Nhiều học viên của trường đã phát huy được năng lực, trí tuệ, trở thành cán bộ cốt cán ở cơ sở. Trong ảnh: Trao chứng chỉ hoàn thành lớp cao cấp chính trị cho các học viên (ảnh tư liệu)
Chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng nâng lên
Nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh không ngừng bổ sung, củng cố, kiện toàn đội ngũ, tích cực bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên mới, phân công giảng viên giàu kinh nghiệm giúp đỡ các giảng viên tập sự. Đồng thời, cử giảng viên học bồi dưỡng nâng cao, tuyển chọn thêm giảng viên mới có trình độ và khả năng giảng dạy tốt ở các cơ sở đào tạo khác về trường bổ sung cho các khoa phòng, từng bước chuẩn hoá về đội ngũ cán bộ, giảng viên.
“Kết quả lớn nhất trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên là lãnh đạo trường luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lý luận chính trị, kỹ năng sư phạm để nâng cao trình độ, đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, nhà trường đã có một đội ngũ khá vững vàng, từ chất lượng, trình độ đến năng lực giảng dạy; trong đó, đào tạo được 2 tiến sĩ, 3 đồng chí đang học nghiên cứu sinh, 31 thạc sĩ, 17 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 2 người có trình độ cử nhân chính trị, 15 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 2 giảng viên- chuyên viên cao cấp và 8 giảng viên chính”- Ths. Nguyễn Thiên, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh thông tin.
Chính sự đồng bộ, chất lượng được đầu tư đúng hướng của đội ngũ giảng viên nên 25 năm qua, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã phối hợp và thực hiện đào tạo 162 lớp với trên 12.500 học viên; trong đó, đại học hành chính, cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị 20 lớp với 2.120 học viên; trung học, trung cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính 116 lớp với 8.685 học viên, trung cấp hành chính 11 lớp với 713 học viên, các lớp trung cấp khác 8 lớp với 522 học viên… Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức theo học tại nhà trường được đánh giá cao về chất lượng công tác và đạo đức nghề nghiệp; sau khi trở về công tác ở các địa phương, cơ quan hầu hết đã phát huy được năng lực trí tuệ, trở thành những cán bộ cốt cán ở cơ sở.
Ông Nguyễn Thiên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Cùng với việc đáp ứng yêu cầu mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trường thường xuyên thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn tuân thủ quy tắc nghề nghiệp; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; ý thức phấn đấu vươn lên, từng bước khẳng định và nâng cao uy tín của trường. Ngoài bố trí đội ngũ giảng viên, nhân viên phục vụ khoa học, hợp lý, theo đúng kế hoạch, Ban giám hiệu còn thường xuyên thực hiện các biện pháp đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên; từng bước đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại”.
Kết hợp nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn
Với những thành tích đạt được trong 25 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh liên tục được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Đảng bộ nhà trường liên tục hơn 20 năm được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đáng chú ý, năm 2009 trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm học 2016- 2017, được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua toàn ngành.
|
Song song với công tác giảng dạy là nhà trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức hội thảo khoa học. Đến nay, nhà trường đã thực hiện 1 đề tài cấp tỉnh và 26 đề tài cấp cơ sở. Cùng với đó, tổ chức 14 hội thảo khoa học nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc trong hoạt động của nhà trường. “Kết quả các đề tài được nghiệm thu đều xếp loại khá trở lên, tính ứng dụng của các đề tài khoa học khá cao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Nhiều đề tài khoa học đã được vận dụng trong các giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ sở”- thầy Trần Trọng Hướng, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học- Thông tin- Tư liệu nhà trường chia sẻ.
Hoạt động nghiên cứu thực tế của nhà trường ngày càng được đẩy mạnh, đi vào nề nếp và thực chất hơn. Thông qua việc nghiên cứu thực tế từ 15- 20 ngày ở một số trường chính trị trong cả nước, các huyện, thị xã trong tỉnh, các giảng viên đã học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn phục vụ giảng dạy, trở thành một hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng. Việc chú trọng nghiên cứu thực tế tại các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn, biên giới tạo sự gắn kết giữa trường với cơ sở. Từ đó, bài giảng của các giảng viên sống động, gắn với thực tiễn, giúp học viên tích lũy kinh nghiệm phục vụ công tác.
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ cơ sở nói riêng là vấn đề có vị trí chiến lược, là yêu cầu cấp bách hiện nay trong việc đổi mới công tác cán bộ. “Chính sự chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường mở rộng liên kết, phối hợp, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo, thực hiện đào tạo có mục tiêu, theo yêu cầu, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu và là cái “nôi” phát triển nguồn nhân lực cán bộ chất lượng cao của tỉnh”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà trong một lần làm việc tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã ghi nhận như vậy.
Thái Bình