ClockThứ Năm, 18/08/2022 14:50

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải việc cấm ghi âm, ghi hình, livestream tại phiên tòa

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc ghi âm, ghi hình, livestream tại phiên tòa mà không được sự cho phép của chủ tọa là vi phạm pháp luật, vi phạm việc bảo vệ quyền con người.

Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiTín dụng đen thường liên quan đến tội phạm hình sựPhiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc ngày 15/8

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 18/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Ngày 15/8/2022, UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (dự thảo Pháp lệnh).

Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình UBTVQH thông qua. 

Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Điều 4), có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để quy định phù hợp, đầy đủ về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, bà Lê Thị Nga cho biết: Thường trực UBTP đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh bổ sung quy định “không xử phạt vi phạm hành chính đối với Hội thẩm” nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để thống nhất với khoản 8 Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: “Hội thẩm… nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đồng thời, dự thảo Pháp lệnh cũng bỏ quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với “Trợ giúp viên pháp lý” khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, vì đối tượng này là viên chức (theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý), do đó, nếu thực hiện hành vi vi phạm thì họ sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng, bà Lê Thị Nga, cho biết: Về nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định “Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ” (Khoản 4 Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Khoản 4 Điều 153 của Luật Tố tụng hành chính). 

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa” (Khoản 2 Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự).

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, điểm c và điểm d khoản 4 Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý như sau: “c) Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự;”.

Giải trình trước UB TVQH, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lý cho biết: Sau phiên họp ngày 15/8/2022, đã có một số nhà báo gọi điện cho ông và đặt câu hỏi tại sao dự thảo Pháp lệnh không cho nhà báo ghi âm, ghi hình, livestream.

"Tôi có giải thích, nhà báo có quyền như vậy nhưng người khác cũng có quyền rất thiêng liêng. Chẳng hạn, anh có một người em gái đang liên quan đến vụ án hôn nhân, trước phiên tòa em gái anh trình bày lý do tại sao ly hôn, tài sản có cái gì, tiền bạc bao nhiêu mà không chia... Nếu có ai đó livestream toàn bộ tài sản của em gái anh lên trên mạng cho cả thế giới biết thì anh có chịu được không, anh có đồng ý không? Một nguyên tắc lớn ở đây là bảo vệ quyền con người, anh không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình để đưa câu chuyện này lên trên mạng được, luật quy định là để bảo vệ quyền riêng tư của con người", Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lý giải.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng lấy ví dụ khác như: Hai bên tranh chấp về hợp đồng, tài sản ký kết mà bị livetream đưa lên mạng, không được phép của người dân và những người tham gia phiên tòa, như vậy là vi phạm quyền nhân thân.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng trong vụ án hình sự cũng vậy, không chỉ có bị can, bị cáo - những người bị hạn chế quyền con người, mà có cả bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

"Các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà bây giờ cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng là vi phạm quyền con người. Pháp luật chúng ta cũng như các nước trên thế giới quy định chuyện này là xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người", Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

"Khi tổ chức một phiên tòa, mục tiêu tối thượng là hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm, tâm phục khẩu phục, chứ không phải một phiên tòa là dịp để truyền thông. Mà nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho phiên tòa, đảm bảo sự công tâm cần thiết. Nếu Hội đồng xét xử ngồi làm việc mà hàng trăm máy điện thoại đưa lên livestream thì sự toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa để đưa ra bản án đúng pháp luật sẽ bị sao nhãng", Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phântích thêm.

Chánh án TANDTA Nguyễn Hòa Bình mong người dân và truyền thông tôn trọng, chia sẻ áp lực của các Thẩm phán khi đứng trước mục tiêu lớn là phải đưa ra phán quyết đúng đắn liên quan các sinh mạng và bảo đảm quyền con người: "Đứng trước ống kính truyền thông, tâm trạng của bất cứ ai cũng sẽ bị sao nhãng, mong truyền thông chia sẻ việc này để Hội đồng xét xử làm đúng chức phận của mình, đảm bảo chất lượng phiên tòa..."

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, sáng 9/11, tại phường Thủy Lương, Viện KSND TX. Hương Thủy phối hợp Thị đoàn và Hội Luật gia thị xã tổ chức phiên toà giả định vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” nhằm tuyên truyền, phòng chống tội phạm phạm ma túy.

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
Return to top