ClockThứ Năm, 05/11/2020 13:45

Phong Điền hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

TTH - Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững; trước mắt, tập trung quy hoạch, xây dựng Phong Điền trở thành đô thị loại IV.

Đô thị thị trấn Phong Điền ngày càng khang trang

Hình thành 20 khu đô thị, khu dân cư mới

Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền, ông Thái Ngọc Thảo thông tin, 5 năm qua, thị trấn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng thực hiện 127 dự án (DA) xây dựng hạ tầng thiết yếu và phát triển đô thị. Hạ tầng cơ bản hoàn thiện, khang trang kết hợp với việc sắp xếp, bố trí, xây dựng khu dân cư (KDC) hợp lý. Một số KDC, khu sản xuất đã và đang hình thành phải kể đến các KDC phía đông đường sắt, KDC phía bắc Tỉnh lộ 9, KDC phía tây thị trấn, KDC Xạ Biêu, KDC Trạch Thượng 2, KDC DD 6 và các khu sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản tập trung…

Hạ tầng đô thị góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị trấn nói tiêng và toàn huyện Phong Điền nói chung theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ, thương mại. Địa bàn thị trấn tuy không rộng lớn nhưng thu hút 24 đơn vị, doanh nghiệp khá lớn đến đầu tư, khai thác tiềm năng, hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động có nguồn thu nhập ổn định.

Khu công nghiệp Phong Điền hình thành không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa của thị trấn cũng như huyện Phong Điền. Các ngành nghề, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… có nhiều chuyển biến tích cực. Dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn ước đạt 70 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên dưới 1,9%...

Đánh giá của lãnh đạo huyện Phong Điền cho thấy, ngoài thị trấn trung tâm huyện, đến nay, diện mạo đô thị tại các địa phương từ vùng ven biển, đầm phá như vùng Ngũ Điền đến vùng gò đồi như Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân có những đổi thay rõ nét. Các địa phương đã tập trung xây dựng các khu đô thị, KDC thuộc diện giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1A, các KDC dọc đường tránh chợ An Lỗ, KDC dịch vụ Thượng An, KDC trung tâm xã Điền Lộc...

Đến nay, huyện Phong Điền đã hoàn thành quy hoạch chung đô thị mới Phong An, thị trấn Phong Điền và đô thị Điền Lộc. Trên địa bàn huyện đã hình thành 20 khu đô thị, KDC mới. Trong đó, thị trấn Phong Điền đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; xã Phong An đạt các tiêu chí đô thị loại V; đô thị Điền Lộc đang được xây dựng, phát triển theo hướng đô thị loại V. Các dịch vụ, thương mại tại các khu đô thị đang phát triển khá mạnh, như các cửa hàng xăng dầu 16, ngã tư Hòa Mỹ, ngã tư An Lỗ, ngã tư chợ Điền Lộc…

Xây dựng đô thị gắn với thúc đẩy kinh tế

Chủ tịch UBND xã Điền Lộc, ông Lê Văn Thắng nhấn mạnh, Điền Lộc định hướng phát triển đô thị cơ bản trên cơ sở khu vực trung tâm xã Điền Lộc đã hình thành. Từ phía tây nam đến phía nam sông Ô Lâu sẽ hình thành khu vực phát triển nông nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao, xen canh, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Hạ tầng du lịch được xây dựng hợp lý, đảm bảo kết nối du lịch dọc sông Ô Lâu, từ làng cổ Phước Tích đến phá Tam Giang. Từ đó, tạo điều kiện để du khách tiếp cận bằng đường thủy, đường bộ tham quan các làng nghề nổi tiếng của địa phương và các mô hình du lịch trong tương lai (du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, đầm phá...).

Phía bắc sông Ô Lâu đến hết vùng dân cư hiện hữu (giáp Quốc lộ 49B) sẽ phát triển các khu chức năng, hành chính, văn hóa, giáo dục, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao và các KDC. Vùng cát tiếp giáp KDC hiện hữu đến phía nam Tỉnh lộ 22 hình thành vùng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sạch, các khu vực nuôi trồng thủy hải sản, trồng rau trên cát, nông trại.

Phía bắc Tỉnh lộ 22 đến biển sẽ khai thác tối đa giá trị cảnh quan biển, phát triển kinh tế biển gắn với việc hình thành các khu dịch vụ du lịch, bãi tắm, vui chơi giải trí cộng đồng; khai thác dịch vụ cảng biển chuyên dụng Điền Lộc, theo hướng kinh doanh kho bãi phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, cung cấp các dịch vụ…

Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền, ông Thái Ngọc Thảo thông tin, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Phong Điền lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 14 chỉ tiêu, 3 chương trình trọng điểm, trong đó có chương trình phát triển đô thị. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, xây dựng thị trấn Phong Điền trở thành phường trung tâm, góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã.

Theo đó, thị trấn tập trung chỉnh trang các KDC hiện có theo hướng xanh-sạch-đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị, gắn với kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm năng, triển vọng đến đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao và phát triển thương mại dịch vụ, ngành nghề tiềm năng.

Theo UBND huyện Phong Điền, huyện điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phong Điền theo hướng mở rộng địa giới hành chính làm cơ sở, điều kiện hình thành phường nội thị-hạt nhân cho thị xã Phong Điền. Đồng thời xây dựng các đô thị Phong An, Phong Hiền, Phong Mỹ, Phong Hòa, Điền Lộc - Điền Hòa, Điền Hải - Phong Hải trở thành phường trong tương lai...

Lãnh đạo huyện cùng với các ban ngành tập trung kêu gọi, có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm năng, triển vọng đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời định hướng, thực hiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Tùy thuộc vào đặc thù, tiềm năng lợi thế của từng vùng miền, có các giải pháp đầu tư phát triển kinh tế-xã hội phù hợp. Trong đó, tập trung khai thác, phát triển nuôi tôm chân trắng trên cát theo hướng an toàn, bền vững; đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch; dịch vụ, du lịch, thương mại; nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch dịch vụ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, chuỗi giá trị...

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phong Điền phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân 15-17%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 12-13%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 75-80 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%; 50% phường đạt văn minh đô thị..

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

TIN MỚI

Return to top