|
|
Quang cảnh cuộc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp VCCI tổ chức ngày 8/3. |
Tính đến nay, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý. Trong số đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 8.363.162 ý kiến; cơ quan soạn thảo nhận được 7.979 lượt ý kiến trên website lấy ý kiến nhân dân, 1.968 ý kiến từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, 73.104 lượt ý kiến từ 33 báo cáo của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 595.866 lượt ý kiến từ 47 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 66 báo cáo của các tổ chức và 79 ý kiến của cá nhân bằng văn bản gửi trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đại diện Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi) nhấn mạnh, các nội dung góp ý của nhân dân sẽ được tiếp thu, làm rõ để sớm hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo khả thi.
Ông Đào Trung Chính cho biết, qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Từ kết quả tổng hợp, có thể thấy phần lớn các ý kiến quan tâm đến 12 nhóm vấn đề chính là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của UBND cấp xã; phát triển quỹ đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phân tích những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần 2, đặc biệt về cơ chế xác định giá đất, các vấn đề của thị trường bất động sản, ông Đào Trung Chính nhận định, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô...
Việc bỏ khung giá đất nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân với hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường. Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm cũng được nhiều ý kiến tán thành, tuy nhiên một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc về chu kỳ ban hành bảng giá đất 5 năm để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tránh gây áp lực lên hệ thống cơ quan nhà nước.
Có ý kiến cũng đề nghị ban hành bảng giá theo chu kỳ ngắn hạn hơn 2 đến 3 năm một lần và điều chỉnh khi có mức độ biến động nhất định. Đồng thời, các ý kiến cũng mong muốn Hội đồng thẩm định giá đất bảo đảm tính chuyên môn sâu, tính độc lập, khách quan, minh bạch.
Các ý kiến đều được cơ quan soạn thảo tập hợp và cân nhắc kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình cho phù hợp.
Dự thảo Luật cũng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; hoàn thiện các chế định về điều tiết của Nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
Ông Đào Trung Chính cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Các ý kiến tham gia đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân. Thông qua đợt lấy ý kiến lần này, các cơ quan, ban ngành và ban soạn thảo, tổ biên tập được tiếp cận với một bức tranh tổng thể hơn với suy nghĩ, ý kiến của người dân về chính sách đất đai hiện nay; từ đó hoàn thiện pháp luật đất đai đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân.
"Tôi đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Luật đất đai. Những đóng góp của nhân dân sẽ được Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tổng hợp một cách đầy đủ, nghiên cứu kỹ để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội", ông Đào Trung Chính nhấn mạnh.