ClockThứ Hai, 26/02/2018 09:35

Bài học từ cây súng tự chế

TTH - Xem clip trên mạng xã hội dạy cách chế tạo súng, thanh niên người Tà Ôi (trú tại huyện A Lưới) bí mật mày mò chế tạo súng, vào rừng săn. Bắn đến con sóc thứ 4 thì bị phát hiện, bị pháp luật xử lý…

Dù quãng đường gần 100 km, nhưng mẹ già và em gái của bị cáo vẫn có mặt tại trụ sở TAND tỉnh rất sớm. Gương mặt nhăn nheo, thân hình nhỏ thó càng nhỏ hơn trong dáng ngồi co ro, người phụ nữ vùng cao xuýt xoa tâm sự, từ khi sinh ra đến bây giờ gần hết cuộc đời, đây là lần đầu tiên bà “xuống núi”, đi xa cái bếp lửa nhà mình. Thương đứa con trai bị “ngồi tù” (bị cáo bị tạm giam) hơn 3 tháng nay, đồng thời sốt ruột vì không biết tòa xử nó thế nào, nên bà thức dậy từ lúc 1 giờ sáng.

Những đứa con khác đều đã có vợ có chồng, ở riêng. Đứa con trai này tuy đã 40 tuổi nhưng chưa lấy vợ, suốt ngày lo làm lụng nuôi sống hai mẹ con. Bà đã già, sức yếu nên chỉ quanh quẩn trong nhà, con trai làm nương làm rẫy, săn bắt. Bình thường, nó đi bắt con cá dưới suối, săn con chim, con chuột trên rừng bằng bẫy, bằng ná. Nó tự làm súng khi nào bà đâu có biết. Biết thì bà đã can ngăn, thì có thể không ra nông nỗi…

Bị cáo ngại ngùng khai trước tòa, tình cờ xem được clip chỉ cách chế tạo súng trên mạng. Bị cáo thích có một cái để vào rừng đi săn nên tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo. Bị cáo không nói cho ai biết, sợ nhỡ chế tạo không thành công, thì người ta... cười. Làm được cây súng, hai lần đi rừng, bắn 4 con sóc thì bị  bắt. Bị cáo không ngờ lại bị truy tố về tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Hội đồng xét xử nghiêm khắc phân tích, bị cáo khai chưa thành khẩn. Bởi vì những năm gần đây, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã ráo riết thực hiện tuyên truyền, vận động người dân nói chung, đồng bào ở huyện A Lưới giao nộp súng tự chế, không chế tạo súng vào rừng săn bắn, vì điều đó là vi phạm pháp luật, bị pháp luật cấm. Việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Trong quá trình chế tạo súng, bị cáo bí mật không để ai biết, chứng tỏ bị cáo đã nhận thức được việc làm của mình là sai trái.

Tòa: “bị cáo bắn con sóc ở khoảng cách bao nhiêu mét”. Bị cáo: “Dạ, 30 mét”. “Con sóc trúng đạn có chết không?”. “Dạ chết”. Vậy bị cáo thử nghĩ đi, với khoảng cách như vậy, bị cáo bắn trúng người đang đi rừng thì có nguy hiểm không. Nếu gây ra cái chết cho người khác, hậu quả mà bị cáo gánh chịu thế nào, mất mát mà bị cáo gây ra sẽ nặng nề ra sao, có đền bù lại được không. Chưa kể bị cáo cất giấu súng trong nhà, vô tình gây nguy hiểm cho người thân ruột thịt của mình, lúc đó bị cáo nghĩ sao?

Bị cáo cúi mặt, vẻ ân hận: “Bây giờ thì bị cáo biết mình sai, bị cáo sợ lắm rồi”. Bị cáo trình bày, ngồi trong trại tạm giam, ngày nào cũng nhớ rừng, nhớ rẫy, thèm cuộc sống tự do. Bị cáo lo cho mẹ già ở nhà một mình không ai nương tựa. Hơn 3 tháng “ở trại” mà dài như cả 3 năm. Bị cáo xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo là người dân tộc thiểu số, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên quyết định xử bị cáo dưới khung hình phạt, tuyên phạt bị cáo mức án bằng thời gian bị cáo bị tạm giam, trả tự do cho bị cáo tại tòa. “Tôi không bao giờ dám tái phạm nữa đâu. Từ nay về tôi lại chỉ làm nương làm rẫy, lên rừng bắt chuột, bắt chim cũng bằng ná, bằng bẫy thôi. …”, bị cáo tâm sự.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bài học cần thiết với tuyển Việt Nam

Qua 2 trận đấu tại Giải giao hữu quốc tế LPBank Cup 2024, đội tuyển Việt Nam của HLV Kim Sang-sik đã có thêm những thử nghiệm và rút ra nhiều bài học trong giai đoạn chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024.

Bài học cần thiết với tuyển Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một dấu mốc chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 79 năm đã qua nhưng những bài học, kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị thời đại, nhất là bài học về giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học
Return to top