Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)
Pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trao cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ) được quyền tự bảo vệ trước các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Theo đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các quy định về thẩm quyền trọng tài đối với tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ còn mơ hồ, chung chung dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền. Bên cạnh đó, các tranh chấp được xử lý theo cơ chế trọng tài không nhiều, do đó, việc xác định phạm vi thẩm quyền chưa được xem xét, đánh giá đầy đủ.
Xuất phát từ thực tiễn ấy, VCCI khuyến nghị, cơ quan xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ cần đề nghị quy định cụ thể hơn về thẩm quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Trong một số trường hợp xảy ra tình huống tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, theo quan điểm của Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần có sự tham vấn và hỗ trợ pháp lý của trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ quy định thẩm quyền của trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở một số lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên; trong đó, ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Tranh chấp liên quan đến quyền đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có thể là tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng (về phí chuyển quyền sử dụng, phạm vi chuyển quyền), chủ sở hữu quyền, góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp hoặc theo nghĩa rộng hơn liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc cả giá trị pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, phạm vi tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mang tính chất khá rộng, liên quan đến nhiều đối tượng cũng như nhiều giai đoạn của quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, nhiều tranh chấp còn liên quan đến ý chí, của cơ quan Nhà nước trong hoạt động xác lập, khai thác và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc các tranh chấp xâm phạm quyền. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết không có quy định cụ thể, rõ ràng chi tiết phạm vi điều chỉnh.
Cách sử dụng các khái niệm, thuật ngữ trong luật hiện hành còn chung chung và mơ hồ dẫn đến việc khó khăn khi xác định trường hợp nào thuộc thẩm quyền của trọng tài.
Nếu dẫn chiếu Luật Trọng tài thương mại, bất cứ các tranh chấp nào về hoạt động thương mại hoặc tranh chấp có bên có hoạt động thương mại đều thuộc thẩm quyền của trọng tài.
Các quy định này không loại trừ các tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (các chủ thể quyền đều có hoạt động thương mại và tranh chấp liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán, doanh thu sản phẩm) hay các tranh chấp liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (chủ thể quyền có hoạt động thương mại).
Tuy nhiên, pháp luật về trọng tài thương mại có quy định điều kiện ngoại lệ đối với các tranh chấp. Theo đó, quy định trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận nếu thỏa thuận không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
Không những thế, phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ trong trường hợp phán quyết trái với nguyên tắc cơ bản của Việt Nam.
Có quan điểm cho rằng, các tranh chấp có liên quan đến sự tham gia của cơ quan nhà nước hay nói cách khác là tính pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ảnh hưởng đến các chính sách công dẫn đến tác động tiêu cực đến xã hội. Vì thế, các tranh chấp này không thể được xử lý theo cơ chế trọng tài.
Theo Vietnam+