|
Phòng học chật chội tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Điện Biên |
Vấn đề được đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm trong thực tiễn triển khai Chương trình phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Điều đó đòi hỏi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành rà soát, tiếp thu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình để đạt kết quả cao nhất.
Bài 1: Đẩy nhanh tiến độ, tăng chất lượng thực hiện chính sách
Với sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, thời gian vừa qua, Chương trình được triển khai tại các địa phương, bước đầu tạo nên những tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần người dân; đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong đó thể hiện rõ nét là lĩnh vực “trồng người” chuẩn bị nhân lực trẻ cho tương lai.
Trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, Điện Biên hiện có 9 trường với tổng số 3.775 học sinh; trong đó, có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, 8 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện.
Thầy, trò vươn lên trong gian khó
Mới nhất trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú tại tỉnh Điện Biên là Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Nậm Pồ được thành lập gần chục năm trong khi huyện này mới thành lập 11 năm.
Còn các trường: Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, dân tộc nội trú các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa… đều thành lập mấy chục năm. Cơ sở vật chất, trường, lớp phục vụ học tập, ăn, ở của học sinh hầu hết là xây dựng cũ, xuống cấp; phòng học, phòng ở tuy đáp ứng về số lượng nhưng kém về chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
Em Lò Thị Tiên, học sinh lớp 12B, Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Điện Biên cho biết: “Tại trường, dù chúng em được thầy cô chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập, ôn luyện, tuy nhiên phòng ở, phòng học chật chội ảnh hưởng chất lượng học và tự học”. Lò Thị Ngân, cô gái dân tộc Thái nhà ở bản Lói, xã Mường Lói, huyện Điện Biên cho biết thêm: “Cửa chính, cửa sổ phòng ở và phòng học đều hỏng. Nhiều buổi đang học trên lớp mà có mưa dông thì phải trú tránh ở chỗ khác an toàn.
Đưa chúng tôi tham quan khu phòng học, phòng ở của Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Điện Biên, thầy Ngô Xuân Chính, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường thành lập từ năm 1969, với chức năng là dạy học, chăm sóc học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 1990, trường chuyển từ bản Suối Lư, xã Phì Nhừ về điểm hiện nay (tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên). Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học, phòng ăn hiện tại đáp ứng nhu cầu học, ăn, ở cho 350 học sinh nhưng chất lượng khá xuống cấp.
Số phòng học, phòng chức năng của trường đáp ứng đủ cho 10 lớp học, nhưng do xây dựng đã lâu (từ năm 1990) cho nên các phòng học hiện tại quá cũ kỹ, chật chội. Khu ở của học sinh nam với khu ở của học sinh nữ chung một tòa, phân cách bằng cầu thang chứ không có khu riêng biệt...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cù Huy Hoàn cho biết: Hiện trạng phòng học, phòng ở của học sinh các Trường phổ thông dân tộc nội trú đang xuống cấp. Từ nguồn ngân sách phân bổ hằng năm, ngành giáo dục đều ưu tiên dành nguồn tu sửa, nâng cấp một số phòng học. “Việc xây lại trường quả thực khó, bởi kinh phí đầu tư rất lớn mà ngân sách địa phương không thể cân đối, chỉ trông đợi từ đầu tư công của Trung ương và các chương trình dự án”- ông Cù Huy Hoàn chia sẻ.
Là tỉnh thụ hưởng đồng thời các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tại Điện Biên thực tiễn triển khai các chương trình gặp nhiều vướng mắc.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Do hệ thống văn bản quy định hướng dẫn của trung ương, các bộ, ngành ban hành còn chậm; quy định chưa cụ thể, rõ ràng khiến việc triển khai thực hiện của địa phương còn lúng túng bởi “vừa làm vừa đợi hướng dẫn”.
Vấn đề nữa là trong khi hệ thống bộ máy tổ chức quản lý, điều hành thực hiện các chương trình từ tỉnh đến cơ sở đều thực hiện kiêm nhiệm, nhất là cấp xã, thôn, bản; năng lực, trình đội đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng kết quả thực hiện chính sách, chất lượng các chương trình. Hơn nữa, việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình rất khó khăn.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021-2023 tổng số nguồn vốn phân bổ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Điện Biên là 3.665,7 tỷ đồng; giá trị giải ngân đến 31/1/2024 đạt 2.751,2 tỷ đồng (chiếm 75,05% kế hoạch vốn giao). Tuy nhiên trong tổng nguồn vốn đã giải ngân của các chương trình chủ yếu là nguồn vốn đầu tư công, còn nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt thấp. Điều đáng nói là chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ giải ngân được 17,98% kế hoạch vốn giao.
Lý giải nguyên nhân địa phương chưa phân bổ vốn chi tiết hoặc đã phân bổ vốn cho các huyện, chủ đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp mà lại không thể thực hiện, đồng chí Lò Văn Tiến, nêu: Năm 2022, Điện Biên đã phân bổ hơn 207 tỷ đồng (so với tổng kế hoạch giao đạt 89,9%) vốn sự nghiệp thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở dĩ tỉnh chưa phân bổ 100% nguồn vốn sự nghiệp vì Bộ Tài chính phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện hoạt động của Tiểu dự án 1 thuộc dự án 9 quá nhiều so với nhu cầu và khả năng thực hiện của địa phương...
Gỡ vướng trong quá trình triển khai
Tiếp thu các kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ mới đây tại kỳ họp thứ 7 có Tờ trình đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, và Hội đồng Dân tộc đã có báo cáo thẩm tra.
Qua thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) và nhiều đại biểu khác bày tỏ đồng tình với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư này. Qua phản ánh thực tế tại Điện Biên và nhiều địa phương, theo đại biểu, khi triển khai thực hiện Chương trình, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, một số trường phổ thông dân tộc nội trú, thiết chế lịch sử, văn hóa tiêu biểu, y tế tuyến huyện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, do một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình (do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), dẫn đến một số khó khăn trong bố trí vốn.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên và một số đại biểu khác, việc bổ sung các đối tượng nêu trên có trụ sở đóng ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cần thiết, phù hợp tinh thần các văn kiện của Trung ương và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại diễn đàn nghị trường Đợt 1 vừa kết thúc, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan chủ trì Chương trình tập trung chú ý tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình cũng như tiến độ giải ngân vì thời gian của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) ngắn, trong khi đó tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu và giải ngân các nguồn vốn chưa tương xứng.
Từ thực tế nắm bắt tình hình ở cơ sở, đại biểu Quốc hội nhiều địa phương phản ánh vấn đề về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giải quyết thấu đáo, trong khi một số định mức khá lạc hậu với mặt bằng giá cả thực tế, chưa phù hợp yếu tố vùng miền các địa phương, do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa vấn đề này. Vấn đề tiên quyết, đáp ứng yêu cầu dài lâu là phải tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho địa phương tự quyết định trong tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ cho các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, từng năm cũng như trung hạn 5 năm.
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá: Qua rà soát hiện nay có 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có trụ sở nằm ngoài địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu bảo đảm căn cứ pháp lý để các địa phương xem xét phê duyệt các dự án, phân bổ vốn đầu tư cho các trường này (bao gồm cả các trường có trụ sở nằm ngoài địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) sẽ thúc đẩy tiến độ giao vốn, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Tiểu dự án 1-Dự án 5 nói riêng, của Chương trình nói chung.
Việc đầu tư được triển khai, cơ sở vật chất tại 101 trường nói trên được tăng cường sẽ bảo đảm cho khoảng 35.000 học sinh đa số là học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn xã, thôn vùng đồng bào được thụ hưởng các điều kiện cơ bản về giáo dục chất lượng, an toàn và thân thiện; góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, như Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh, “sẽ ngày càng củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác dân tộc”.
Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ ngày 22/5/2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) mới chỉ đạt 77% kế hoạch; vốn sự nghiệp (bao gồm cả vốn sự nghiệp của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 28% kế hoạch.
3 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư công giải ngân đạt 14% kế hoạch và vốn sự nghiệp mới chỉ giải ngân được 1% kế hoạch. Ước thực hiện đến hết tháng 4 năm 2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt 21% kế hoạch. Đây là những con số hết sức đáng lo ngại.
|
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên)
Để việc điều chỉnh chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 sớm đi vào cuộc sống, đề nghị Quốc hội bổ sung nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XV. Qua đó, tạo điều kiện chủ động cho Chính phủ có các quy định chi tiết, đồng thời phân cấp thực thi các điều chỉnh này trong tổng mức đầu tư của Chương trình đã được Quốc hội quyết định.
Theo báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc
|