ClockThứ Hai, 17/10/2022 15:04
Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử:

Góc nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Công tác lập pháp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Để có thêm thông tin cũng như đảm bảo tính hài hòa pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các nội dung liên quan đến Luật Giao dịch của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)Ngày 19/9, Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạcQuy định về chữ ký số và chứng thư số

Dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Hơn 100 quốc gia trên thế giới có khung khổ pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử

Trên thế giới hiện nay có hơn 100 quốc gia đã có khung khổ pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử. Về cơ bản phạm vi các quy định pháp luật có liên quan đến giao dịch điện tử của các quốc gia trên thế giới là khác nhau vì quy định về giao dịch điện tử có thể được điều chỉnh trong những văn bản luật có tên khác nhau. Cụ thể:

Luật Giao dịch điện tử: Singapore; Barbados; Brunei; Argentina; Australia; Dominica; Ghana; Indonesia; Jamaica; Jordan; Lào; Liberia; Myanmar; Nepal; Nigeria; Pakistan; Hàn Quốc; Ả rập xê út; Slovakia; Srilanka; Sudan; Thái Lan; Tanzania; Việt Nam.

Luật Thương mại điện tử: Liên minh Châu Âu (Chỉ thị về thương mại điện tử); Honduras; Hungary; Iran; Ai len; Luxembourg; Malyasia; Malta; Philippines; Rumani; Syria; Macedonia; Cam-pu-chia.

Luật Chữ ký điện tử: Trung Quốc; Albania; Argentina; Áo; Croatia; Hàn Quốc; Đan Mạch; Ai Cập; Ethiopia; Pháp; Israel; Lào; Malyasia; Mexico; Hà Lan; Na Uy; Ba Lan; Liên bang Nga; Tây Ba Nha; Thụy Điển; Syria; Thổ Nhĩ Kỳ; Hoa Kỳ.

Ngoài các đạo luật có tên kể trên, một số quốc gia điều chỉnh vấn đề giao dịch điện tử trong một số văn bản quy phạm có tên khác nhau như: Luật văn bản điện tử và chữ ký số (Bulgaria); Luật bảo vệ thông tin cá nhân và văn bản điện tử (Canada); Luật về các dịch vụ tin cậy đối với giao dịch điện tử (Cộng hòa Séc); Luật Công nghệ thông tin (Ấn Độ); Luật về Chữ ký điện tử và Dịch vụ xác thực (Nhật Bản);…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua khảo sát các quốc gia có Luật Giao dịch điện tử, ngoài Việt Nam, hầu hết các quốc gia đều không đề cập đến điều khoản quy định về các trường hợp ngoại lệ mà Luật Giao dịch điện tử 2005 của Việt Nam không điều chỉnh. Chỉ một số ít quốc gia có đề cập đến điều khoản quy định về các trường hợp ngoại lệ mà Luật Giao dịch điện tử 2005 của Việt Nam không điều chỉnh như: Trung Quốc có đề cập đến điều khoản về các trường hợp ngoại lệ tại Luật Chữ ký điện tử năm 2004 được ban hành trước Luật Giao dịch điện tử 2005 của Việt Nam;  Singapore cũng có đề cập đến các trường hợp ngoại lệ tại Luật Giao dịch điện tử năm 2010 được nêu tại phụ lục của luật.

Bảo đảm sự tin cậy là mục tiêu khi xây dựng Luật về quản lý và phát triển giao dịch điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, về cơ bản, đa số các quốc gia trên thế giới quy định ngắn ngọn công nhận rằng thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ bởi thông điệp dữ liệu đó được thể hiện dưới phương tiện điện tử. Một số quốc gia có thêm dẫn chiếu đến các quy định pháp luật khác, theo đó, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu/ hợp đồng được ký bằng phương tiện điện tử có thể sẽ bị phụ thuộc vào các quy định pháp luật đặc thù, chuyên ngành khác.

Tại Ấn Độ, quy định hành lang pháp lý đối với giao dịch điện tử tại Luật Công nghệ thông tin (IT Act 2000) trên cơ sở Luật mẫu của UNCITRAL. Luật công nhận giá trị pháp lý đối với giao dịch được thực hiện bằng phương tiện trao đổi dữ liệu điện tử và các phương tiện giao tiếp điện tử khác (còn gọi là thương mại điện tử). Cụ thể liên quan tới việc sử dụng phương thức thay thế cho phương thức truyền thống và lưu trữ thông tin trên giấy, nhằm tạo điều kiện nộp hồ sơ điện tử với cơ quan chính phủ.

Tại Úc, một giao dịch không phải là không hợp lệ bởi vì nó đã diễn ra toàn bộ hoặc một phần bằng một hoặc nhiều phương tiện điện tử. Hay tại Brunei, thông tin sẽ không bị từ chối hiệu lực pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng thực thi chỉ dựa trên lý do nó ở dạng hồ sơ điện tử;…

Bên cạnh đó, tại Liên minh Châu Âu, năm 2014, EU ban hành quy định “EU Regulation 910/2014 of 23 July 2014 on electronic identification” và bãi bỏ Chỉ thị chữ ký điện tử 1999/93/EC.

Năm 2016 EU ban hành eIDAS quy định về định danh điện tử và dịch vụ tin cậy đối với các giao dịch số trong thị trường chung châu Âu. Theo đó, EU quản lý các dịch vụ định danh và tin cậy đối với giao dịch điện tử. eIDAS quy định chữ ký điện tử, giao dịch điện tử, các cơ quan liên quan và quy trình thực thi của các cơ quan này để cung cấp một phương thức an toàn cho người sử dụng để tiến hành kinh doanh trực tuyến như chuyển tiền điện tử với khu vực công. Cả người ký và người nhận có thể tiến hành các giao dịch điện tử một cách thuận lợi và bảo mật.

eIDAS tạo ra các tiêu chuẩn cho chữ ký điện tử tiên tiến, chứng thư số tin cậy, dịch vụ tin cậy (tạo, xác minh chữ ký điện tử; con dấu điện tử, tem thời gian, xác thực trang web; bảo quản hoặc lưu trữ chữ ký điện tử, chứng chỉ và con dấu đã tạo). Những dịch vụ tin cậy này cho phép giao dịch điện tử có giá trị pháp lý tương đương như các giao dịch trên giấy.

Như vậy, có thể thấy hầu hết các nước trên thế giới đều lấy giao dịch điện tử là trung tâm, bảo đảm sự tin cậy là mục tiêu khi xây dựng Luật về quản lý và phát triển giao dịch điện tử. Đồng thời tính chất đồng nhất cũng được các nước coi trọng khi tuân thủ Luật mẫu của UNCITRAL để thực thi pháp luật về TMĐT trong bối cảnh thương mại quốc tế và xuyên biên giới.

Chính sách quy định về dữ liệu

Theo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu trong khu vực công đang được quan tâm ở các nước trong tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Điều này kích thích việc phát triển chiến lược dữ liệu quốc gia tổng thể. Các chiến lược này thường được lồng ghép trong các nỗ lực số hóa khu vực công. Các điểm đáng chú ý bao gồm Chiến lược Dữ liệu liên bang của Hoa Kỳ, Lộ trình Chiến lược dữ liệu của Canada cho dịch vụ công liên bang, Chương trình nghị sự về dữ liệu của Chính phủ ở Hà Lan và Chiến lược dữ liệu cho dịch vụ công của Ireland.

Chương trình nghị sự về dữ liệu của Chính phủ Hà Lan tập trung vào giá trị của dữ liệu như một công cụ để giải quyết các thách thức về chính sách và xã hội. Bộ Nội vụ và Quan hệ Vương quốc Hà Lan dẫn đầu việc thực hiện chương trình nghị sự, nhưng cả chính quyền trung ương và địa phương đều chịu trách nhiệm thực hiện chương trình này.

Tại Ireland, Chính phủ trung ương đã đưa ra Chiến lược dữ liệu dịch vụ công cho giai đoạn 2019-2023. Chiến lược dữ liệu của Ireland dựa trên các sáng kiến và công cụ chính sách về dữ liệu trước đó, bao gồm Cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia và Chiến lược dữ liệu mở. Chiến lược dữ liệu của Ireland nêu rõ sự cần thiết của việc mang lại một cách tiếp cận thống nhất cho các sáng kiến dữ liệu khu vực công và xác định các nguyên tắc, mục tiêu và hành động được chia sẻ để hỗ trợ sự gắn kết của khu vực công

Chính sách quy định về nền tảng số và giao dịch số trực tuyến của quốc tế

Hiện nay, trên thế giới, khung pháp lý quản lý các nền tảng số là một vấn đề khá mới và chưa có khung khổ pháp lý thống nhất cũng như thực tiễn tốt được công nhận chung trong việc quản lý lĩnh vực này. Một số quốc gia hay khu vực tài phán ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh một số khía cạnh trọng hoạt động của nền tảng số, trong khi đó, một số quốc gia khác có vẻ có xu hướng vận dụng các quy định pháp luật hiện hành đã có. Có những khu vực tài phán thì sử dụng thuật ngữ "nền tảng số - digital platform" nhưng cũng có những khu vực tài phán thì sử dụng thuật ngữ "nền tảng trực tuyến - online plafform". Báo cáo này sẽ chỉ trình bày mô hình một số ít các khu vực tài phán/quốc gia đã có khung khổ pháp lý riêng quản lý đối với nền tảng số mà Bộ Thông tin và truyền thông dự kiến nghiên cứu, đưa vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.

Chính sách hỗ trợ thúc đẩy giao dịch điện tử trong hệ thống các cơ quan nhà nước tại một số quốc gia

Trong 20 năm qua, hầu hết các nước trên thế giới đều đã tuyên bố và triển khai các chương trình phát triển Chính phủ điện tử. Nhưng kể từ khi xuất hiện các công nghệ đột phá, được biết đến với tên gọi chung là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình chuyển đổi hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức lên môi trường số một cách toàn diện mới thực sự có cơ hội tăng tốc, bứt phá. Nhiều nước trên thế giới sớm nhận ra xu hướng này và nhanh chóng có những hành động cụ thể.

Thứ nhất, tuyên bố chiến lược phát triển Chính phủ số, chẳng hạn, Singapore tháng 6/2018, Úc tháng 12/2018, Thái Lan tháng 10/2019, Nhật Bản tháng 12/2019. Tháng 2/2020, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố khởi động xây dựng chiến lược Chính phủ số của Indonesia với mục tiêu cải thiện vị trí xếp hạng của Indonesia trong khu vực (trong ASEAN hiện Indonesia xếp thứ 7, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan, Phillipine và Việt Nam. Cả 5 quốc gia trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN đều đã tuyên bố chiến lược phát triển chính phủ số). Sở dĩ có xu hướng chuyển sang Chính phủ số không phải vì kết thúc phát triển Chính phủ điện tử, mà nhờ việc xuất hiện các công nghệ đột phá, nên tiến trình chuyển đổi số có cơ hội bứt phá, diễn ra nhanh hơn.

Thứ hai, tất cả các bản chiến lược của các nước đều có khoảng thời gian là 05 năm hoặc ngắn hơn. Do ý thức được sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ, chiến lược của các nước đều nhấn mạnh đến khả năng thay đổi, thích ứng linh hoạt.

Thứ ba, trong sự chuyển dịch từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, các nước đều nhấn mạnh đến vai trò của dữ liệu như là “dầu mỏ”, là “năng lượng” tạo động lực cho sự chuyển đổi và chú trọng phân tích dữ liệu và tận dụng hiệu quả các công nghệ số. Phân tích dữ liệu, dựa trên dữ liệu và công nghệ số để thiết kế,  chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức vận hành và cung cấp dịch vụ theo hướng tối ưu, chất lượng hơn, ra quyết định linh hoạt, kịp thời hơn, tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, giải quyết những vấn đề lớn mang tính quốc gia để nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Xu hướng chuyển đổi số là xu hướng lớn, xảy ra trên bình diện thế giới, mang tính không thể đảo ngược, nhất là với bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, càng thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Quốc gia nào kịp thời nắm bắt, đi nhanh, đi trước sẽ thu được lợi ích lớn hơn, đi trước những quốc gia còn chần chừ. Vì vậy, việc phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở nước ta có tầm quan trọng đặc biệt, mang lại hiệu ứng lan tỏa, đẩy nhanh tiến trình cải cách, dẫn dắt chuyển đổi số, kiến tạo phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số để xây dựng đất nước phát triển, thịnh vượng.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, báo cáo xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc đã phân tích các nội dung phát triển Chính phủ số của các nước và tổng hợp có 09 trụ cột chính để phát triển Chính phủ số, bao gồm: (1) Tầm nhìn, lãnh đạo, tư duy đổi mới; (2) Khung pháp lý, thể chế; (3) Tổ chức và văn hoá; (4) Tư duy hệ thống; (5) Quản trị dữ liệu;  6) Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông;… Một số xu hướng trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số như: Thu thập dữ liệu một lần (Once only); Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Ứng dụng điện toán đám mây; Ra quyết định dựa trên dữ liệu;….

Theo quochoi.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Return to top