Những bài viết tâm huyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi đang là sinh viên Khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh tạm gác bút nghiên, vào Nam đánh giặc. Sau khi đất nước thống nhất, anh may mắn hơn bao đồng đội khác, được trở lại mái trường thân yêu, tiếp tục ước mơ còn dang dở.
Đầu năm 1980, anh tốt nghiệp ra trường, được về công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu (4/2014). Suốt 34 năm gắn bó với Bảo tàng Hồ Chí Minh, dù ở cương vị công tác nào, anh luôn tranh thủ thời gian tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như niềm vui và hạnh phúc lặng lẽ mỗi ngày của những người vinh dự được làm công việc gìn giữ di sản của Bác.
Lòng đam mê được nhen lên, lại được tiếp xúc với hiện vật gốc, kho tư liệu quý hiếm của Bảo tàng Hồ Chí Minh; được trò chuyện thân tình với những người đã từng ở bên Bác nhiều năm như ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh), ông Cù Văn Chước (nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Chính phủ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)… như truyền thêm cảm hứng để Chu Đức Tính ngày càng chuyên sâu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ban đầu là những bài viết đăng trên các báo, tạp chí, đọc ở các cuộc hội thảo khoa học; sau đó xuất bản thành sách, tiêu biểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giải quyết những vấn đề dân tộc dân chủ trong cách mạng Việt Nam (1930-1954) Nxb CTQG.H - 2001; Sức cảm hóa Hồ Chí Minh - Nxb CTQGST.H.2013; Bác Hồ, những câu chuyện và bài học, Nxb CTQGST.H.2019… Tuy nghỉ hưu đã bảy năm, điều kiện nghiên cứu và sức khỏe không còn như trước, nhưng anh vẫn dành phần lớn thời gian tiếp tục nghiên cứu về Bác.
"Bông sen trắng giữa lòng Hà Nội" là cuốn sách mới nhất mà anh gửi đến bạn đọc, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành. Cuốn sách tập hợp những bài viết tâm huyết của anh về Chủ tịch Hồ Chí Minh; nội dung được bố cục theo hai phần chính “Nghiên cứu về tiểu sử - sự nghiệp Hồ Chí Minh” và "Di sản và những người gìn giữ di sản văn hóa Hồ Chí Minh”.
Bằng ưu thế và cách tiếp cận linh hoạt, với thái độ cẩn trọng khi nghiên cứu tài liệu gốc, gợi mở khi đối chiếu, so sánh với thực địa những nơi Bác từng đến và ở (trong nước và nước ngoài), những người từng tiếp xúc và gắn bó với Bác… “Nghiên cứu về tiểu sử - sự nghiệp Hồ Chí Minh” bước đầu đã đưa ra những nhận định khoa học, góp phần giải đáp khá thuyết phục một số câu hỏi chưa được rõ và thống nhất trong giới nghiên cứu về tiểu sử và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Để giải quyết băn khoăn cho đến nay của một số nhà nghiên cứu về việc “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có dự hội nghị Trung ương tháng 10/1930 không?”, thông qua 8 tư liệu thuộc 4 khối tư liệu đang có ở kho tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh (tư liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc; Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; Hồi ký của đồng chí Bùi Lâm; Tài liệu mật thám Pháp), Chu Đức Tính đã tham chiếu, phân tích làm rõ sự kiện này, bằng câu trả lời là “có”.
Với phương pháp nghiên cứu tương tự, anh đã làm rõ một số sự kiện, vấn đề liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc năm1934-1938 (đây là giai đoạn đặc biệt trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, là sự hiểu lầm của Quốc tế Cộng sản nên đã chụp chiếc mũ “dân tộc chủ nghĩa” và không phân công nhiệm vụ cho Người ròng rã 8 năm); về chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô tháng 4/1954, Nguyễn Ái Quốc đã từng tới Lào trong những năm 1928-1930; về việc “Vì sao Hồ Chí Minh chọn Thái Lan làm nơi trực tiếp gầy dựng cơ sở cách mạng; những việc chính Người đã làm ở Thái Lan, những nơi Người đã hoạt động tác động đến phong trào cách mạng Việt Nam, tới quan hệ Việt – Thái...
Với nội dung “Di sản và những người gìn giữ di sản văn hóa Hồ Chí Minh”, lấy những dẫn chứng sinh động, cụ thể từ hoạt động phong phú và hiệu quả của Hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc trong hơn 40 năm qua mà Bảo tàng Hồ Chí Minh là “Đầu tàu” được ví như “Bông sen trắng giữa lòng Hà Nội”, để minh chứng thuyết phục về sự ra đời, phát triển, trở thành “Thương hiệu đặc biệt” (với hơn 100 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu), góp phần quan trọng và có ý nghĩa trong việc giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam nhất là thế hệ trẻ về công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
TS. Chu Đức Tính ví Bảo tàng Hồ Chí Minh (biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô) như “Bông sen trắng giữa lòng Hà Nội”. Với ý nghĩa tương đồng, xin được gọi Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (có cụm Di tích Quốc gia đặc biệt) là “Bông sen hồng trong lòng thành Huế”, mãi tỏa hương thơm ngát như tình cảm và tấm lòng biết ơn sâu nặng của Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tin sắt son vào con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Bài, ảnh: Lê Viết Xuân