Trong mảnh vườn nhỏ ở Phú Vang, giờ đây anh N.Q.T. có thể đi lại chăm sóc cây cảnh nhẹ nhàng. Mẹ anh, bà La T.B. nhìn con trai với ánh mắt hạnh phúc. Với người mẹ nông dân nghèo khổ này, niềm mong mỏi con cái khỏe mạnh tưởng chừng giản đơn nhưng cực kỳ lớn lao đối với bà, bởi anh T. bị suy tim suốt mấy năm qua.
Ở người bình thường, chỉ số EF trong siêu âm tim dao động từ 50 - 70%. Đây là chỉ số lý tưởng cho việc bơm máu của tim, đáp ứng nhu cầu cần thiết của toàn bộ cơ thể. Trong khi đó, phân suất tống máu EF của anh T. chỉ 18%. Mới năm ngoái đây thôi, bà B. hai lần đưa con lên Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu trong tình trạng ngưng tim. Sự sống anh chỉ còn đếm từng ngày.
Ấy vậy mà nhờ ghép tim xuyên Việt, cuộc đời con trai bà B. bước sang một chương mới tươi đẹp, mà bà bảo rằng: “Tưởng chỉ có trong mơ!”. Trái tim được hiến tặng đã giúp chàng trai trẻ phục hồi sức khỏe, thực hiện các sinh hoạt cá nhân trong phòng bệnh chỉ sau 3 ngày ghép. Giờ đây, sau hơn nửa năm được ghép tim, anh đã ăn uống, ngủ nghỉ khỏe lên rất nhiều, tăng thêm 9kg. Anh T. dự tính cuối năm sẽ chuyển sang kinh doanh online, bán một số mặt hàng đơn giản để phụ thêm thu nhập cho gia đình.
|
Đưa tim hiến từ Hà Nội về ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế |
Trực tiếp theo dõi, chăm sóc anh N.Q.T. sau ghép tim, BSCKII Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Gây mê hồi sức rất vui mừng trước sự bình phục của bệnh nhân. Ông bảo, nhìn chàng trai này mập mạp, khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn trước, ê kíp điều trị ai nấy đều vui mừng vì công sức, nỗ lực của y bác sĩ được đền đáp xứng đáng. Ít ai nghĩ đây là người từng hai lần “chết hụt” vì tim ngừng đập. Sự hồi sinh ngoạn mục này càng củng cố niềm tin về kỹ thuật ghép tạng cứu người của y học nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng.
Cùng chung niềm vui, ông L.T.K. (55 tuổi, ở Huế) giờ đây hàng ngày sum vầy vui vẻ bên con cháu. Hơn 5 năm trước, ông K. từng bị ung thư gan trên nền xơ gan mất bù, cần thay gan mới có thể kéo dài sự sống. Khi cả gia đình chuẩn bị hậu sự, thậm chí con cái đã sắm bàn thờ để sẵn thì nhờ tạng hiến ở Hà Nội, ông K. được phẫu thuật. Sau 7 giờ, gan bắt đầu thực hiện chức năng của mình trong cơ thể bệnh nhân.
Giờ đây lên chức ông, đón thêm 5 đứa cháu nội ngoại, ông K nhẩm tính mình đã “hồi sinh” 5 năm 2 tháng 18 ngày. Khoảng thời gian sống thêm quý báu được ông khắc cốt ghi tâm và trân trọng từng ngày. Ông K. xúc động: “Tôi tăng cân, ăn uống sinh hoạt như hồi chưa bị bệnh; lại được đạp xe thể dục nhẹ nhàng và chơi cờ oi như thú vui thuở trước. Hàng tháng, Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ thêm cho tôi chi phí tái khám. Cảm ơn các y bác sĩ đã cho tôi tận hưởng những thời khắc trên cuộc đời cùng người thân”.
|
|
Hân hoan vui đùa, mong chờ được đi học trở lại, cậu bé Phạm L.H.V. (8 tuổi ở Đà Nẵng) trở lại Huế tái khám sau đợt ghép tế bào gốc đồng loại. Đây là một trong hai ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên khu vực miền Trung – Tây Nguyên và thứ ba trong cả nước được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công. Bà Lê T.T. mẹ bé V. vui mừng: “Sức khỏe bé tiến triển tốt, không còn cảnh phải đi 100 cây số để truyền máu vì bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) như trước. Cháu có thể vui đùa, học hành như bao bạn bè cùng trang lứa khác rồi”.
|
|
|
|
Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế có quy mô hơn 5.000 giường bệnh, gồm 2 cơ sở khám và điều trị, 15 trung tâm, đội ngũ cán bộ y tế giỏi đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, ngoại khoa, sản phụ khoa, đột quỵ, tim mạch, nội khoa và điều trị tích cực, nhi khoa và hồi sức sơ sinh… Tiếp nhận gần 180.000 bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 700.000 lượt bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, điều trị ngoại trú; phẫu thuật thực hiện gần 50.000 ca, đứng tốp 3 trong cả nước.
Chỉ tính riêng ghép tạng, lĩnh vực được xem là đỉnh cao trong kỹ thuật y học, BV đạt nhiều thành tựu. Năm 1992: ghép giác mạc; năm 2001: ghép thận; năm 2011: ghép tim; năm 2015: ghép tim phổi; năm 2018: ghép tin, ghép gan xuyên Việt. Sau 23 năm triển khai ghép tạng, đơn vị đã thực hiện trên 2.000 ca ghép mô/tạng.
Bệnh viện Trung ương Huế ghi dấu nhiều kỷ lục ấn tượng về ghép tạng xuyên Việt: “Ngày ghép tạng từ 2/4 với 4 ca ghép thận cùng huyết thống, 1 ca ghép thận tự thân, 3 ca ghép tạng xuyên Việt; ghép tim hiến của người 65 tuổi cho người từng phẫu thuật thay van tim, phải phẫu tích gỡ dính; tim đập sau ghép chỉ hơn 50 phút…. Nhiều kỳ tích xảy ra, khẳng định năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế.
Riêng ghép thận, từ cột mốc 2001 đến tháng 10/2024 đã ghép khoảng 2.000 ca; bình quân 200-250 ca mỗi năm. Các kỹ thuật khó trong ghép thận đã triển khai một, hai, ba động mạch hoặc tĩnh mạch; rửa thận ngược dòng; ghép lại lần thứ hai, thứ ba…; phẫu thuật nội soi lấy thận ghép: 80 ca/năm; sau phúc mạc/xuyên phúc mạc…; ghép thận tự thân. Đây là những kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, đảm bảo chất lượng cho các cuộc ghép.
“Theo lộ trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của Thừa Thiên Huế và trở thành trung tâm y học cao cấp, ghép tạng đã trở thành thường quy và là lĩnh vực đầu tàu không thể thiếu”, GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định.
Nỗ lực trong xây dựng quy trình, phát triển kỹ thuật, năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế đón nhận giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới. Giải thưởng này đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian tái thông mạch máu não, thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp. Hiện, Trung tâm Đột quỵ có thể thực hiện được các kỹ thuật cấp cứu đột quỵ tiên tiến trên thế giới: Can thiệp đường tĩnh mạch tắc dò xoang hang, CT dị dạng mạch máu tủy, các kỹ thuật xử lý phình mạch. Đặc biệt, triển khai thường quy đặt stent chuyển dòng điều trị phình mạch. Đẩy mạnh phối hợp liên chuyên khoa để điều trị dị dạng mạch máu bệnh nhi và dị dạng mạch máu toàn thân...
|
|
ThS.BS. Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế thông tin: 24/24 giờ mỗi ngày, đội cấp cứu đột quỵ hoàn chỉnh đa chuyên khoa sẵn sàng phối hợp nhịp nhàng để hội chẩn, đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Nhờ đó, can thiệp thành công nhiều trường hợp cấp cứu nặng, mắc bệnh lý mạch máu não phức tạp.
Trong điều trị ung thư nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đạt được nhiều thành tựu, tiêu biểu là ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại. Các kỹ thuật này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kỹ thuật chuyên môn cao. Hỗ trợ 2 ca ghép tế bào gốc đồng loại mới đây, GS. Lawrence Faulkner, chuyên gia về ghép tế bào gốc đồng loại điều trị bệnh thalassemian (tan máu bẩm sinh) rất lạc quan về việc triển khai và phát triển kỹ thuật này trong thời gian tới. Đồng thời, ông cho rằng Bệnh viện Trung ương Huế có thể trở thành một đơn vị ghép tế bào gốc đồng loại xứng tầm khu vực, thế giới.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Huế đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại hỗ trợ điều trị kỹ thuật cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị hệ thống khám chữa bệnh hiện đại được xem là quyết sách đúng đắn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính Synergy 160 lá thế hệ mới, máy chụp cắt lớp vi tính phổ 512 lát cắt ứng dụng vượt trội, hệ thống MRI chụp cộng hưởng từ 1.5T Signa Explorer Air IQ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động hoàn toàn xét nghiệm đông máu Hemocell đầu tiên tại khu vực miền Trung và miền Nam… Toàn đơn vị có 2,5 triệu thiết bị y tế, chia làm 285 chủng loại hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới; tạo nền tảng phát triển các kỹ thuật y học cao cấp, thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế”.
|
|
|
|
Trong một cuộc hội thảo về ghép tạng, PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận xét: “Bệnh viện Trung ương Huế được đánh giá là một trong bốn bệnh viện toàn quốc ghép hơn 1.000 ca/năm. Quy trình, lấy - ghép thực hiện chuyên nghiệp; trong đó, có những ca ghép tạng xuyên Việt áp lực về địa lý và thời gian, tỷ lệ ghép tạng thành công cao”.
Để có được thành quả đáng tự hào nói trên là cả quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng. ThS.BSCKII Trần Hoài Ân – Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch là người đồng hành cùng nhiều ca ghép tim xuyên Việt cho rằng, áp lực đặt lên vai người ghép rất lớn. “Mỗi đường khâu đều yêu cầu tỉ mỉ, chính xác. Qua thời gian, chúng tôi đã có những cải tiến kỹ thuật để ca ghép hiệu quả, tim đập sớm”, BS. Ân nói.
Trong khi đó, ThS.BS. Nguyễn Đức Dũng, Phụ trách Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch cho rằng: “Chúng tôi học được nhiều điều từ mỗi ca ghép tim. Những tình huống phát sinh buộc phải tính toán, xử lý, thậm chí phải sáng tạo để cứu sống bệnh nhân. Trường hợp ghép tim bất cân xứng về hình thể (trái tim của người 65 tuổi nhẹ cân ghép cho một người đàn ông ngoài 40 tuổi) phải đặt ECMO ổn định huyết động, đảm bảo tưới máu các tạng khác. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu sau ghép, do đó, việc lựa chọn kỹ thuật, phương án ghép tạng phải cực kỳ quyết đoán, chính xác”.
Làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại, theo TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng khoa Ung bướu - Huyết học - Ghép tủy, Trung tâm Nhi, ê kíp làm việc phải phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp; đồng thời sau ghép, phải hạn chế tối đa các biến chứng. “Như trường hợp một bệnh nhi bị xuất huyết phế nang lan tỏa, biến chứng hiếm gặp trong ghép tủy vừa qua, nhờ kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên các bác sĩ phát hiện, điều trị kịp thời”, BS. Hoa dẫn chứng.
Với quy mô mở rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, Bệnh viện Trung ương Huế liên tiếp có nhiều đột phá trong các lĩnh vực điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu về ghép tạng, điều trị ung thư, phẫu thuật nội soi, tim mạch, hỗ trợ sinh sản, can thiệp đột quỵ... Ngoài ra, đơn vị còn triển khai một số kỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam hoặc thế giới, như: Phẫu thuật nội soi một lỗ hoặc qua lỗ tự nhiên, ứng dụng điều trị hỗ trợ tế bào gốc trong ung thư buồng trứng và ung thư vú…
|
|
Ấn tượng với ba ca ghép tạng xuyên Việt cứu sống 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng gửi Thư khen cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế 5 đơn vị thực hiện thành công ca điều phối tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Thủ tướng tự hào: “Ca lấy ghép tạng thành công thể hiện rõ nét những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện thành công nhiều ca ghép đa tạng trong thời gian vừa qua… ”.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, Bệnh viện Trung ương Huế đã phát huy hiệu quả vai trò hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng dịch vụ kỹ thuật, điều trị thành công những ca bệnh khó đạt tỷ lệ cao. Thành quả này đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển y tế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Còn nhớ tại chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng mong muốn Bệnh viện Trung ương Huế sẽ là đơn vị tiên phong, đi đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… củng cố và phát triển thương hiệu của đơn vị là trung tâm y học chuyên sâu, cao cấp trong thời gian tới. Lời động viên và kỳ vọng này đã tạo động lực cho đội ngũ cán bộ viên chức Bệnh viện nỗ lực vươn lên. Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế nhận định, thế giới phát triển nhanh, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật luôn đòi hỏi đội ngũ phải nâng cao chất lượng điều trị, phá các kỷ lục của riêng mình, liên tục học tập, sáng tạo trong phác đồ điều trị và kỹ thuật phẫu thuật, thu hút thêm nhiều bệnh nhân, cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, phát triển du lịch khám chữa bệnh.
|
|
GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp cho hay: “Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao xứng tầm khu vực Đông Nam Á và thế giới là mục tiêu hướng đến. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, đặc biệt trong lĩnh vực ghép mô, tạng. Phát triển các kỹ thuật tim mạch và đột quỵ, phát triển công nghệ sinh học và điều trị ung thư. Tăng cường xây dựng các đơn vị chuyên sâu để giữ vững thế mạnh, phát triển các dịch vụ và kỹ thuật trong tất cả chuyên khoa để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn”.
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhận định: “Những kỹ thuật cao Bệnh viện Trung ương Huế đạt được khẳng định vai trò hạt nhân của y tế chuyên sâu cả nước và khu vực. Thành tựu ghép tạng có tầm lan tỏa trong nước và khu vực, khẳng định vị trí đầu tàu của một thiết chế y tế cấp Bộ trên địa bàn tỉnh”.
Những ngày này, khi đến Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều người sẽ gặp anh bảo vệ Mậu Đức cần mẫn với công việc hướng dẫn, sắp xếp phương tiện. Anh là biểu tượng thành công của ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do ê kíp y bác sĩ người Việt thực hiện năm 2011, ghi danh Việt Nam vào bản đồ các quốc gia ghép tim trên thế giới. “Bằng chứng sống” này mở ra nhiều triển vọng chinh phục thách thức trong điều trị bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp của ngành y, khẳng định thành tựu của y học kỹ thuật cao cứu người, lan tỏa những điều nhân văn tốt đẹp trong xã hội.