ClockThứ Tư, 22/03/2023 05:59

Đi chợ cùng phụ nữ vùng cao

TTH - Buổi sáng, nhận điện thoại từ Chủ tịch Hội LHPN Nam Đông - Hoàng Thị Loan với lời rủ rê, lên Nam Đông chơi đi chị, xem chị em buôn bán từ chính nông sản mà họ làm ra. Đừng trả giá nhé, các chị đều là dân tộc Cơ Tu, chất phác lắm, không bán đắt mô... Loan cười giòn tan.

Phụ nữ A Lưới làm du lịchKhi phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ doanh nghiệp

leftcenterrightdel
Khách nước ngoài thích thú khi mua nông sản của phụ nữ Nam Đông 

Đầu tư vào nông sản sạch

Không biết bao lần đi chợ, siêu thị nhưng tôi cảm thấy an tâm khi dừng lại ở các gian hàng nông sản mà hội viên Hội Phụ nữ Nam Đông bày bán. Các chị mặc trang phục dân tộc, kể xuất xứ các mặt hàng, không trôi chảy nhưng tôi vẫn thấy thú vị. Mỗi xã đều có một loại nông sản trở thành đặc sản của vùng. Trên những chiếc rổ được làm bằng tre, hàng thì bày măng tươi đã bóc vỏ, hàng thì chuối, cam, bơ, mít chín... toàn là những loại nông sản được các chị trồng trong vườn theo phương pháp an toàn.

Gian hàng của các chị ở Thượng Lộ là nơi bày bán rau rừng, nếp than, sắn và cả bắp nữa. Toàn xã có 335 hội viên phụ nữ thì có hơn phân nửa chị em người dân tộc làm ăn hiệu quả. Các chị trở thành “chủ tay hòm chìa khóa” khi biết tính toán trong đầu tư và quản lý cách chi tiêu hiệu quả. Chị Trần Thị Muông, ở thôn Dỗi, chỉ tay vào những sản phẩm mà mình làm ra rồi tự hào kể, hàng hóa của tôi là thực phẩm sạch, tôi trồng trước hết phục vụ cho gia đình, sau đó mới đem bán. Đặc biệt lúc nào tôi cũng có những loại rau, quả mọc ở suối, nương rẫy, rừng, như: dâu da, tắt, quýt, măng, rau rớn, xà lách xoong…

Chị Muông bảo nghe đơn giản thế thôi, chứ mất mấy năm lọ mọ với kiến thức trồng rau sạch theo khoa học mới có nhiều khách hàng tìm đến. Chị được hướng dẫn vay vốn ban đầu 30 triệu đồng để nuôi heo, trồng rau sạch... mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu từ nông sản sạch. Nhưng chị Muông bảo, mạnh dạn đầu tư sản xuất vì đầu ra ổn định. Bởi ngay trong xã này có hợp tác xã du lịch cộng đồng chuyên thu gom các sản phẩm của bà con. Cơ hội phát triển từ các mặt hàng nông sản vùng cao trong những năm gần đây đã giúp các chị  có thêm động lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khách bắt đầu đến các gian hàng để tham quan, mua hàng mỗi lúc, mỗi đông. Khách nội địa có, khách du lịch cũng nhiều. Chị Trần Thị Hà, ở thị trấn Nam Đông chia sẻ: sống cùng trên địa bàn nên chúng tôi rất rõ sản phẩm của đa số người Cơ Tu làm ra rất đảm bảo. Tôi thường mua hàng của họ vì giá phải chăng mà sử dụng cũng yên tâm. Như hôm nay, thấy có người bán cam nhà, măng tươi là tôi liền mua ngay, một phần để ăn, một phần để gửi biếu người bà con ở thành phố”.

Tôi dừng lâu hơn ở gian hàng của Hội LHPN Hương Sơn khi có rất nhiều chuối và dứa được bày bán. Chị Trần Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn lý giải, ở đây các chị thành lập tổ liên kết “Trồng và tiêu thụ chuối thanh tiên và dứa an toàn” và nỗ lực kết nối, đưa sản phẩm của hội viên vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp chị em nâng cao thu nhập. “Sau các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, phụ nữ dân tộc đã thay đổi rõ rệt về nhận thức. Chúng tôi mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, thu nhập đã dần ổn định và đời sống chị em từng bước vươn lên”, chị Thắm cho biết thêm.

Không còn tự ti

Hạn chế của phụ nữ dân tộc thiểu số là thường e dè, tự ti. Không nói mô xa, ngay  nhân vật Trần Thị Muông mà tôi gặp, trước khi có của ăn, của để, chị không hề mạnh dạn, tin vào bản thân mình sẽ làm được kinh tế. Nhưng sau khi Nam Đông hình thành được 1 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất dịch vụ, tạo việc làm cho hàng trăm hội viên chị em, Muông tự tin hẳn. Cũng từ đó, chị em được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây nông nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi… Lĩnh vực chủ yếu được phụ nữ lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm đặc sản địa phương. Đây cũng đang là hướng đi bền vững mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông Hoàng Thị Loan báo tin vui, các cấp hội phụ nữ trong huyện mạnh dạn thành lập các tổ liên kết, ký các hợp đồng tiêu thụ nông sản, đặc sản Nam Đông cho hội viên. Đồng thời, nhận ủy thác vốn từ các ngân hàng với tổng số dư nợ trên  99 tỷ đồng cho hơn 2.000 hộ vay để phát triển kinh tế. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội phụ nữ huyện Nam Đông đã hỗ trợ, giúp đỡ gần 150 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, hơn 30 chị thoát nghèo theo chuẩn đa chiều.

Điều mà chị Loan cảm thấy tâm đắc là hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã giúp phụ nữ chủ động làm ăn theo hướng tập thể/nhóm/tổ và chuỗi liên kết từ khâu sản xuất cho đến đầu ra của sản phẩm hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện thu mua các loại nông sản truyền thống, nông sản an toàn của người dân trên địa bàn, tránh bị ép giá và cũng là cách khuyến khích người dân yên tâm sản xuất, trao đổi hàng hóa.

Định bụng sẽ mua một ít nông sản về Huế ăn dần. Nhưng cả buổi chiều rù rì cùng các chị, tôi không tài nào mua được sản phẩm, ngoại trừ 20 quả trứng gà của cô cháu gái ở xã Hương Sơn đem tặng. Bởi, biết có hội chợ trưng bày nông sản, người dân khắp nơi đã đến đặt mua từ chiều hôm trước. Có một chút tiếc thoáng qua trong đầu, song cũng mừng cho các chị vì đã mua may, bán đắt khi sản phẩm mà mình làm ra được người dân nhiệt tình đón nhận.

Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

Những phiên chợ vùng cao tại Thừa Thiên Huế đang dần khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, đồng thời phát triển du lịch và tạo động lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

TIN MỚI

Return to top