ClockThứ Tư, 15/03/2023 11:20

Khắc phục tồn tại, phát huy nguồn lực đất đai

TTH.VN - Được đánh giá là đạo luật quan trọng, phức tạp nên tính khả thi của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân (từ ngày 3/1 đến 15/3), dự thảo Luật sẽ được tiếp thu, giải trình, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu. Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Online có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.

Cần cân bằng lợi ích giữa các bênCần bổ sung, điều chỉnh nhiều vấn đề để phù hợp với thực tiễnCần có quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử - văn hóaKỳ vọng không còn "nghẽn" về giải phóng mặt bằng

leftcenterrightdel

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương

*Thưa ông, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đã bộc lộ nhiều hạn chế. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản. Song, hiện nay nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

*Vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?

Căn cứ Nghị quyết số 671/NQ-CP ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 23/12/2022 của Chính phủ, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-HĐND ngày 10/2/2023, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 6/2/2023 và các địa phương, sở ngành đã ban hành các kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau như, góp ý bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại địa chỉ website: luatdatdai.monre.gov.vn); Cổng Thông tin điện tử của Hội đồng Nhân dân tỉnh (tại địa chỉ website http://hdndthuathienhue.gov.vn); tại Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh (http://thuathienhue.gov.vn); hoặc có văn bản gửi trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị chủ trì tổng hợp tham mưu) hoặc qua hộp thư điện tử: (http://stnmt@thuathienhue.gov.vn). Ngoài ra, UBND các địa phương, sở, ngành, đơn vị cũng tổ chức lấy ý kiến.

leftcenterrightdel

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Ảnh: ĐT

*Ông có thể cho biết quan điểm của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này như thế nào?

Luật phải giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.

Đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể chiến lược lâu dài của hệ thống pháp luật; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng và không gian sử dụng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

*Những chính sách mới của dự thảo luật tập trung vào các vấn đề gì, thưa ông?

Đó là đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; …

*Xin cảm ơn ông.

LÊ THỌ (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Đất đai năm 2024

Chiều 6/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật Đất đai năm 2024. Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Đất đai năm 2024
Tạo lợi thế trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản

Tại Hội nghị ‘Gặp gỡ Nhật Bản 2023’ (Meet Japan 2023) diễn ra ở Hà Nội ngày 2/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất, cũng như cam kết hỗ trợ hạ tầng đến tận chân hàng rào cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tạo lợi thế trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top