“Tháng 8/1997, sau khi tốt nghiệp đại học xây dựng cầu đường, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, tôi được tuyển vào Hạt QLĐB A Lưới …” – Hạt trưởng Hạt QLĐB A Lưới Lê Gia Định mở đầu câu chuyện về duyên nghiệp với cái nghề gắn chặt nơi núi rừng Trường Sơn.
Hạt QLĐB A Lưới khảo sát gia cố ta luy âm tại điểm xung yếu ở km76 trên tuyến QL49 lên A Lưới
Hạt QLĐB A Lưới lúc bấy giờ trực thuộc phân khu quản lý đường bộ Thừa Thiên Huế, thuộc Khu QLĐB 4, có chức năng quản lý sửa chữa toàn bộ tuyến Hồ Chí Minh qua A Lưới, tiền thân là QL14.
Năm 2004, Hạt được giao trọng trách quản lý và sửa chữa tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn huyết mạch từ xã Hồng Trung đến xã Phú Vinh (huyện A Lưới) trải dài gần 20km qua 8 xã, thị trấn; đồng thời, phụ trách quản lý và sửa chữa tuyến đường độc đạo QL49 lên A Lưới từ km63 đến km78, với nhiều điểm xung yếu.
Từ năm 2008, trên cương vị lãnh đạo Hạt QLĐB A Lưới, anh Định làm việc tỷ mỷ với các bộ phận thi công, vận tải, hậu cần, vạch phương án tổ chức mới. Các điểm xung yếu trên mỗi tuyến đường đều được xác định kỹ, từ mức độ ảnh hưởng trong thiên tai, đến khối lượng công việc khi có tình huống xảy ra nhằm xây dựng phương án, tổ chức nhân công, phương tiện cơ giới đảm bảo duy tu, bảo dưỡng, khắc phục sự cố, mà theo cách nói vui của anh Định là tổ chức thành các “binh trạm”.
Bắt đầu từ mùa mưa năm ấy đơn vị huy động mọi lực lượng và phương tiện khảo sát, thăm dò địa chất tại các điểm xung yếu, bố trí nhân lực, vật lực duy tu bảo dưỡng các tuyến đường trong mọi thời tiết.
Đất đá sạt lở với khối lượng lớn trên các tuyến do Hạt QLĐB A Lưới đảm trách
Anh Định tâm sự: “Đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì tôi biết mùa mưa bão ở rừng Trường Sơn từ lâu nay là nỗi ám ảnh của nhiều anh em trong nghề. Khối lượng đất đá sạt lở, cây cối đổ xuống rất lớn, gây chia cắt làm ngưng trệ mọi hoạt động vận tải trên các tuyến đường độc đạo. Nhiều anh em cứ nói vui là thiên tai bây giờ cũng như địch họa ngày xưa, “địch lại phá, ta lại sửa chữa, khắc phục. Bảo vệ đường luôn an toàn, thông tuyến”.
Khẩu hiệu ấy tạo cho đơn vị tinh thần luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chủ động chuẩn bị mọi tình huống. Đơn vị chia các tuyến phụ trách thành hai “binh trạm” để bố trí nhân lực, vật lực nhằm tạo thế tương hỗ lẫn nhau trong “tác chiến”.
Trong “trận chiến” với cơn bão số 12 năm 2017, đơn vị đã khắc phục kịp thời hàng chục điểm sạt lở núi gây chia cắt trên các tuyến với khối lượng rất lớn, có nguy cơ gãy mặt đường, gây an nguy đến tính mạng và phương tiện thi công, trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời nghề của anh Định và nhiều nhân viên trong đơn vị.
Trong cơn bão số 12, trên hai tuyến đơn vị quản lý thiệt hại rất nghiêm trọng, hàng trăm cây cối đổ gãy, hàng chục điểm sạt lở ta luy gây ách tắc giao thông. Trong đó, tuyến đường Hồ Chí Minh xảy ra 4 điểm sạt lở lớn gây chia cắt, tuyến QL49 có 8 điểm sạt lở nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là tại km76 trên QL49, sạt lở cả ta luy dương và ta luy âm với khối lượng rất lớn gây tê liệt giao thông, nguy cơ đứt đường rất cao nếu không có phương án tổ chức thi công hợp lý và kịp thời.
Đất đá sạt lở với khối lượng lớn trên các tuyến do Hạt QLĐB A Lưới đảm trách
Trực tiếp cùng đơn vị “chiến đấu” trong mưa bão để vận chuyển đất đá ra khỏi khu vực sạt lở, anh Đặng Viết Hóa, Tổ trưởng tổ thi công ở “binh trạm” trên QL49 không khỏi ngỡ ngàng vì khối lượng sạt lở quá lớn, các vị trí sạt lở kéo dài, ước tính nhiều điểm sạt lở trên 1.000m3, đất đá trôi trên núi xuống rất nhiều bùn lầy, cây cối làm giao thông qua tuyến này tê liệt hoàn toàn.
“Thi công trong điều kiện mưa lũ khắc nghiệt nên rất vất vả và nguy hiểm. Nhưng giao thông ách tắc, cả một vùng bị cô lập thì công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và cứu trợ sẽ rất khó khăn, nên anh em động viên nhau thi công xuyên đêm, không ngừng nghỉ”, anh Đặng Viết Hóa chia sẻ.
Để mở đường tại các vị trí xung yếu, Hạt QLĐB A Lưới nhờ sự chi viện của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế, huy động tổng lực máy móc, thiết bị và nhân lực tập trung ứng cứu với quyết tâm thông xe nhanh nhất. Phương tiện và nhân công được bố trí thi công từ nhiều mũi, công tác hậu cần được chuẩn bị chu đáo, từ nhà bạt, máy phát điện, các loại vật tư, vật liệu đều nhanh chóng chuyển đến công trường. Cán bộ công nhân lao động không quản ngại mưa bão, hiểm nguy.
Cơn bão số 12 năm ngoái, đến chiều tối 06/12/2017 trên tuyến QL49 vẫn còn tắc đường ở nhiều vị trí, tổ thi công tiếp tục thông tuyến các điểm còn lại. Tuy nhiên, đến đoạn km77 trên QL49, đất đá lại tiếp tục sạt lở với khối lượng quá lớn gây tê liệt. Lúc này trời đã tối, khoảng 19h30, tại hiện trường có ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế đang trực tiếp chỉ đạo.
Để xác định phương án tác chiến, ông Vinh, ông Định cùng tổ thi công trèo băng qua đỉnh khối lượng đất đá đang cắt ngang đường. Đang di chuyển, bỗng nghe phía trên, đất đá tiếp tục sạt lở xuống, hốt hoảng mọi người liền đẩy ông Vinh chạy lùi phía sau, còn ông Định lao nhanh về phía trước kịp lúc đất đá vừa đổ xuống.
Trong hoàn cảnh thiên tai không khác “địch họa”, suốt hai ngày đêm, toàn bộ cán bộ, nhân viên Hạt QLĐB A Lưới thay phiên nhau mở đường, bữa trưa và tối chỉ kịp ăn tạm chiếc bánh mỳ hoặc cơm hộp ngay tại “chiến trường”.
Đó là những ngày khẩn trương, sôi nổi. Vượt lên tất cả, các anh đã kiên cường bám trụ “trận địa” để duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường trong điều kiện gian khổ, kịp thông tuyến trong thời gian sớm nhất, hỗ trợ công tác khắc phục hậu qủa thiên tai đến với người dân được nhanh chóng.
BÁ TRÍ