ClockThứ Sáu, 01/11/2024 06:29

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1: Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ

TTH - Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, quê hương, hoạt động của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được đổi mới. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 550 nghị quyết (NQ), trong đó có những NQ đã góp phần quan trọng trong việc kiến tạo và phát triển Thừa Thiên Huế trên bước đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ươngNgười dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi học xóa mù chữ được hỗ trợ từ 1,5 đến 9 triệu đồngTâm thế cho vận hội mới - Bài 1: Kiện toàn, sắp xếp “trung tâm đầu não”

Qua nhiều thế hệ, giấc mơ an cư của hàng nghìn hộ dân sống xung quanh các khu vực di tích là khát vọng lớn lao. Để sở hữu một ngôi nhà kiên cố, đúng pháp luật dường như là điều quá đỗi xa vời đối với những người dân ở đó. Nhưng, đó là câu chuyện của những ngày trước khi có Đề án di dời người dân ra khỏi khu vực I Kinh thành Huế (Đề án). Bây giờ, từ đề án lịch sử này, tương lai của hàng nghìn phận đời bám víu di tích đã bước sang trang mới.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người dân sống ở Khu tái định cư Hương Sơ (TP. Huế)

Quyết sách đi liền thực tiễn

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ xúc động khi “lật dở” từng trang ký ức của những ngày đầu khởi động Đề án di dời người dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền tỉnh nghĩ đến việc di dân ra khỏi Kinh thành, mà trước đó, lãnh đạo tỉnh, TP. Huế cũng đã có những trăn trở và đã nỗ lực triển khai dự án di dời được một số hộ dân ra khỏi khu vực phía nam Kinh thành Huế. Song, kết quả chỉ dừng lại ở bước đầu bởi những vướng mắc về cơ chế, dẫn đến sau khoảng 2 thập kỷ vẫn chưa thực hiện trọn vẹn những điều như mong muốn.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, điều mà ai cũng trông thấy đó là cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân sống xung quanh các khu vực di tích. Những ngày đầu khởi động Đề án, ông Thọ là Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nên bản thân là người hiểu từng ngóc ngách câu chuyện. “Buổi làm việc của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về chủ trương di dời người dân vào năm 2018 mang tính “bước ngoặt” lớn. Sau buổi làm việc, Thủ tướng có kết luận đồng ý với chủ trương cùng khung chính sách đền bù giải tỏa. Trong đó, việc tách giải phóng mặt bằng ra một hợp phần riêng, không lồng ghép vào hợp phần đầu tư là một thuận lợi không hề nhỏ. Tiếp theo, tỉnh báo cáo với Quốc hội rồi có chủ trương xây dựng khu tái định cư”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

Ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế. Đến ngày 13/2/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án. Đề án đã “phác thảo” cuộc di dân lớn nhất trong "lịch sử", được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2022 và giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2025.

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh thống nhất ban hành NQ về Đề án. Đây là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch và các phương án thực hiện.

Việc di dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế đồng nghĩa với việc di chuyển một cộng đồng dân cư lớn, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của nhiều hộ dân, cùng với đó là cần nguồn lực rất lớn - hơn 4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của người dân cũng như nỗ lực từ phía chính quyền, giai đoạn 1 Đề án đã thành công.

Nói về những cơ chế “mở tương lai”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định: Đó là khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện di dời như, bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất, nhà trên mặt nước. Đồng thời, có nhiều hơn những hỗ trợ từ phía Nhà nước khi thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; tiền thuê nhà ở tạm cư; chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất; sinh kế cho người dân sau di dời. Đặc biệt, là cơ chế, chính sách xây dựng khu tái định cư tập trung...

 Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nội dung liên quan đến Đề án trong một kỳ họp

Trang sử mới, cuộc sống mới

Có một điều hẳn ai cũng biết, hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích không có giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất, xây dựng nhà trên công trình di tích nên không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất nếu bị thu hồi. Do không được xây dựng mới, sửa chữa lớn nên đa số các hộ dân sống trong những căn nhà vá víu, tạm bợ, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, xâm phạm nghiêm trọng di tích…

Còn nhớ, tháng 8/2019, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian thăm, tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang sống trên di tích Kinh thành Huế. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo ngắn gọn rằng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế phải cố gắng tối đa, làm thật tốt cuộc di dời lịch sử này.

Dẫn sự kiện trên để cho thấy sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện tối đa của Quốc hội đối Đề án này. Và hôm nay, nếu ai có dịp dạo quanh một vòng Khu tái định cư Hương Sơ, chứng kiến các dãy hai tầng kiên cố, thẳng tắp trên khu đô thị hiện đại sẽ cảm thấy ấm lòng. Hàng nghìn hộ dân thuộc diện di dời giai đoạn 1 đã xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống...

Trong căn nhà 2 tầng khang trang, nước sơn còn mới, ông Hoàng Minh Trọng không khỏi xúc động. Song, ký ức về những năm tháng phải sống trong sợ hãi, chênh vênh trên Thượng thành trong ông vẫn còn nguyên. “Tôi không nghĩ gia đình mình lại có căn nhà khang trang như thế này. Và lại tọa lạc ở khu dân cư có hệ thống giao thông thuận lợi cùng với đó là sự tiện ích về các dịch vụ, giáo dục, y tế…”, ông Trọng chia sẻ.

Năm 2023, thăm Khu tái định cư Hương Sơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ấn tượng với hạ tầng đô thị nơi đây; đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư có hạ tầng đồng bộ để đảm bảo cuộc sống người dân thuộc diện di dời. Cùng với đó, tạo sinh kế để đảm bảo dân có cuộc sống và nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị chính đáng của người dân.

Người dân sống ở Thượng thành ngày di dời, trả lại mặt bằng cho di tích sau hàng chục năm ở tạm 

Để cuộc hoàn trả trọn vẹn

Có lẽ, không một Đề án nào ở Huế lại “tốn” nhiều cuộc họp, giấy mực như Đề án lịch sử này. Đặc biệt, tại nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, nội dung của Đề án luôn được đề cập, mang tính liên tục, "xuyên" nhiệm kỳ. Điển hình như tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 19, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong số 23 NQ được HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội dung về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế và thống nhất thông qua, tạo cơ sở đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 Đề án.

Lúc đó, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 2.500 tỷ đồng lên hơn 2.558 tỷ đồng.

Ngày 23/8/2023, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Đề án lịch sử này lại được HĐND tỉnh xem xét, thảo luận. Lần này, HĐND tỉnh thông qua NQ điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án.

NQ nêu rõ, giai đoạn 2 sẽ điều chỉnh, mở rộng phạm vi của Đề án. Theo đó, thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng đối với khoảng 1.287 hộ dân ở 19 khu vực di tích, với tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, việc triển khai giai đoạn 2 Đề án là cần thiết để tiếp tục gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa; ổn định cuộc sống của người dân; đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan, phát huy các giá trị di tích, tạo ra sản phẩm du lịch mới. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với NQ điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc Hương Sơ để tạo quỹ đất tái định cư giải phóng mặt bằng phục vụ Đề án. Diện tích xây dựng dự án khoảng 4,22ha, tổng mức đầu tư 75,97 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm… Ngoài ra, còn nhiều NQ khác nhằm hỗ trợ cho Đề án, đây là cơ sở nền tảng để hoàn thành trọn vẹn cuộc hoàn trả đất cho di tích, hướng đến sự an cư của Nhân dân.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua
Return to top