ClockChủ Nhật, 15/05/2022 16:14

Nỗi lo “kép”

TTH - Chi phí đầu vào tăng, gói hỗ trợ lãi suất chưa khởi động, trong khi lãi suất bắt đầu có dấu hiệu tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo thấp thỏm…

Lãi suất huy động tăng, nhưng không đột biếnLãi suất rục rịch tăng

Khách hàng giao dịch tại Techcombank

Khó chồng khó

Sau kỳ nghỉ lễ, đầu tháng 5/2022, “cuộc đua” tăng lãi suất huy động đã có thêm sự góp mặt của một số ngân hàng thương mại (NHTM) với mức tăng từ 0,1-0,4%/năm so với thời điểm này tháng trước. Trước đó, từ đầu tháng 4, ngoại trừ 4 NHTM có vốn Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV), hàng loạt NHTM cổ phần đều lần lượt công bố tăng lãi suất huy động.

Cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng có biểu hiện nhích lên khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Tổng hợp HL. ở Phong Điền chia sẻ: Lãi suất cho vay đã được một số ngân hàng báo tăng 0,5%/năm so với năm trước. DN đang nỗ lực hồi phục sau dịch, nhưng hiện giá vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển đều tăng chóng mặt, cộng thêm lãi vay tăng khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc một công ty du lịch ở TP. Huế nỗi niềm: Trong suốt hai năm “gồng mình” với dịch bệnh, DN lữ hành bị xếp vào nhóm rủi ro cao, chưa  được ngân hàng duyệt hồ sơ cho vay vốn. Sau khi được cán bộ tín dụng một ngân hàng tư vấn, DN này làm hồ sơ vay sửa chữa nhà ở, chấp nhận lãi suất thương mại để đáp ứng được điều kiện cấp tín dụng, sau đó lấy tiền trang trải các chi phí của DN; trong khi chờ đợi gói cấp bù lãi suất.

Nhiều DN phản ánh, vốn lãi suất thấp chưa đến tay, nhưng lãi suất huy động đã nhấp nhổm tăng từ cuối quý I/2022. Nhiều NHTM đã công bố tăng lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,5%/năm. Một số ngân hàng cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay từ đầu tháng 5/2022, khiến các DN thêm khó khăn vì bị “bồi thêm” áp lực tăng chi phí đầu vào, từ giá nguyên, vật liệu, xăng dầu, logistics, nhân công đến giá vốn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Thừa Thiên Huế - Dương Tuấn Anh, chỉ tính riêng khoảng 800/5.000 DN là thành viên Hiệp hội DN tỉnh, hầu hết đều có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh (SXKD), đặc biệt là nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Thời gian qua, dù ngành ngân hàng đã quan tâm chia sẻ, có nhiều gói hỗ trợ lãi suất với DN. Các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 1,5 - 2%/năm; song điều kiện lại khá khó khăn, không phải DN nào cũng có thể tiếp cận. Gói cho vay cấp bù lãi suất 2% cũng chưa triển khai, trong khi lãi vay lại đang có nguy cơ tăng. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn do thu hẹp thị trường, chi phí tăng cao dẫn đến DN cạn kiệt nguồn vốn…, mức giảm này là chưa đáng kể, trong khi tiếp cận lãi suất ưu đãi rất khó.

Qua tìm hiểu, trong số khoảng 5.000 DN trên địa bàn tỉnh, đa phần là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ chưa hội đủ các tiêu chí khi ngân hàng thẩm định về quản trị kinh doanh, sổ sách kế toán...; đặc biệt là tài sản thế chấp vì DN đã thế chấp trước đó để vay vốn SXKD. Thực tế cho thấy, có nhiều gói hỗ trợ lãi suất nhưng số DN tiếp cận được “đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Dương Tuấn Anh mong muốn, các ngân hàng có thêm các giải pháp tạo điều kiện hơn nữa để DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, sớm phục hồi SXKD.

Cần đảm bảo lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên

Nếu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ có tác dụng thúc đẩy GDP tăng trưởng thêm từ 1,5 đến 2 điểm phẩn trăm trong hai năm tiếp theo. Một trong những cấu phần quan trọng của chương trình là ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi.

Gói cấp bù lãi suất được thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực như hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính… Tuy nhiên, gói cấp bù lãi suất vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng, trong khi nhiều cấu phần của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã được triển khai rốt ráo, đem lại hiệu quả tích cực về phục hồi kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cần sớm được triển khai để không làm mất cơ hội phục hồi tốt nhất cho đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong hoàn cảnh bất thường cần có chính sách bất thường, nhìn vào cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế để xây dựng chính sách, thay vì nhìn vào rủi ro. Nhiều DN đang khởi động lại sau hai năm tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô do tác động của đại dịch COVID-19, tài sản đã hư hỏng xuống cấp, lao động “rơi rụng” nhiều, nếu được tiếp cận vốn vay, nhất là vốn được cấp bù lãi suất được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ là liều thuốc bổ để nhanh phục hồi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần kiểm soát chặt nguồn cung tiền, đặc biệt là bảo đảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Chỉ khi kiểm soát được lạm phát, ngân hàng mới có khả năng giảm được lãi suất. Trong 2 năm qua, khi dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng, hoạt động SXKD của DN gặp khó khăn, các biện pháp của NHNN đưa ra là làm sao cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất. Thực tế, trong 2 năm 2020-2021, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp, hỗ trợ rất tích cực cho DN phục hồi”, Giám đốc một ngân hàng trên địa bàn TP. Huế phân tích.

Giám đốc NHNN Thừa Thiên Huế - Phạm Bá Nam cho rằng: Các NHTM tự chủ động trong chính sách huy động lẫn cho vay và thực hiện theo quy định. Những khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, có phương án, DA vay vốn được các NHTM đánh giá khả thi luôn được ưu tiên thẩm định, giải ngân. NHNN định hướng dòng tiền tín dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: bất động sản, chứng khoán… Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các NHTM về việc chấp hành quy định pháp luật đối với các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Riêng gói hỗ trợ lãi suất đang được NHNN, các bộ liên quan nhanh chóng triển khai và đang đi đến những bước cuối cùng của việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. NHNN cũng đã dự thảo thông tư hướng dẫn và ban hành ngay khi nghị định được thông qua; dự kiến gói hỗ trợ lãi suất sẽ khởi động trong quý II năm nay, đáp ứng mong chờ của cộng đồng DN...

Phân tích từ Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất năm nay khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 0,5-1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022.

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top