ClockThứ Năm, 16/06/2022 10:43

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 16/6, với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Không được cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc caNgày 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số dự án luật quan trọngTranh chấp quyền sở hữu trí tuệ: Khó xác định thẩm quyền trọng tài

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Trước đó, ngày 31/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp ý kiến về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Về 2 vấn đề lớn, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả như đã thể hiện trong dự thảo Luật; đồng thời tán thành không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này. Do đó, kính trình Quốc hội cho thông qua nội dung này như thể hiện trong dự thảo Luật.

Về tác giả, đồng tác giả; quyền nhân thân, có ý kiến đề nghị Điều 12a cần quy định một số tiêu chí định lượng xác định “đồng tác giả”, như tỷ lệ thời gian người đó đóng góp tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 12a của dự thảo Luật đã quy định nhiều tiêu chí để xác định đồng tác giả, gồm tiêu chí về số lượng (từ 2 người trở lên), về tính chất (cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm), sự thống nhất ý chí (cùng chủ ý tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh tác phẩm); khoản 2 và khoản 3 Điều 12a đã quy định về trường hợp không phải là đồng tác giả và cơ chế thực hiện quyền nhân thân, quyền tài sản đối với các đồng tác giả để bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi trong quá trình thực thi quyền tác giả. Thực tiễn thi hành pháp luật cũng như tham khảo pháp luật các nước cho thấy, không có cơ sở để quy định tỷ lệ thời gian đóng góp để xác định đồng tác giả. Do đó, xin Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả/người biểu diễn” tại khoản 4 Điều 19, điểm b khoản 2 Điều 29. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, không phải mọi trường hợp sửa đổi, cắt xén tác phẩm, cuộc biểu diễn đều xâm phạm quyền nhân thân mà chỉ những hành vi sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, người biểu diễn mới bị coi là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, người biểu diễn. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. 

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; giới hạn quyền tác giả, có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 vì gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả; hiện nay chưa có quy định về thiết bị sao chép công cộng nên rất khó kiểm soát được việc sao chép. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy một số nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật là quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 25 theo hướng quy định về ngoại lệ tại điểm a “không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép”.

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về ngoại lệ sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ tại điểm d khoản 1 Điều 25. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, pháp luật hiện hành có quy định cơ chế hỗ trợ tài chính để mua bản quyền cho cơ quan nhà nước nhưng phạm vi còn hẹp. Xuất phát từ thực tiễn của hoạt động công vụ như thanh tra, kiểm tra, xét xử..., việc quy định ngoại lệ sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Hơn nữa, tuy là ngoại lệ nhưng việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ cũng phải tuân thủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 25 của dự thảo Luật. Luật Bản quyền của một số quốc gia cũng có quy định tương tự về vấn đề này. Do đó, quy định về nội dung này như dự thảo Luật là phù hợp.

Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý của quy định tại khoản 4 Điều 25a; đồng thời xác định các biện pháp cần thiết là gì, có tăng thêm gánh nặng cho các tổ chức bảo trợ, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 4 Điều 25a của dự thảo Luật nhằm nội luật hóa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Hiệp ước Marrakesh. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 4 Điều 25a để làm rõ hơn phạm vi trách nhiệm của tổ chức phân phối hoặc truyền đạt các bản sao của tác phẩm dưới định dạng dễ tiếp cận đến người khuyết tật như thể hiện trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 26 của dự thảo Luật hoặc văn bản quy định chi tiết nội dung: Trường hợp các bên không thỏa thuận được tiền bản quyền trong một thời hạn nhất định thì bên sử dụng phải chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm và thanh toán tiền bản quyền theo quy định của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này trong Nghị định để phù hợp với thực tiễn cần điều chỉnh với từng loại hình tác phẩm cũng như tính chất, mức độ vi phạm đối với quyền tác giả trong các trường hợp cụ thể. Trong dự thảo Nghị định Chính phủ trình kèm Hồ sơ dự án Luật cũng đã có dự kiến quy định về nội dung này.

Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu; kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” tại điểm p khoản 2 Điều 74 để thống nhất với các quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bỏ cụm từ “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” tại điểm p khoản 2 Điều 74; đồng thời cho rằng tác phẩm là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, do đó, để phù hợp với bản chất độc quyền của quyền tác giả thì việc quy định nhãn hiệu “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu thì nhãn hiệu đó bị từ chối bảo hộ là cần thiết. Vì vậy, để bảo đảm tính chính xác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cụm từ “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” vào khoản 7 Điều 73 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4 của dự thảo Luật quy định chuyển tiếp về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và bổ sung nội dung này vào khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật.

Về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp, có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm h khoản 1 Điều 95 theo hướng bổ sung cụm từ “đặc biệt là” vào trước cụm từ “về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc chỉ dẫn địa lý” để thống nhất với quy định của Hiệp định EVFTA. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định tại điểm h khoản 1 Điều 95 chỉ yêu cầu chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu đối với 3 trường hợp là gây nhầm lẫn về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, bởi vì các trường hợp gây nhầm lẫn khác về nhãn hiệu đã được điều chỉnh bởi các quy định tại các điều, khoản khác trong Luật Sở hữu trí tuệ như về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu (các điều 72, 73 và 74), hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (Điều 129), hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 130)... Vì vậy, quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm nội luật hóa đầy đủ Hiệp định EVFTA.

Có ý kiến cho rằng quy định về từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 117 là chưa tương thích với Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý lại nội dung này tại Điều 117 và Điều 118 của dự thảo Luật.

Về Điều 119a, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “lần đầu” tại khoản 3 để thống nhất hình thức nộp đơn khiếu nại; bổ sung vào khoản 6 thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thời hiệu giải quyết khiếu nại; quy định chỉ trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại theo yêu cầu của người nộp đơn thì mới không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến nêu trên và thể hiện tại Điều 119a của dự thảo Luật.

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b là bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, quy định tại Điều 198b của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa quy định tại Điều 12.55 của Hiệp định EVFTA. Điều này không giới hạn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian về bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí. Quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại bằng tiền chỉ được quy định tại Điều 18.82 của Hiệp định CPTPP nhưng nội dung này đang tạm đình chỉ thực hiện. Vì vậy, để thuận lợi trong quá trình thực thi điều ước quốc tế, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý khoản 6 Điều 198b theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, bao gồm cả phạm vi miễn trừ, như thể hiện trong dự thảo Luật.

Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh; các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “đăng ký”, thay từ “và” bằng từ “hoặc” tại điểm d khoản 1 Điều 130. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, pháp luật hiện hành về công nghệ thông tin và viễn thông không cản trở việc đăng ký và giữ chỗ tên miền theo cơ chế “đăng ký trước được trước” và cơ chế này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nếu chỉ với hành vi đăng ký tên miền thì chưa thể hiện được ý đồ xấu của người đăng ký; chỉ khi việc đăng ký thành công và người đăng ký đã chiếm hữu tên miền, đồng thời có các hành vi thể hiện “dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính” thì mới cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, đề nghị không bổ sung cụm từ “đăng ký” vào điểm d khoản 1 Điều 130. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm bao quát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thực tiễn, thay từ “và” bằng dấu phẩy (,) tại điểm d khoản 1 Điều 130 của dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng quy định về biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 Điều 214 là chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 214 của dự thảo Luật là biện pháp đặc thù trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm tận dụng hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn giá trị sử dụng, tránh gây lãng phí và đã được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều được áp dụng biện pháp này mà phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung “và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ” vào cuối khoản 2 Điều 214 của dự thảo Luật.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Ngày 29/11: Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật quan trọng

Ngày 29/11, theo Chương trình của kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kế toán sửa đổi; Luật Đầu tư công sửa đổi...

Ngày 29 11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật quan trọng

TIN MỚI

Return to top