sống của người dân nơi đây gắn liền với mặt nước và làm nghề đánh bắt tôm, cá…, giản dị và thuần hậu.

Ngày mới trên đầm Quảng Lợi
Cứu nạn thành công 11 ngư dân

Ngày 9/8, lực lượng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2 Biên phòng đã cứu nạn đưa toàn bộ 11 ngư dân trên tàu cá bị nạn trên biển lên tàu hàng an toàn.

Cứu nạn thành công 11 ngư dân

TIN MỚI

Return to top