|
Máy sấy thăng hoa mang lại hiệu quả kinh tế tại Công ty Lộc Mai |
Hiệu quả rõ nét
Cách đây 10 năm, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Lộc Mai (Công ty Lộc Mai) ra đời, đi vào hoạt động ở lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản… Ban đầu, Công ty Lộc Mai sản xuất nhiều sản phẩm kết tinh từ trái vả, như: Trà túi lọc vả, rượu vang…, với nguyên liệu thu mua từ nhiều khu vườn xứ Huế. Tâm huyết, yêu nghề, ông chủ trẻ của Công ty Lộc Mai mạnh dạn nghiên cứu, phối, kết hợp từ các công trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu khoa học trong, ngoài địa phương về công dụng của trái vả để sản xuất nhiều sản phẩm từ quả vả và dần chiếm được lòng tin của khách hàng gần xa. Tuy vậy, khó khăn của đơn vị vẫn là nguồn vốn đầu tư trang thiết bị máy móc để phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.
|
Nhiều sản phẩm nông thôn tiêu biểu của Thừa Thiên Huế được giới thiệu, quảng bá tại các hội nghị, hội thảo trong, ngoài tỉnh |
Năm 2023, nhận được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công địa phương gần 200 triệu đồng, Công ty Lộc Mai đầu tư thêm máy sấy thăng hoa để “lên đời" cho quả vả. Từ ngày có máy sấy thăng hoa, dây chuyền sản xuất sản phẩm vả của Công ty Lộc Mai rút ngắn được nhiều công đoạn. Trước đây, mỗi mẻ sấy vả tươi theo lối thủ công chừng 100kg phải mất hơn 30giờ, thì nay chỉ còn 10 giờ. Khi sử dụng máy sấy thăng hoa, môi trường, không gian làm việc của công nhân sạch sẽ hơn, cũng như không mất nhiều thời gian vệ sinh thiết bị, tránh tràn bụi ra ngoài khiến giảm năng suất dây chuyền… Khi dùng máy sấy thăng hoa, sản phẩm của Công ty Lộc Mai vẫn giữ được hình dạng, màu sắc, mùi vị, dưỡng chất. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó, sản phẩm từ trái vả của Công ty Lộc Mai ngày càng đa dạng, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn.
Ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Lộc Mai chia sẻ, hiện nay đơn vị đã sản xuất được sản phẩm vả sấy khô thăng hoa, có thể chế biến thêm món ăn chất lượng, như vả trộn tôm thịt, vả trộn chay… được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là người Việt ở Mỹ. Bình quân, mỗi kg vả sấy thăng hoa có giá từ 4-5 triệu đồng, cao gấp đôi so với công nghệ sấy thông thường. “Có được hiệu quả này là nhờ từ nguồn vốn khuyến công” - ông Bảo khẳng định.
|
Đổi mới thiết bị công nghệ ở cơ sở sản xuất công nghiệp tại TX. Hương Thủy từ vốn khuyến công |
Hiện, rất nhiều CSCNNT đã nâng tầm chất lượng sản phẩm nhờ một phần vốn khuyến công của tỉnh hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc để sản xuất, kinh doanh (SXKD). Có thể kể đến như Công ty TNHH SX TM và DV Hưng Thịnh Window sản xuất cửa nhôm kính ở Phong Chương (Phong Điền); Công ty TNHH MTV Thanh Lam (TX. Hương Thủy)... Hay như HTX Nông nghiệp Xanh Narasa ở xã Hương Bình (TX. Hương Trà) cũng nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, cơ sở này đầu tư, nâng cấp nhiều thiết bị máy móc, tạo ra dây chuyền sản xuất nhiều sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo chất lượng, được khách hàng ưa chuộng...
Đồng hành cùng cơ sở
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm), để sản phẩm công nghiệp vươn ra thị trường lớn, các CSCNNT đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và có tư duy kinh tế thời hội nhập. Theo đó, nhiều cơ sở đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cải thiện bao bì mẫu mã. Tuy vậy, đa phần các CSCNNT đều có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế hạn chế nên việc nắm bắt cơ hội mới chưa nhiều.
|
Từ nguồn khuyến công, nhiều gia đình ở Quảng Điền đầu tư trang thiết bị mới sản xuất mỳ lát khô |
Dù vậy, nhờ chính sách hỗ trợ triển khai các nguồn vốn khuyến công kịp thời ở địa phương, gần đây nhiều CSCNNT trên địa bàn đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và từng bước có chỗ đứng trên thị trường.
Dấu ấn mới là trong quá trình hỗ trợ, triển khai đề án khuyến công, Trung tâm đã bám sát, theo dõi đánh giá hiệu quả hoạt động của các CSCNNT. Thời gian gần đây, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Trung tâm đã tham mưu các cấp thẩm định, phê duyệt hỗ trợ cho nhiều CSCNNT ở các địa phương, như: huyện Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền, A Lưới, TP. Huế… Đồng thời, thông qua hoạt động xúc tiến, Trung tâm đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm; đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ vào sản xuất mặt hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dược liệu, nông, thủy, hải sản…, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên các thị trường, như: Sâm Bố Chính, vả sấy thăng hoa, hàng lưu niệm, quà tặng từ cây cỏ bàng…
|
Nhờ tiếp cận nguồn vốn khuyến công, Quảng Điền hình thành nhiều cơ sở sản xuất mỳ lát |
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm cho biết, hàng năm, đơn vị rất nỗ lực trong việc triển khai Chương trình khuyến công đến các CSCNNT trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này không ngoài mục đích hỗ trợ, thúc đẩy cho các CSCNNT phát triển và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương có thu nhập ổn định. Trong quá trình triển khai, Trung tâm đã lồng ghép các chương trình, hỗ trợ, như: Xúc tiến thương mại, kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Từ đó, các cơ sở có cơ hội tiếp cận thị trường mới, huy động thêm nguồn lực để thúc đẩy SXKD hiệu quả cao hơn.