ClockThứ Năm, 05/09/2024 11:01

Thức quà ký ức

TTH - Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Người muôn năm cũ

 

Tôi cũng giống bạn, mỗi khi đi chợ vẫn thích mua những kỷ niệm cho mình như những cái bánh, mấy loại đồ chơi truyền thống... Mua xong mang về nhà để ngắm và nhớ đã sau đó mới ăn hoặc cất đi, có khi cất rồi quên luôn...

Có một điều đặc biệt mà nếu không quan sát kỹ sẽ không thể nhận ra được đó là những khu chợ phố vẫn là nơi giữ lại những nét văn hóa của một làng quê mà đôi khi bây chừ tìm lại ở ngay làng cũng khó gặp. Ở Huế, chợ càng lớn thì càng đậm đặc nét văn hóa làng hơn, như chợ Đông Ba chẳng hạn, mấy loại nông cụ rổ, rá, thúng, mủng, nong, nia... vẫn còn được bán, mấy loại bèo, nậm, lọc, bánh ít bọc nhụy tôm, mấy bì chè bột lọc chẳng hạn... thì tất nhiên là không thể thiếu ở mấy quầy hàng ở chợ. Và cả mấy cái bánh bột sắn nho nhỏ được gói lá chuối, dây buộc cũng bằng lá chuối nữa vẫn được bán bên trong chợ Đông Ba... Mà thiệt lạ, cái loại bánh bột sắn gói bằng lá chuối ni gần như xứ Huế bây chừ chợ mô cũng có bán cả từ chợ lớn như Đông Ba, An Cựu hay mấy chợ ven đô như chợ Thông, chợ Cầu Ngói đều có... Nghĩa là bây chừ vẫn rất nhiều người thích ăn bánh bột sắn như một thứ quà vặt trong nếp sống của thị dân Huế...

Bánh bột sắn là một loại bánh dễ ăn, rẻ và ngon nữa. Mà cũng mài từ củ sắn mà ra, nhưng bột lọc là thứ bột tinh của sắn còn bột sắn là thứ bột thô. Hương vị từ 2 thứ bột này khi làm bánh cũng khác nhau hoàn toàn. Bánh bột lọc dẻo, dai, phải bọc nhụy tôm, thịt hay đậu và ăn thì phải chấm nước mắm ớt phi hành, tỏi... Bánh bột lọc thành một loại bánh rất Huế, có vị trí riêng bên cạnh bún bò, cháo lòng hay các loại bánh từ bột gạo...

Bánh bột sắn thì lại dân dã hơn, không thành “thương hiệu” bánh Huế và chỉ có bán ở mấy gánh hàng nhỏ ở các chợ mà thôi chứ không bán ở quán hay bán trên mạng như bánh bột lọc. Bánh bột sắn mềm và dễ ăn mà không cần thêm thứ nước chấm hay gia vị nào cả. Có thể làm bánh bột sắn mặn hay ngọt. Bánh bột sắn trần nặn hình như con sâu hồi trước hay hấp với cơm bữa nay cũng hiếm rồi. Bánh bột sắn gói lá thì có chút kỳ công hơn nên ăn cũng ngon hơn. Lá gói bánh bột sắn phổ biến là lá chuối, cũng có nơi gói bánh bằng lá tra. Hồi trước ở chợ Đại Lược quê tôi bánh bột sắn có bỏ thêm mấy hột đậu đỏ nữa làm nhụy ngọt, ăn cũng rất thú vị.

Những ngôi chợ quê xứ Huế những năm xưa hầu như chợ mô cũng có bán 2 loại bánh, đó là bánh bột sắn gói lá và bánh tráng khoai. Đó cũng là những thức quà trong triêng gióng mạ đi chợ về những buổi trưa năm cũ... Bánh bột sắn ăn mềm mại, bánh tráng khoai ăn giòn tan. Ăn xong cái bánh bột sắn đằm đằm cái bụng rồi khi nớ mới bẻ từng miếng bánh tráng khoai ăn vui miệng... Mà quà chợ của mạ chỉ vừa đủ ăn nhẹ thôi, là món ăn bữa lỡ còn để bụng mà ăn cơm nữa...

Những năm sau này, bánh tráng khoai ít bán dần ở chợ, một món bánh ngon và lành, một thức quà vặt của những làng quê xứ Huế chỉ còn trong nỗi nhớ của những đứa trẻ 7x như tôi. Nhưng bánh bột sắn gói lá chuối, dây buộc cũng bằng lá chuối, có cái vị mặn, cái vị ngọt thì vẫn còn, gần như chợ mô ở Huế cũng có bán...

Thỉnh thoảng, trên đường về làng tôi vẫn hay ghé một ngôi chợ quê là chợ Nịu và nhất định sẽ ghé chỗ một mệ già bày bánh bột sắn gói lá chuối trên cái mẹt nhỏ để bán với lời mời chân chất: “Chú ơi mua cho mệ mấy cấy béng đi, ngon lắm!”... Cái từ “béng” từ cái miệng nhai trầu của của mệ nghe tự nhiên, gần gũi và có duyên nữa, làm tôi cứ gặng hỏi về cách chế biến của món bánh bột sắn, để mệ nhiều lần nói về từ “béng” ngon nhà làm của mệ...

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Săn” thực phẩm quê

Thời gian gần đây, nhiều người cho rằng các thực phẩm “quà quê” sạch, không sử dụng hóa chất nên tin dùng, đặt mua ngày càng nhiều thay vì thường đến các chợ, siêu thị…

“Săn” thực phẩm quê
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Return to top