Vận hành thử và kiểm tra hệ thống bơm nước chữa cháy tại ký túc xá Trường Bia
“Điểm nóng” khu nội trú
Từ sau đợt nghỉ lễ (30/4 – 1/5), Trung tâm Phục vụ Sinh viên và các ký túc xá tiếp tục tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các phòng ở nội trú của sinh viên, tránh nguy cơ cháy nổ như vụ việc từng xảy ra trước đó (năm 2016).
Ông Hồ Nhật Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Sinh viên ĐH Huế cho rằng, cách sử dụng các thiết bị điện, bếp nấu ăn của sinh viên rất đáng ngại. Nếu không chủ động nhắc nhở, nguy cơ xảy ra cháy nổ, chập điện không hề nhỏ. “Lo ngại nhất là ý thức sinh viên. Cùng lúc nhiều sinh viên sử dụng các dụng cụ, thiết bị điện có công suất cao như bình nấu nước siêu tốc hay quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng rất nguy hiểm. Vụ cháy trước đó được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cũng liên quan đến sự bất cẩn này”, ông Thành nhấn mạnh.
Các khu ở nội trú là “điểm nóng” đáng lo về nguy cơ cháy nổ do số lượng sinh viên đông. Thống kê của Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế, tại hai khu ký túc xá Trường Bia và Tây Lộc, có đến 630 phòng và thường có khoảng hơn 2.000 sinh viên đăng ký ở. Vào giai đoạn hè, các bạn thường xuyên gửi lại đồ đạc để về quê nên công tác cháy nổ càng được quan tâm hơn.
Đại diện Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế cho biết, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tỉnh để kiểm tra hằng năm và tập huấn cho cán bộ, sinh viên. Trong tháng 4/2019, trung tâm đã tiến hành đo điện trở chống sét tại tất cả các dãy nhà, đồng thời mua bảo hiểm cháy nổ cho dãy nhà kí túc xá. Ngoài ra, trung tâm cũng khẩn trương lên kế hoạch mua sắm thêm các bình chữa cháy để thay các bình cũ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị PCCC khoảng 50 triệu đồng.
Hiện nay, mỗi tháng hai lần, cán bộ quản lý, tổ cơ sở vật chất, bảo vệ tại trung tâm và ký túc xá tiến hành vận hành máy bơm chữa cháy. Ngay đầu mùa hè, trung tâm đã xử lý hệ thống điện, các thiết bị quạt bị hư hỏng, xử lý cột, kéo các dây điện, dây mạng gần khu vực tường rào để đảm bảo an toàn. Trung tâm cũng lên kế hoạch chuẩn bị để phục vụ sinh viên gửi đồ đạc khi nghỉ hè (khoảng đầu tháng 6) đồng thời bố trí phòng ở cho sinh viên dịp hè vào một số dãy nhà, tiện cho công tác kiểm tra.
Lên phương án PCCC tại trường học
Đại diện phòng Cơ sở vật chất Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế kiểm tra hệ thống máy bơm trước mùa nắng nóng 2019
Tại các trường học, năm nay công tác phòng chống cháy nổ được triển khai sớm và chủ động hơn. PGS.TS. Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm chia sẻ, nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết các phương án phòng chống cháy nổ, huy động sự tham gia của toàn trường, trong đó có quản lý các phòng thí nghiệm, các kho, trung tâm thư viện.
Năm nay, ngoài mua thêm thiết bị PCCC, nhà trường cũng lắp đặt các chỉ dẫn thoát hiểm. Bốn khu nhà mới xây dựng được thiết kế và kiểm tra chặt chẽ hệ thống chữa cháy, máy bơm, bể chứa nước đảm bảo ngăn chặn và xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra. “Chúng tôi nhắc nhở bộ phận liên quan quét dọn sạch sẽ, thu lượm lá khô tránh tác nhân gây cháy. Khi đốt lá khô thì phải có người canh chừng. Ngoài ra, cũng nhắc nhở bảo vệ quan tâm kiểm tra tránh tình trạng để người phía ngoài trường đốt lốp xe dẫn đến cháy lan vào như năm 2018”, PGS.TS. Nguyễn Đình Luyện nói.
Theo đại diện các trường, những khu dễ xảy ra cháy nổ như phòng máy, kho lưu trữ tài liệu rất được quan tâm. Ths. Dương Minh Hùng, Trưởng phòng Cơ sở vật chất Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho hay, tại khu vực phòng máy tính của trường hiện có khoảng 400 máy.
Bể chứa nước được thiết kế tại Trường ĐH Sư phạm
Ngoài việc mua bảo hiểm phòng cháy nổ cho khu vực này, trường còn cử cán bộ túc trực kiểm tra vào ban ngày và yêu cầu bảo vệ kiểm tra kỹ vào ban đêm. Trường vừa đầu tư khoảng 130 triệu để mua máy bơm nhiên liệu phòng trường hợp xử lý khi cấp điện và lắp đặt hệ thống báo cháy cũng như thoát nạn tại các giảng đường.
Ths. Nguyễn Thọ Đông, Trưởng phòng Cơ sở vật chất Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cho biết, nhà trường rất chú ý các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy, trong đó có kho bảo quản các tác phẩm, không chỉ hạn chế người ra vào mà còn cử cán bộ phụ trách kiểm tra kỹ. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ và lên phương án xử lý khi có tình huống không may xảy ra.
Bài, ảnh: Hữu Phúc