|
Thành đoàn Hà Tĩnh gắn biển công trình thanh niên “Số hóa thông tin về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trần Phú”. Ảnh: Tuệ An |
Quyết dấn thân vào con đường cách mạng
Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Mới 4 tuổi đã mồ côi cha, lên 6 tuổi mất mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ, bất công của nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã nung nấu ý chí tìm đường cứu nước. Thời gian học tập ở Trường Quốc Học Huế, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn… Họ lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi vận nước, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập…, được cổ vũ bởi tấm gương cựu học sinh Quốc Học Huế Nguyễn Tất Thành (lúc này là Nguyễn Ái Quốc) với những hoạt động cách mạng sôi nổi ở nước ngoài.
Năm 1922, sau khi tốt nghiệp Thành chung Trường Quốc Học Huế, với mục đích góp phần đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước, Trần Phú chọn nghề dạy học tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Với tất cả nhiệt huyết của mình, Trần Phú đã truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quê hương và dân tộc.
|
Bức tượng Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: BHT |
Vào giữa thập niên 20, là thời điểm mà các hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tại Paris đã có những tác động mạnh mẽ về trong nước. Nhất là ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã thu hút nhiều tầng lớp thanh niên, trí thức yêu nước, trong đó có Trần Phú. Từ đó, Trần Phú quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp khi ngoài 20 tuổi.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào cuối năm 1926, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khóa huấn luyện đã trang bị cho Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản, về lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, để từ một thanh niên yêu nước, trở thành đảng viên Cộng sản.
Sau khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động, đã đưa nội dung chương trình, phương pháp huấn luyện và cách thức tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào hoạt động trong tổ chức Tân Việt. Những hoạt động tích cực của đồng chí trong thời gian này đã đóng góp lý luận quan trọng trong quá trình vận động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 11/1926, được sự tín nhiệm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú được cử sang học tại Trường đại học Phương Đông (Liên Xô). Trong 3 năm học tại Đại học Phương Đông, đã đem lại cho Trần Phú vốn tri thức phong phú về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, về cách mạng vô sản. Nhờ đó, đồng chí đã có bước trưởng thành vượt bậc về nhận thức, trình độ và năng lực hoạt động cách mạng, sẵn sàng đảm đương những trọng trách mới mà Đảng và đất nước giao phó.
Nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng
Cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, tình hình cách mạng thế giới và trong nước diễn biến nhanh chóng. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, tháng 11/1929, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng. Tháng 7/1930, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời thời và được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị. Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là sản phẩm trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, nhưng in đậm dấu ấn cá nhân đồng chí Trần Phú trong vai trò Tổng Bí thư đầu tiên và là người trực tiếp soạn thảo.
Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và các văn kiện trong Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đầu năm 1930; cùng thực tiễn các phong trào yêu nước đang diễn ra… Nội dung của Luận cương đề cập những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Đông Dương.
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, đặc điểm xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương, Luận cương nêu rõ tính chất cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền. Nhiệm vụ của cách mạng là “đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc, đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ ấy khăng khít với nhau không thể tách rời”.
Trong cách mạng tư sản dân quyền, công nhân và nông dân là hai lực lượng chính, nhưng giai cấp công nhân phải nắm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thành công… Luận cương chỉ rõ, Đảng phải có phương pháp cách mạng trong lúc bình thường và lúc có tình thế cách mạng. Khi có tình thế trực tiếp thì Đảng phải lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Luận cương nhấn mạnh: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa Cộng sản”. Luận cương chỉ rõ: Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới…
Ngoài ra, đồng chí Trần Phú còn có những đóng góp vào việc xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, đó là cải tổ Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương; cùng các văn kiện hướng dẫn xây dựng các tổ chức quần chúng như Mặt trận dân tộc, Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ...
Trong điều kiện Đảng mới ra đời, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, thì Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo và thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ I (10/1930) là một văn kiện chính trị quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, là cơ sở để Đảng đề ra sách lược, chiến lược trong suốt quá trình đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền cách mạng. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”, một người cộng sản mẫn tiệp, trí tuệ và sáng tạo.