Cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố đối tượng Lê Thị Hồng Phương
Gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh nhận được nhiều đơn thư của người dân tố cáo Lê Thị Hồng Phương (trú TP. Huế) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau khi huy động vốn kinh doanh của nhiều người nhưng không trả. Phương là người chuyên kinh doanh các mặt hàng online như mỹ phẩm, túi xách, nước hoa, đồng hồ của các thương hiệu thời trang nổi tiếng, sau đó bán lại để kiếm lời.
Để có vốn kinh doanh, Phương mời vợ chồng anh Trần L. và chị Trần T.T. (cùng ở TP. Huế) góp vốn đầu tư. Mỗi lần chốt được đơn hàng, Phương sẽ gửi thông tin đơn hàng, ngày chốt đơn, mức lãi từ 10 - 50% trên mỗi đơn hàng để anh L., chị T. lựa chọn đơn hàng và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho Phương.
Sau khi hàng về, Phương sẽ chuyển lại tiền góp vốn cùng tiền lãi. Tuy nhiên, do kinh doanh mua bán bị thua lỗ kéo dài, để tiếp tục duy trì dòng tiền đầu tư, Phương tự tạo nhiều đơn hàng khống với lãi suất cao, trung bình mỗi ngày từ 8 - 10 đơn hàng, trong đó có đơn hàng lợi nhuận lên đến 100%.
Để tạo sự tin tưởng, Phương gửi thêm nhiều hình ảnh liên quan đến các sản phẩm cần nhập về bán nhằm tiếp tục huy động thêm vốn. Do thấy lợi nhuận thu về từ việc góp vốn kinh doanh cao, vợ chồng anh L. và chị T. đã mời thêm bạn bè, người quen tham gia góp vốn để hưởng lãi suất chênh lệch.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài thấy Phương không thanh toán tiền gốc và lãi góp vốn, có hành vi lừa đảo nên những người tham gia góp vốn kinh doanh đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an. Qua điều tra, Cơ quan Công an tỉnh xác định, từ tháng 3/2021 đến 4/2022, tổng số tiền mà vợ chồng anh L., chị T. và nhiều người tham gia góp vốn cho Lê Thị Hồng Phương là gần 1.400 đơn hàng với tổng giá trị là hơn 15 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 12/2022, Cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Phương để tiếp tục điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Công an tỉnh cũng đã bắt giữ Trần Văn Chấn (SN 1973, quê ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) cùng vợ là Đào Thị Phượng (SN 1980) và con trai Trần Văn Phước (SN 2001) khi các đối tượng này lừa đảo nhiều người trong tỉnh bằng hình thức góp vốn kinh doanh đóng tàu đánh cá ở nước ngoài.
Anh Huỳnh Q. (trú ở huyện Phú Lộc) chuyển cho Phượng vay mượn, góp vốn với số tiền 3,95 tỷ đồng; chị Huỳnh T.M. bị các đối tượng lừa 300 triệu đồng; chị Đào Thị H. bị lừa 550 triệu đồng... Tổng cộng, vợ chồng Chấn, Phượng và con trai đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 17,1 tỷ đồng của các nạn nhân.
Công an tỉnh cũng nhận được nhiều đơn thư của người dân trình báo việc bị các đối tượng giăng bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với hình thức góp vốn kinh doanh online, mua bán các đơn hàng, đầu tư tiền ảo…
Như trường hợp chị Nguyễn Thị H. (SN 1995, trú tại phường Trường An, TP. Huế) vì muốn có việc làm, kiếm thêm thu nhập nên đã xin tham gia làm cộng tác viên bán hàng qua mạng. Chị H. bị các đối tượng hướng dẫn truy cập vào một trang website giả mạo một hệ thống bán hàng qua mạng. Chúng yêu cầu chị H. kích vào mua các sản phẩm trên trang này và sẽ được hoàn tiền mua hàng cùng với tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm.
Tin lời, chị H. giao dịch mua đơn hàng đầu tiên trị giá 100 nghìn đồng và được đối tượng chuyển khoản lại cho chị cả gốc lẫn hoa hồng là 118 nghìn đồng. Đơn hàng thứ 2 giá trị 1,2 triệu đồng, chị H. được chuyển lại hơn 1,5 triệu đồng. Tiếp đó, chị H. thực hiện lần lượt mua nhiều đơn hàng với tổng số tiền 120 triệu đồng thì biết mình bị lừa, nhưng lúc này các đối tượng đã cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của chị H.
Theo cơ quan chức năng, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây diễn biến hết sức phức tạp. Tội phạm sử dụng mạng viễn thông, internet thường dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Ngoài nỗ lực điều tra làm rõ, bắt giữ các đối tượng gây án, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia góp vốn kinh doanh online dưới các hình thức nào để tránh bị lừa đảo. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai; không mở giúp, mở thuê tài khoản ngân hàng cho người khác sử dụng tránh tiếp tay cho tội phạm. Nếu phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo đến cơ quan Công an để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Bài, ảnh: THÁI SƠN