|
Mô hình nuôi heo bản đem lại nguồn thu nhập ổn định của già làng Hồ A Duân, người có uy tín xã Hồng Bắc, huyện A Lưới |
Tích cực trên mọi lĩnh vực
Chúng tôi được một cán bộ xã dẫn đến thăm già làng Nguyễn Hoài Nam, NCUT thôn Pa Ring – Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới. Ở cái tuổi 76, già vẫn hồ hởi, nhiệt tình tiếp đón chúng tôi. Già kể: “Thời buổi bây giờ, lớp trẻ chỉ toàn nghe những dòng nhạc hiện đại. Những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống của đồng bào Cơ Tu nếu không được phổ biến thì sẽ có nguy cơ bị mai một. Tôi đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương và đứng ra mở 2 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, nhạc cụ dân tộc cho người dân trong thôn, bản với mong muốn truyền lại những loại hình văn hóa truyền thống cho thế hệ sau”.
Là một đảng viên với huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, từng tham gia công tác qua nhiều lĩnh vực: Trưởng phòng Văn hóa huyện, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Bí thư Đảng bộ xã… Nhưng dù ở cương vị nào già làng Nguyễn Hoài Nam cũng luôn trăn trở về đời sống đồng bào mình. Không những phát huy, tuyên truyền về văn hóa dân tộc, ông còn là người tiên phong trong những phong trào về giữ gìn và bảo vệ an ninh – trật tự tại địa phương. Năm 2020, ông vinh dự nhận bằng khen của Bộ Công an với thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Dừng tay cho heo ăn, ông Hồ A Duân, NCUT xã Hồng Bắc, huyện A Lưới vui vẻ trò chuyện: “Bản thân tôi và gia đình không ngừng lao động, tìm hiểu những cách làm mới, những mô hình kinh tế hay của những hộ gia đình làm kinh tế giỏi thông qua các chuyến tham quan hay báo đài, từ đó, học tập và áp dụng vào mô hình kinh tế gia đình. Tôi luôn tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thôn với mong muốn người dân vươn lên thoát nghèo, tham gia làm kinh tế góp phần ổn định cuộc sống”.
Cụ thể, trong năm 2021, ông Duân đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi heo bản với tổng đàn là 20 con. Trong năm 2023, ông đã bán 10 con với tổng trị giá hơn 30 triệu đồng. Mục tiêu của gia đình hiện nay là tiếp tục xây dựng chuồng trại, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi để cho giá trị kinh tế cao hơn.
Chăm lo đời sống cho NCUT
Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng cho biết: “Hiện nay toàn tỉnh có 128 NCUT. Trong đó, huyện A Lưới có 81 NCUT; huyện Nam Đông có 35 NCUT; thị xã Hương Trà 6 NCUT; huyện Phú Lộc 3 NCUT và huyện Phong Điền có 3 NCUT”.
Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, phát huy giá trị của NCUT, già làng, trưởng bản, chính quyền đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ. Cụ thể: Chính sách đối với NCUT trong ĐBDTTS theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg. Hiện nay là tiểu dự án 01, dự án 10 biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của NCUT; Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động ĐBDTTS năm 2023.
“Để công tác triển khai, thực hiện chính sách cho NCUT đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã rà soát đưa ra khỏi danh sách NCUT đối với cá nhân đã mất, không còn đủ sức khỏe hoặc là không còn uy tín và bầu thay thế, bổ sung NCUT mới; căn cứ vào số lượng NCUT được phê duyệt, lập dự toán và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện chính sách cho NCUT đảm bảo đúng quy định. Hằng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan học tập kinh nghiệm; sinh hoạt cụm trao đổi kinh nghiệm, hội thi tìm hiểu chính sách pháp luật; xây dựng cẩm nang, bản tin dân tộc và miền núi; hợp đồng cấp phát báo Dân tộc và phát triển, báo Thừa Thiên Huế; tổ chức hội nghị tọa đàm, khen thưởng NCUT tiêu biểu xuất sắc; động viên tinh thần thông qua thăm hỏi vào dịp Tết Nguyên đán và khi NCUT ốm đau, người thân gặp thiên tai, hoạn nạn”, ông Trăng cho hay.