ClockThứ Tư, 04/10/2023 07:22

“Nói không” với đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường

TTH - Đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, không nhãn mác trước cổng trường luôn là vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Bánh ép và học trò

 Lực lượng chức năng kiểm tra hàng quán trước cổng Trường tiểu học Phò Ninh, xã Phong An

Tiêu hủy nhiều đồ ăn vặt

Dạo quanh một số trường tiểu học ở Phong Điền sẽ không khó bắt gặp những em học sinh cầm trên tay những đồ ăn vặt không nhãn mác và ăn một cách ngon lành. Trước thực trạng đó, nhất là trong thời điểm Tết Trung thu, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm huyện Phong Điền đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các quán bán bánh, kẹo... đặc biệt là tại các cổng trường trên địa bàn toàn huyện.

Ông Thái Văn Lệ, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phong Điền cho biết, qua quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều hàng quán trước cổng trường học vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, như bánh, kẹo, đồ chơi… được bày bán tràn lan. Các chủ quán không xuất trình được hóa đơn, chứng từ khi nhập hàng. Vì vậy, đoàn đã tiến hành lập biên bản để tiêu hủy theo quy định.

Tại một số điểm trường, như Trường tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Phong Điền; Trường tiểu học Phong Hòa 2, xã Phong Hòa; Trường tiểu học Phò Ninh, xã Phong An... đoàn đã tịch thu nhiều đồ ăn vặt và tiêu hủy. Ngoài ra, tại nhiều điểm khác, đoàn đã yêu cầu các chủ quán phải tự tiêu hủy; đồng thời, ký cam kết sẽ không nhập các loại hàng hóa không đảm bảo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán cho học sinh.

Một chủ quán có đồ ăn vặt phải tiêu hủy giải thích, các mặt hàng có nguồn gốc, bao bì đóng gói cẩn thận thì có giá cao hơn nên khó bán. Trong khi đó, các mặt hàng này thường có giá rẻ, có giá từ 1.000 – 5.000 đồng nên được nhiều em chọn mua. Lãnh đạo Trường tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Phong Điền cho biết, theo quy định nhà trường không có quyền cấm các hàng quán phía bên ngoài. Dù thế, nhà trường đã nhiều lần làm việc với các hàng quán bán đồ ăn vặt trước cổng và quanh trường, yêu cầu bán các mặt hàng rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, phải thừa nhận là hàng quán chỉ chú trọng các mặt hàng rẻ để bán được cho nhiều học sinh.

Cũng phải nói thêm, để tình trạng mua bán đồ ăn vặt thiếu an toàn như thế, một phần do lỗi các phụ huynh. Hiện có rất nhiều phụ huynh do bận công việc, hoặc quá chiều con, nên thường đưa tiền cho con đến trường để mua đồ ăn mà không hề có sự kiểm soát.

Cần sự phối hợp từ các bên

Việc mua và ăn đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc đã xảy ra không ít vụ việc học sinh bị ngộ độc. Thậm chí, nhiều đồ ăn có chứa cả chất kích thích, ảnh hưởng đến sức khỏe và thần kinh lâu dài đối với các em học sinh. Ông Thái Văn Lệ cho hay, trên thực tế, việc xử lý các hàng quán trước cổng trường học là rất khó, bởi các hàng quán này hoạt động mùa vụ, không cố định bằng các xe đẩy. Theo quy định, các hàng quán này không thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh. Do đó, khi kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở và tịch thu, tiêu hủy những mặt hàng vi phạm chứ không thể xử phạt hành chính.

“Huyện sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan thường xuyên thanh, kiểm tra tại các khu vực quanh các trường học để kiểm soát tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm, các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Huyện cũng đề nghị các nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em và phụ huynh cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm tại các buổi chào cờ đầu tuần”,  ông Thái Văn Lệ nhấn mạnh.

Ông Dương Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phò Ninh, xã Phong An cho biết, khó khăn lớn nhất là đối với các hàng quán bên ngoài, trường không thể xử lý. Vì vậy, từ đầu năm học mới, nhà trường họp phụ huynh và tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh cùng phối hợp với trường ngăn chặn tình trạng ăn đồ vặt thiếu an toàn của học sinh. Yêu cầu phụ huynh không cho con mang tiền theo để mua đồ ăn vặt. Sau khi học sinh đến trường và đã ăn sáng xong, trong thời gian học, trường đóng cửa hoàn toàn, kể cả giờ ra chơi.

Để hạn chế, tiến đến không còn tình trạng mua bán đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc quanh trường học thì cần có sự đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh và cả những người buôn bán cần kinh doanh những mặt hàng đó.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu ùn tắc giao thông trước cổng trường

TP. Huế có địa bàn rộng, số lượng học sinh đông nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị (ATGT - TTĐT) trước cổng trường luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố cũng như các địa phương, ban ngành, trường học chú trọng và triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào các khung giờ đưa - đón học sinh đến trường.

Giảm thiểu ùn tắc giao thông trước cổng trường
Cao điểm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường

Năm học mới 2024 – 2025 chính thức bắt đầu. Đây là thời điểm mà lực lượng nghiệp vụ công an từ tỉnh đến cơ sở tăng cường phối hợp với ban giám hiệu các trường học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); bảo đảm an toàn giao thông.

Cao điểm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường
Hãy trả lại sự lành lặn cho ngôi trường hồng

Nép mình bên dòng Hương thơ mộng là ngôi trường hồng mang tên Trường trung học phổ thông ̣(THPT) Hai Bà Trưng. Đây là một trong những ngôi trường lớn, có lịch sử lâu đời ở miền Trung và cả nước. Trường do vua Khải định đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào ngày 15 tháng 7 năm 1917 và đặt tên là Đồng Khánh (Hoàng khảo của vua Khải Định).

Hãy trả lại sự lành lặn cho ngôi trường hồng
Return to top