ClockChủ Nhật, 10/11/2024 08:14

Hoàng hôn chợ làng

TTH - Nói đến ông già Chơn bán chiếu ở chợ Bà Sửu, người ta nhắc ngay tới con Cộc. Cộc là con chó bị người ta vứt ở đống rác phía sau chợ làng, ông Chơn nhặt về nuôi lúc nó mới vài ngày tuổi, còn chưa mở mắt. Nghe đâu tình cờ gặp bữa chiếu ế chẳng bán được chiếc nào, ông gánh đi quanh, rao khản cả tiếng cũng chẳng ai mua. Vừa mệt vừa rã hai cái cẳng, ông quảy cái gánh ra về.

Bên ngoài ô cửa có mây bayĐôi mắt hoa cúc biển

 

Phía sau chợ là con đường nhỏ ngoằn ngoèo thưa vắng, chiều chưa tắt nắng đã thiu thiu như ngủ. Vài cây ăn trái mọc dại tỏa bóng râm xuống con đường lông chông đất đá và cỏ gà đùn lên sau mỗi một đợt lũ tràn bờ. Con đường, họa hoằn lắm mới có tiếng chân người đi qua. Mặc nhiên, nó là chỗ dành cho ông ghé lưng nghỉ tạm buổi chợ trưa, sau khi lần giở bọc lá chuối khô gói chén cơm với nắm muối mè ra nhai. Cũng có khi con đường thưa vắng đó là chỗ cho mấy con chó cái rạc rài hẹn hò với bạn tình của nó. Bên đống rác lổn ngổn các thứ từ chợ làng thải ra, ông nghe tiếng một con vật kêu lên từng hồi thảm thiết, tiếng kêu yếu ớt khiến ai nghe thấy cũng động lòng.

Vứt gánh chiếu bên đường ông đi nhanh về phía đống rác nhìn quanh nhưng không thấy con vật nào, tiếng kêu vẫn thảm thiết như cầu cứu ông. Mùi chua chua của rác rưởi xộc lên, sau một hồi xới tung ông mới phát hiện một con chó nhỏ màu đen ướt nhẹp nằm giữa đống rác lổn nhổn các thứ bao ni lông, lá chuối, những cọng rau héo và những cái đầu cá tanh rình.

Ông Chơn mang con Cộc về nuôi từ ngày đó. Hơn mười lăm năm bên cạnh ông Chơn, con Cộc được cưng chiều không khác gì một đứa con. Về phần con Cộc, có vẻ như nó hiểu thân phận mình, hiểu người đã cứu vớt và nuôi nấng nên nó lớn khôn một cách lạ thường. Ngày ngày nó theo chân ông ra chợ làng ngồi bán chiếu. Ông đi một bước, nó theo sau một bước. Buổi trưa ông ngả lưng trên tấm đanh phía sau chợ thiu thiu, gánh chiếu để gần đó. Trong lúc ông ngủ, con Cộc ngồi canh chừng, ông có biểu cách gì nó cũng không chịu nằm, cứ ngồi chóc ngóc ngó người ta đi lại. Ai dừng lại có ý mua chiếu, nó lại gần khều ông ngồi dậy bán. Khách mua chiếu ôm đi rồi nó còn theo sau tiễn một đoạn, đuôi cong lên vẫy vẫy như cảm ơn. Nhiều người muốn mua chiếu của ông Chơn là vì thương con Cộc.

Mùa đông. Cây bàng đầu chợ vào mùa rụng lá, trên đọt chỉ còn trơ lại mấy tán lá non, vài ngọn gió mùa đông kín đáo sớt qua cái chợ nhỏ buồn xo. Người ta thấy ông Chơn hơn một tuần nay chỉ ra chợ một mình, không có con Cộc lẽo đẽo theo sau. Nghe đâu con Cộc đau mấy ngày rồi bỏ ăn nằm một chỗ, ông Chơn ra chợ một mình, qua trưa lại quày quả về với nó.

Buổi chiều vừa về tới đầu ngõ ông Chơn đã linh tính có điều chẳng lành. Cái ổ con Cộc vẫn nằm bên hiên trống trơn, chén cơm từ sáng vẫn còn nguyên chưa ăn miếng nào.

Ông chạy quanh tìm nó. Ông xuống bến đò, vô xóm trong, ra chợ làng… Gặp ai ông cũng hỏi. Hỏi ai cũng lắc đầu. Ông lội xuống ruộng bông, ra biền dâu, xuống đám bắp sau nhà… Con Cộc vẫn biệt tăm.

Cộc là con chó tính nết khó chịu nhưng biết nghe lời, không dễ dầu gì nó tự tiện bỏ nhà đi biền biệt mà không hỏi ông lấy một lời. Hơn nữa nó lại đang đau, ăn uống, đi lại cũng khó khăn. Buổi sáng trước khi ra chợ, ông xới chén cơm ăn, còn xới riêng cho nó một chén, nồi còn hai khúc cá kho, ông gắp cho nó một khúc. Con Cộc nay mắt đã mờ, lông lá trên lưng trụi lủi. Nó già rồi, tính đời chó có khi còn già hơn ông. Cái đuôi thẳng đơ cứ cụp xuống không ngoắc nổi lên khi gặp chuyện vui mừng.

Rồi cũng biết có ngày con Cộc sẽ ra đi như những người thân trong cuộc đời đã bỏ ông đi. Nhưng cái cách con Cộc tự tiện bỏ nhà đi không một lời từ biệt khiến đôi vai ông già Chơn xụi lơ như con chim gãy cánh.

Một ngày trời rong ruổi tìm kiếm nhưng vô vọng, ông Chơn trở về ngồi bên ngạch cửa, kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, tì cái tay cầm điếu thuốc, thẫn thờ nhìn ra, cái nhìn mông lung vô định không ai đoán được ông nhìn gì. Cái kiểu ngồi không đổi. Bất động.

Một buổi chiều ảm đạm. Nắng xế đã lui xa làm đường riềm trên những mép lá trong vườn sẫm lại. Trong trí óc đã bắt đầu lẩn thẩn của ông chợt lóe lên: Loài chó luôn thương chủ, khi biết sắp đến ngày phải từ giã cõi đời nó thường tìm một nơi nào đó thiệt xa, hay một nơi nào khuất mắt chủ để ra đi, lặng lẽ để chủ nó không phải đau lòng chứng kiến phút giây chia biệt.

Có thể lắm! Con Cộc của ông!

Ông Chơn lật đật đứng dậy chụp cái mũ lên đầu, đi ngược về cuối bãi. Bên lùm keo ken dày, tảng đá nâu rêu phủ nằm chắn trong góc rẽ qua con đường xuống bến sông. Linh cảm mách bảo, ông ngồi thụp xuống căng mắt nhìn vào lùm keo. Giữa đám cỏ chen chúc vồng lên, con Cộc nằm co, thân hình già nua lép xẹp như rút lại trong bộ xương sườn nhô lên dưới lớp da bong tróc.

Ôm ngực hực lên một tiếng kêu đau đớn, ông lặng đi.

Mắt con Cộc chưa khép, nó mở to như cố nhìn ông lần cuối. Ông run rẩy chạm bàn tay khô như chiếc lá lên cái thân hình chỉ còn trơ ra bộ xương khô. Ngực con Cộc vẫn còn ấm như thể nó chỉ vừa rời khỏi nhà mà đi, rời khỏi cái nơi nó đã sống hai mươi năm trời. Ông ngồi thụp xuống ôm con Cộc riết vào hai cánh tay khô, cố nén nhưng tiếng nấc vẫn bật ra từ lồng ngực đau đến tê dại.

Ngày về với ông, con Cộc còn nhỏ chút nhưng ú a ú nần, cùng ông bữa đói bữa no vậy mà nó cứ lớn lên. Nó uống nước sông mà lớn, ăn lá cây trong vườn mà khôn. Nó trở thành người thân, thành người bạn thân thiết của ông trong những đêm dài cô độc.

Ôm con Cộc cuộn vào tấm áo ông nhúc nhắc trở về, đặt nó nằm vào tấm chiếu cũ trải bên hiên, tấm chiếu bao nhiêu năm nó ngồi cùng ông trong những bữa cơm, hay trong những buổi chiều chạng vạng ngóng ra bến đợi ông.

Vẫn dáng ngồi bất động, đến điếu thuốc cũng không buồn quấn, không cảm giác thèm một thứ gì trên đời này, ông nhìn con Cộc thiêm thiếp như ngủ.

“Phải chi mày và tao được trở lại cái thời tuổi trẻ”, ông thì thào, xoa lên trán con vật, nghe như có tiếng thở dài.

Mấy con gà mái dầu lang thang đào xới ở vườn sau hình như cũng đánh hơi, tục tục kéo lại xúm chùm quanh con Cộc hiêng hiếng ngó nghiêng. Ngày thường con Cộc gầm gừ rượt đuổi nếu bầy gà có lỡ mon men vô bươi cái bếp tro, nhưng lúc ra vườn tụi nó là bạn. Con Cộc lăn lộn trên đống cát đuổi theo mấy con chuột hôi rình, sục sạo vô mấy cái hang giun hang dế, bầy gà mái lăng xăng chạy quanh ra chiều thích chí. Tiếng tục tục, quang quác, tiếng gầm gừ, ăng ẳng náo loạn cả vườn. Giờ đây, nhìn con Cộc im lìm chân nằm xếp lại hiền lành, hai con mắt he hé như cố nhìn quanh vườn lần cuối. Tạm biệt bầy gà, tạm biệt đống đất, ụ rơm, tạm biệt những cái hang giun hang dế… Bầy gà như linh cảm, xao xác lượn quanh, tiếng tục tục trong cổ họng nghe ra cũng đau. Buồn thương đến lạ.

Một buổi hoàng hôn đầy ám ảnh.

Ông Chơn đứng lên nhúc nhắc vác cuốc ra sau vườn đào hố, cái hố sâu có một sải cũng khiến ông ôm ngực thở dốc. Cuộn con Cộc vào tấm chiếu, ông run run đặt nó vào lòng đất, vuốt mắt cho con vật trung thành, phải đến lần thứ ba đôi mắt Cộc mới khép hẳn. Lấp đất lại, đêm cũng vừa sập xuống. Ông vẫn ngồi đó, bên nấm đất vun cao mịt mù. Giữa khu vườn tối đen, bóng ông chập chờn lẫn vào bóng đêm u uất. Tiếng ông rì rầm:

“Cộc à! Ngủ đi! Tau cũng già, cũng mệt rồi. Nay mai tau cũng về với đất, nhưng bây chừ thì tau vẫn ở đây thôi! Cộc à… Ngủ đi!” - ông thủ thỉ.

Đêm. Ông thức trắng. Trong căn nhà nhỏ cuối xóm, tiếng ư ử thân thương đã không còn nữa, con Cộc đã mang nó đi rồi. Cộc đi, mang theo quá nhiều thứ trong cuộc đời ông, cuộc đời gói gọn giữa lòng sông, giữa cái bến quạnh hiu đến bước chân người giờ đây nghe ra cũng khó… Chỉ còn tiếng võng kẽo kẹt, tiếng muỗi đói vo ve…

Trời còn tờ mờ sương, Ông Chơn lại nhúc nhắc đi. Không ai biết ông đi đâu. Chiều về, trên tay ông cầm một bụi hoa lài đã trổ bông trắng xóa.

Trên nấm mộ Cộc, ông trồng bụi hoa nhỏ xíu, vần thêm hòn đá đủ một người ngồi. Trong đêm hương lài thoang thoảng, ông ngồi đó lầm rầm một mình, ngỡ như con Cộc ngồi trước mặt, cái tướng ngồi chóc ngóc y chang những buổi chiều ngóng về chợ làng đợi ông.

Vũ Ngọc Giao
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top