Do Bộ luật Lao động hiện hành có những nội dung quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động của nhiều doanh nghiệp, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động… nên Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang được Chính phủ giao soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét vào năm tới.
Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ đăng trên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người lao động về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Bộ luật Lao động lần này.
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chiều ngày 16/8, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là Bộ Luật lớn có tác động sâu rộng đến xã hội, nhất là các nội dung của Bộ Luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Lần sửa đổi này nhằm chuyển đổi toàn diện Bộ Luật, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Ban chấp hành TW Đảng, Bộ Chính trị; phù hợp Hiến pháp 2013; đảm bảo sự đồng bộ các Luật đã được ban hành, đồng thời giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường lao động…
Báo cáo về các nội dung cơ bản của Dự án Luật Lao động (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động năm 2012 như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, quản lý nhà nước về lao động.
Luật sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng”lách” các quy định của pháp luật lao động, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động (người lao động làm việc theo các hình thức liên kết liên doanh với các doanh nghiệp công nghệ số như Uber, Grab…) nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chính sách mới.
Trong đó, tiền lương tối thiểu và chính sách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết số 27 của Trung ương. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang lương, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và dựa trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tình hình sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào các chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất lao động và kết quả lao động. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.
Tuổi nghỉ hưu cũng được điều chỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 28 của Trung ương. Theo đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động đến thị trường lao động. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu cũng phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; cân đối Quỹ Bảo hiểm trong dài hạn; thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.
Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Dự kiến, từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữa cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Về làm thêm giờ, dự án dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm. “Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9/2018, sẽ họp Ban soạn thảo và tổ biên tập, hội thảo tham vấn lấy ý kiến hoàn thiện tài liệu trong hồ sơ Dự án Bộ luật Lao động.
Theo VOV