ClockThứ Ba, 28/11/2017 13:01

Nỗi khổ chồng hư

TTH - 13 năm lấy chồng, có 4 đứa con, nhưng hết hơn nửa thời gian hôn nhân ấy, chồng chị đi tù vì trộm cướp... Một nách 4 đứa con dại, lưng “còng” vì mưu sinh lại thêm lo bới xách cho chồng. Người động viên chị cố ráng, để mấy đứa trẻ có cha. Người lại khuyên bỏ quách, bởi chồng cha kiểu ấy thì vợ con thêm khổ...

Kẻ gây ra hàng loạt vụ trộm, cướp giật vàng là một sinh viênĐầu trộm đuôi cướp

Bị cáo lại đến trước vành móng ngựa bằng “xe tù”. Cái cảnh không còn lạ gì với người vợ gầy ốm, nét mặt khắc khổ, già nua so với cái tuổi ngoài 30. Không ốm, không già, không khắc khổ sao được khi lấy chồng 13 năm thì hết hơn nửa thời gian hôn nhân ấy chồng chị đi tù. Năm 2004, khi chị sinh đứa con đầu lòng, chồng đi tù 3 năm về tội “cướp tài sản”. Thi hành án xong, về nhà “yên lành” vừa được 1 năm, vợ cũng sinh đứa thứ hai thì bị cáo lại bị TAND TP. Huế phạt 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”, 9 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt là 1 năm 3 tháng tù. Ra tù, thời gian được tự do tính bằng “đơn vị” tháng, vì sau đó bị cáo lại phải liên tiếp “nhập” trại giam bởi các bản án tổng cộng 3 năm tù về tội trộm cắp. Ngoài ra, bị cáo còn bị phạt hành chính vì hành vi “làm nhục người khác” và “vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ”. Lần này bị cáo lại ra tòa vì hành vi trộm cắp. Vị đại diện viện kiểm sát công bố phần nhân thân, tiền án, tiền sự của chồng cùng với ánh mắt của những người dự khán khiến vợ bị cáo xâm xoàng, ngồi không vững.

Chồng đi tù, một mình chị phải bươn chải lo toan, trên vai là gánh hàng rong, từ sáng sớm đến đêm khuya, bất kể nắng mưa, rét mướt, vừa nuôi 4 đứa con nheo nhóc vừa bới xách thăm nuôi chồng. Đó là chưa tính những lúc con đau ốm, bạc mặt lo tiền thuốc thang. Khổ vật chất một, khổ tinh thần mười, bởi chồng chị toàn phạm vào những tội khiến người đời nhìn bằng con mắt khinh khi, xa lánh. Giận chồng nhiều lắm, nhưng chị không thể bỏ. Mấy đứa con, cứ xa cha là nhớ. Đứa bé nhất còn hay khóc đòi được gặp cha. Sáng nay đến phiên tòa, trời mưa lớn quá nên chị đành gửi 2 đứa nhỏ lại. Đứa lớn đến lớp vì có buổi kiểm tra. Con gái thứ hai nhất quyết xin nghỉ học đến gặp cha. Lúc nhìn con hóng “xe tù”mà lòng chị nghẹn lại. Vậy mà...

“4 đứa con chỉ một mình vợ bị cáo lo toan nuôi nấng. Bị cáo thì liên tục phạm tội rồi đi tù. Bị cáo vô trách nhiệm với vợ với con mình quá. Bị cáo có nghĩ đến hành vi của mình sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai sau này của các con không...”. Vợ bị cáo giật mình nghe những lời phân tích của vị hội thẩm nhân dân, rằng sau này các con thành niên, cần cha mẹ dựng vợ gả chồng, sui gia nhìn vào “tấm gương” là người cha như bị cáo, chắc rằng người ta không khỏi e dè, đắn đo. Chị nhìn chồng đang đứng nơi vành móng ngựa. Lúc này bị cáo bối rối cúi mặt.

Có lẽ lời nhắc nhở của vị hội thẩm cũng khiến bị cáo biết giật mình. Khi hội đồng xét xử vào phòng nghị án, bị cáo ôm đứa con vào lòng, nghèn nghẹn nói với vợ, lần này “ra” sẽ gắng tu thân, không làm điều phạm pháp nữa, để vợ con bớt khổ. Vợ bị cáo rớm nước mắt. Mẹ già của bị cáo cũng rớm nước mắt. Hai người phụ nữ mừng mừng tủi tủi, hi vọng bị cáo thực hiện lời hứa, để vợ, con đỡ khổ.

TAND TP.Huế tuyên phạt bị cáo 10 tháng tù. Bị cáo phải trở về trại tạm giam. Mẹ, vợ, con bị cáo lủi thủi dắt nhau trở về nhà. Nhưng dường như nỗi khổ trong lòng họ nhẹ đi phần nào, vì một lời hứa sẽ thay đổi của bị cáo. Gia đình, người thân, chính quyền, các đoàn thể sẽ cảm thông, sẵn sàng dang rộng vòng tay giúp đỡ, nếu bị cáo chí thú làm ăn, chuộc lại lỗi lầm...

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Hoàng hôn chợ làng

Nói đến ông già Chơn bán chiếu ở chợ Bà Sửu, người ta nhắc ngay tới con Cộc. Cộc là con chó bị người ta vứt ở đống rác phía sau chợ làng, ông Chơn nhặt về nuôi lúc nó mới vài ngày tuổi, còn chưa mở mắt. Nghe đâu tình cờ gặp bữa chiếu ế chẳng bán được chiếc nào, ông gánh đi quanh, rao khản cả tiếng cũng chẳng ai mua. Vừa mệt vừa rã hai cái cẳng, ông quảy cái gánh ra về.

Hoàng hôn chợ làng
Return to top