ClockThứ Bảy, 03/10/2020 12:45

Những người lính “tinh thần thép”

TTH - Nơi tác nghiệp là khói lửa mịt mù, dòng nước chảy xiết hay trong đống tro tàn. Sứ mệnh cao cả của họ - những người lính làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - là bảo đảm tính mạng và tài sản cho Nhân dân.

Doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng cháy, chữa cháyPhòng cháy, chữa cháy rừng: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Lính cứu hỏa Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh diễn tập phương án cứu người bị thương ra khỏi đám cháy

2h sáng, khi mọi người đang còn say giấc thì tiếng chuông báo động cháy vang lên. Chưa đầy 2 phút, hơn 20 cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã có mặt tại sân, quân phục chữa cháy chỉnh tề. 5 phút sau, tất cả có mặt tại hiện trường -nơi lửa kèm khói đen đang bốc lên ngùn ngụt ở một căn nhà cao tầng ở trung tâm TP. Huế.

Khu vực cháy xảy ra vào đêm khuya, trên tuyến đường trung tâm, sầm uất, nhà cửa san sát nhau, nguy cơ cháy lan cháy lớn là rất lớn nếu không được chữa cháy kịp thời.

Đám cháy bốc ra từ tầng 3 căn nhà, phía trong vẫn có người dân mắc kẹt. Lúc này, lực lượng chữa cháy xác định cứu người là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Xe thang đưa Đại úy Lê Văn Kỳ cùng hai đồng chí khác lên cao, lửa lớn, táp ra từ phía cửa, giỏ thang không thể tiếp cận do vị trí nạn nhân ở sâu bên trong; không chần chừ, các đồng chí đã dũng cảm lao vào đám cháy, đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.

Đại úy Lê Văn Kỳ nhớ lại: “Nguy hiểm lúc đó là rất lớn, bởi đồ bảo hộ mặc trên mình chỉ hạn chế được nhiệt, không chống cháy. Chưa kể việc đu người giải cứu người mắc kẹt từ trên cao xuống mặt đất khi chưa chuẩn bị kỹ lưỡng dễ gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong tình huống khẩn cấp, nếu chần chừ, đám cháy lan rộng hơn thì việc giải cứu càng khó khăn gấp bội”.

Theo Đại úy Lê Văn Kỳ, trong chữa cháy, nguy hiểm luôn thường trực, đe dọa tính mạng người lính cứu hỏa. Gian nan, nguy hiểm trong chữa cháy là vậy nhưng chưa bao giờ anh và đồng đội cho phép mình đầu hàng, gục ngã trước “giặc lửa”.

Công tác PCCC&CNCH trên cạn đã nguy hiểm thì dưới nước càng khó đoán định tình huống, tiềm ẩn nhiều rủi ro và đòi hỏi bản lĩnh thép.

Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: Chiến sĩ làm công tác CNCH trên sông phải đối mặt với nhiều hiểm nguy vì nước chảy xiết, mực nước sâu với áp suất cao, có khả năng bị thương do sắt thép, cọc nhọn nên phải có kinh nghiệm xác định dòng chảy, phân tích tình huống và đưa ra phương án tìm kiếm khả thi.

“Trong công tác cứu nạn trên sông, việc ôm xác chết trở thành chuyện thường xuyên, bởi cứ có thông tin ai đó nhảy sông tự vẫn, chúng tôi phải lập tức cùng thiết bị lên đường tìm kiếm. Có khi hoàn thành xong nhiệm vụ, không thể ăn uống vì bị ám ảnh. Như trường hợp tìm kiếm thi thể cha ôm con tự vẫn trên sông Hương cách đây hai năm, đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại chúng tôi vẫn thương tâm”- Anh Trần Trọng Bằng, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH chia sẻ.

Cách đây không lâu, khi cơn bão số 5 (Noul) càn quét qua địa bàn Thừa Thiên Huế làm nhiều nhà dân bị sập, hơn 21.000 nhà tốc mái, hàng ngàn cây cối, cột điện bị đổ ngã chắn ngang đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Với chức năng CNCH, ngay khi cơn bão qua đi, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã có mặt tham gia dựng lại từng mái nhà, dọn dẹp đống đổ nát, giúp dân tìm kiếm tài sản…

Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: “Những người lính trước khi làm nhiệm vụ PCCC&CNCH đều đã được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, về đơn vị, ngoài thời gian trực tiếp chiến đấu, những người lính chữa cháy hàng ngày phải tham gia các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ theo chế độ khắt khe của lực lượng Cảnh sát PCCC”.

Sự hy sinh thầm lặng ấy của họ luôn tỏa sáng, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân; đồng thời khẳng định hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng Nhân dân.

Bài, ảnh: Hồng Nhung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

Sáng 5/12, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, huyện Phong Điền xác nhận, vào chiều tối 4/12, tại nhà ông Nguyễn Chánh Thương ở Đội 2, Bồ Điền, Phong An xảy ra vụ cháy ở gác lửng 2 tầng.

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm
Nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh

Ngày 6/10, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh phối hợp với Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) tổ chức Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH.

Nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh
Nhiều hoạt động về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Ngày 4/10, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Huế tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (04/10/1961- 04/10/2024) và 23 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10/2001 - 04/10/2024).

Nhiều hoạt động về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Mỗi người dân là một hạt nhân tích cực trong phòng cháy, chữa cháy

Với nhiều cách làm mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, góp phần xây dựng mỗi người dân thành một hạt nhân, một nhân tố tích cực trong phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại địa phương.

Mỗi người dân là một hạt nhân tích cực trong phòng cháy, chữa cháy
Phong Điền có 35 điểm chữa cháy công cộng

Đó là thông tin tại hội nghị sơ kết công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của huyện Phong Điền trong 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm 2024 diễn ra ngày 2/10.

Phong Điền có 35 điểm chữa cháy công cộng

TIN MỚI

Return to top