Triển lãm của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế về hình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng miền Nam. Ảnh: Hội Nhà báo tỉnh
Lâm Mộng Quang tên thật là Lâm Kiến, sinh năm 1907, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Minh Hương, nay là thôn Minh Thanh, phường Hương Vinh, TP. Huế. Ở Huế, năm 1927, Lâm Kiến bắt đầu gia nhập vào nhóm thanh niên yêu nước. Năm 1933, được bổ làm Trưởng ga Cầu Hai, huyện Phú Lộc. Ở đây, Lâm Kiến tích cực hoạt động cách mạng, tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân đường sắt, rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Lâm Mộng Quang.
Từ giữa năm 1936, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương (sau đổi là Mặt trận Dân chủ). Lâm Mộng Quang tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng, xây dựng phong trào quần chúng. Cuối năm 1936, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, những người cộng sản ở Huế phải chuẩn bị nhân sự, bằng mọi cách phải có được tờ báo trong tay. Cùng với Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Xuân Lữ, Phạm Bá Nguyên, Lâm Mộng Quang đã tích cực vận động tổ chức xin phép chính quyền ra tuần báo Nhành Lúa. Khi báo ra đời, đồng chí tham gia Ban biên tập và trực tiếp viết bài.
Ngay từ số 2 báo Nhành Lúa, ra ngày 22/1/1937, cái tên Lâm Mộng Quang đã xuất hiện trong một “Ủy ban” hiệu triệu anh chị em viết báo Trung Kỳ để thảo luận những vấn đề yêu cầu về tự do báo giới, lập nghiệp đoàn báo giới… Lâm Mộng Quang viết về “Những cuộc đình công đầu tiên ở Huế” (Nhành lúa số 4). Nổi bật nhất là bài “Ông Godart cũng đưa nguyện vọng” (Nhành lúa số 9). Trong cuộc tiếp kiến vị “Đặc sứ” này tại chùa Báo Quốc, Lâm Mộng Quang đã thuật lại, ông Godart cam kết: “Tôi rất cẩn thận trung thành đưa hết những bản nguyện vọng thiết thực ấy về cho chính phủ, cho quan Tổng trưởng Thuộc địa Moutet và tôi nhiệt liệt khẩn cầu cho kỳ được, khẩn cầu sửa đổi gấp nữa kia”.
Ngày 19/3/1937, tuần báo Nhành Lúa bị chính quyền thực dân ra lệnh đình bản, tức thì Lâm Mộng Quang tham gia Ban biên tập tuần báo Kinh tế Tân văn, cơ quan của Đảng bộ tỉnh và Xứ ủy Trung Kỳ, tiếp tục đường hướng của Nhành Lúa. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Kinh tế Tân văn vẫn đăng đàn chiến đấu, công bố trọn vẹn hai nghị quyết và chương trình hành động cùng “Bản báo cáo” do Hải Triều thay mặt Ủy ban tổ chức Hội nghị Báo giới Trung Kỳ trình bày, được tổ chức tại Huế vào tối ngày 27/3/1937.
Không chỉ tham gia Ban biên tập, viết bài, Lâm Mộng Quang là một cán bộ cách mạng tham gia đấu tranh trong các cuộc hội nghị bảo vệ quan điểm của Đảng. Nổi bật nhất là “phong trào đón Godart”, tham dự Hội nghị Báo giới Huế vào tối 27/1/1937, và là một trong 4 đại biểu của Nhành Lúa tham gia Hội nghị Báo giới Trung Kỳ vào ngày 27/3/1937 tại Đông Pháp lữ quán, đường Đông Ba, Huế.
Sau khi Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn bị đóng cửa, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Đăng Lưu, những người cộng sản ở Huế đã thỏa thuận mua lại tờ Sông Hương của Phan Khôi để ra báo Sông Hương tục bản mà không cần xin phép, tiếp đó là tuần báo Dân ra đời. Ngay từ đầu Lâm Mộng Quang đã cộng tác với Sông Hương tục bản, tham gia Ban biên tập tuần báo Dân – trên danh nghĩa là Cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ, nhưng thực chất báo Dân là cơ quan công khai của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Giữa năm 1937, Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Hương Trà do đồng chí Lâm Mộng Quang, cán bộ Tỉnh ủy, về chỉ đạo thành lập tại Bao Vinh. Từ giữa năm 1939, hầu hết cán bộ, đảng viên trong tỉnh bị địch bắt giam; Lâm Mộng Quang cũng bị Pháp bắt, đưa về quản thúc tại Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Tháng 3/1945, Lâm Mộng Quang ra tù, hăng hái bắt tay vào hoạt động. Tháng 6/1945, Mặt trận Việt Minh huyện Hương Trà được thành lập lấy tên là Việt Minh Bình Sơn. Trên cương vị là Chủ nhiệm Việt Minh huyện, nhà báo Lâm Mộng Quang đã có nhiều buổi nói chuyện, diễn thuyết ở các xã thuộc Hương Trà và vùng ven thành phố Huế.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân ra đời, đồng chí Lâm Mộng Quang trở về làm việc tại cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó được bầu vào Hội động Nhân dân tỉnh. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng vào ngày 10/5/1946, tại Duyệt Thị Đường, đồng chí được cử giữ chức Ủy viên Thư ký Ủy ban Nhân dân tỉnh (sau là Ủy ban hành chính), phụ trách công tác tư pháp, tài chính. Năm 1946, đồng chí được tỉnh giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng dân quân. Tháng 2/1947, Lâm Mộng Quang tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên.
Cuối tháng 3/1947, trong một lần địch càn về vùng Sịa, Lâm Mộng Quang và một số đồng chí bị địch bao vây và bị bắt. Khi bị giặc bắt, đồng chí bị bọn Việt gian chỉ điểm, chúng đã bắn đồng chí tại đồn Lai Hà, thuộc xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền. Trước họng súng quân thù, đồng chí hô vang những khẩu hiệu cách mạng và mỉm cười tin tưởng vào ngày thắng lợi. Đồng chí Lâm Mộng Quang hy sinh khi vừa tròn 40 tuổi, để lại sự thương tiếc trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân vùng kháng chiến Thừa Thiên Huế về một con người đức độ, tài năng và nhiệt huyết cách mạng.
Mỗi lần nhắc đến danh xưng của các nhà báo Lâm Mộng Quang, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Xuân Lữ, Phạm Bá Nguyên… là người ta lại nhớ về một thời oanh liệt của tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn – nhớ về một giai đoạn vẻ vang của báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế.
Dương Thị Hải Vân