|
Tại các vùng biển bãi ngang, nhiều ngư dân vẫn miệt mài vươn khơi, bám biển. Ảnh: Anh Lê |
Nắng chiều xuyên rặng dương liễu, hắt vàng xuống bãi cát, Hồ Văn Lưỡng (thôn 10, Điền Hòa, huyện Phong Điền) cùng những người anh em cật lực “dìu” chiếc thuyền 14CV mới cứng từ phía cồn cát xuống “bén” nước. Ngoài mâm cúng thần ngư vốn có của người dân ven biển, Lưỡng đốt một chiếc chổi, khói bay cay khóe mắt, đi quanh “phà phờ” mạn thuyền. Với ngư dân, lần đầu tiên thuyền “diện kiến” con sóng thì đó là những nghi thức cần có.
Lưỡng tập tành nghề ngư cách đây hơn 2 thập kỷ, nhưng 5 năm trở lại đây, anh bỏ biển lên bờ để buôn bán nhỏ. Bây giờ, Lưỡng quyết định trở lại nghề ông cha với chiếc thuyền chất liệu composite nhỏ, được đóng tại Hải Lăng (Quảng Trị) với giá gần 50 triệu đồng. Nói nguyên do trở lại nghề biển, anh quả quyết: “Không chỉ nối nghiệp cha mà đây là kế sinh nhai bền vững cho gia đình tôi”.
Trước khi quyết định bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư thuyền, ngư lưới cụ, Lưỡng nhiều tháng liền thử lại “mùi” con sóng. Chỉ bằng việc thả lưới, đặt lừ vùng biển lộng, Lưỡng thu về 500-700 nghìn đồng/ngày, thời điểm trúng cá có thể hơn. “Biển lúc mất, lúc được, nhưng tôi nghĩ con nước không bao giờ phụ ngư dân. Nửa năm trở lại đây, tôi làm chơi ăn thiệt, chỉ cần đặt lưới ven bờ là thu về nhiều cá, tôm. Do vậy, tôi quyết định trở lại nghề chuyên nghiệp với chiếc thuyền bằng chất liệu composite”, anh Lưỡng chia sẻ.
40 tuổi đời, Hồ Văn Lưỡng đủ kinh nghiệm để trải lòng về những ngón nghề ngư hay những chuyến biển thâu đêm, nhưng anh chỉ nói gọn về nghề bằng hai chữ: “Chịu khó”.
Quả thật, dọc dài vùng ven biển bãi ngang Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thuyền nan cứ vơi và người nối nghiệp nghề ngư cũng khuất dần theo năm tháng. Và thế, nghề biển vùng lộng trở nên lạc lõng, “quý hiếm”.
|
Dù nguồn lợi vơi dần nhưng nhiều ngư dân vùng lộng vẫn miệt mài bám biển |
Ở Điền Hòa, có 2 thôn ven biển với khoảng trên dưới 200 hộ dân. Thế nhưng, khi tiếp cận với báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của xã này, kết quả về khai thác biển không được đề cập, tất nhiên là sản lượng khai thác cũng bằng không. Điều đó minh chứng cho việc nghề biển vùng lộng thụt lùi theo năm tháng, ít nhất là ở Điền Hòa.
Không chỉ Điền Hòa, ở nhiều địa phương ven biển bãi ngang khác, câu chuyện thuyền nan “cô độc” phía trên bãi bờ khá phổ biến. Có chăng, những niềm vui ngắn khi vào mùa cá trích, cá khoai giúp họ vơi đi nỗi nhớ vị mặn con sóng.
Khoảng hơn 10 năm trước, vì con sóng “bạc”, nhiều ngư dân ở vùng biển Ngũ Điền, Phong Hải (Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền)… bỏ biển lên bờ theo đuôi con tôm chân trắng trên cát. Có người nuôi tôm thắng lớn, song đến bây giờ, nhiều hồ tôm phơi giữa mưa nắng, bạt rách, cỏ dại um tùm khiến ai cũng tiếc nuối. “Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát chừ lành ít dữ nhiều. Nhiều người trắng tay đành trở lại nghề biển”, anh Lê Văn Su (thôn Tây Hải, xã Quảng Ngạn) thở dài.
Trở lại với câu chuyện về sự hỗ trợ của Nhà nước để các ngư dân bãi ngang có thêm sự gắn bó với biển, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ có những chính sách hỗ trợ đối với tàu đánh bắt xa bờ, còn thuyền nan gần bờ thì không có.
Vị lãnh đạo này cũng nhận định rằng, nguồn lợi thủy sản ven bờ đang dần vơi cạn và hầu hết các thuyền nan đánh bắt gần bờ đều không đúng quy chuẩn theo quy định, tương lai sẽ dần loại bỏ loại hình đánh bắt này. Câu chuyện còn lại là chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng, chuyển đổi nghề là câu chuyện mang tính dài hơi, tỉnh sẽ có những chính sách phù hợp. Với đặc thù của các địa phương vùng bãi ngang, ngoài đánh bắt vùng lộng, những thuyền nan rất khó thích hợp nếu sử dụng vào các loại hình khác.
|
Ngư dân vùng biển bãi ngang |
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.900 chiếc thuyền nan tại các vùng biển bãi ngang. Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh cũng chỉ rõ, đến năm 2030 sẽ giảm dần số lượng tàu thuyền nhỏ nhằm giảm cường lực khai thác ở vùng lộng ven bờ, bảo vệ tốt nguồn lợi hải sản, phấn đấu tốc độ giảm thuyền thủ công, tàu thuyền nhỏ khoảng 4-5%/năm. Và trong số này, nhiều con thuyền dường như sẽ thành “xưa cũ”.
Chúng ta đang nhắc nhiều đến phát triển kinh tế biển, trong đó việc khơi dậy đam mê với nghề biển là một thành tố. Bây giờ, người lao động vùng bãi ngang ven biển có nhiều hơn sự lựa chọn. Con nước “bạc đầu” thì họ có thể bám víu ở các khu công nghiệp, buôn bán nhỏ. Song, đối với những ngư dân nặng lòng với biển, nỗi niềm cứ vẫn còn nguyên.
Có một điều đáng mừng, hiện nhiều chính quyền địa phương đang hỗ trợ ngư dân vùng lộng về đăng ký, đăng kiểm thuyền theo đúng với quy định của pháp luật. Đây là cơ sở, để những người còn nguyên niềm đam mê với con sóng có thể bám víu nghiệp ngư. “Trước đây, toàn xã có hơn 70 chiếc thuyền nan, song bây giờ đã giảm còn khoảng 50 chiếc. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng phối hợp với cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn ngư dân về quy trình đăng ký, đăng kiểm để đảm bảo quá trình khai thác theo đúng quy định”, ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền) cho biết.
Có thể những quy định mới nhằm phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, nhưng nỗi niềm của ngư dân vùng biển lộng cần được xét đến. Điển hình như việc cần triển khai nhanh việc hướng dẫn đăng ký, đăng kiểm thuyền cho ngư dân, để những trường hợp của Hồ Văn Lưỡng có thể an lòng mỗi khi vươn khơi.