ClockThứ Hai, 10/05/2021 15:03

Điểm tựa của phụ nữ khuyết tật

TTH - Biến tự ti thành tự tin, truyền động lực để cùng nhau cố gắng, Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khuyết tật tỉnh đã trở thành điểm tựa, giúp phụ nữ khuyết tật nâng cao hiểu biết, phát triển kinh tế, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Hơn 40 phụ nữ khuyết tật tham gia hội thi nấu ăn - cắm hoa - văn nghệTìm giải pháp để phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Phụ nữ khuyết tật thể hiện tài năng qua hội thi cắm hoa

Đã hơn 1 năm nay, trên môi chị Nguyễn Thị Lan (Phú Lương, Phú Vang) lúc nào cũng nở nụ cười. Ít ai biết rằng chị đã từng rất tự ti, mặc cảm bởi thương tật do tai nạn khi còn nhỏ. Chị chia sẻ: "Khuyết tật vận động khiến tôi khó khăn trong việc đi lại. Bởi thế tôi chỉ ở trong nhà, ít giao tiếp với mọi người”.

Khi tham gia CLB Phụ nữ khuyết tật và sinh hoạt chung với những chị em đồng cảnh ngộ, cuộc đời của chị Lan rẽ sang một hướng mới. Trong hội thi văn nghệ và cắm hoa do CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh tổ chức, chị là một trong những thí sinh năng nổ của đoàn phụ nữ khuyết tật Phú Vang. Xăng xái thái rau, xào nấm, mạnh dạn thuyết trình những món ăn, chẳng thể ngờ rằng người phụ nữ rất tự tin ấy đã từng thu mình lại, lặng lẽ “ôm” mặc cảm khuyết tật.

Hơn 2 năm đi vào hoạt động, chẳng riêng chị Lan, CLB Phụ nữ khuyết tật đã trở thành điểm tựa của nhiều phụ nữ không may mắn. Được gặp gỡ, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, nơi đây trở thành địa chỉ giúp các chị nâng cao nhận thức về quyền lợi của bản thân, đồng thời trao “cần câu” để các chị vươn lên.

Chị Trương Thị Ngọc Anh, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh cho biết, thành viên CLB thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về chính sách, pháp luật liên quan đến người khuyết tật, công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. “Chúng tôi còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng, tổ chức cho các chị tham gia lớp học Tre & Thiền để giải tỏa căng thẳng, bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, CLB đã kết nối, hỗ trợ các chị làm chân giả, sử dụng nẹp chỉnh hình”, chị Ngọc Anh nói.

CLB đã linh động giới thiệu các đơn hàng may với hình thức nhận may tại nhà giúp hội viên tăng thu nhập. Việc tận dụng nguồn vải tái chế và baner tạo ra sản phẩm túi xách, ba lô, thảm chùi chân… thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên được khách hàng đánh giá cao. Dù đơn hàng chưa ổn định, song hoạt động của CLB đã tạo tâm thế lao động hăng say trong toàn thể hội viên, góp phần chuyển biến trong nhận thức và hành động của chị em phụ nữ khuyết tật.

Bởi thế, kênh vay vốn của CLB (do Trung tâm Hành động vì Sự phát triển cộng đồng hỗ trợ) để tạo sinh kế cho các chị không lúc nào “ế”. Bằng nguồn vốn vay quay vòng 75 triệu đồng với lãi suất thấp, mỗi phụ nữ khuyết tật được vay 5 triệu đồng/năm và sử dụng nguồn vốn này để phát triển kinh tế.

Đại diện CLB thông tin: “Đến nay kênh đã hỗ trợ cho 24 lượt chị em vay. Tận dụng nguồn vốn này, có chị mua thêm con giống, phát triển chăn nuôi gà, vịt. Có chị lại đa dạng thêm sản phẩm tạp hóa hoặc mua mới máy may, tăng thu nhập trên nghề nghiệp mà mình chọn lựa”.

Sau hơn 2 năm thành lập, CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh từ 17 thành viên nay đã phát triển lên hơn 40 thành viên. Nhiều người từ rụt rè, tự ti trở thành những hội viên năng nổ, nhiệt tình, vận động chị em cùng cảnh ngộ tham gia CLB. Đùm bọc và sẻ chia yêu thương, các chị còn động viên nhau may 300 chiếc khẩu trang để hỗ trợ cho 2 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Thủy Biều và Nước Ngọt, góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19.

Trở thành mái nhà chung cho phụ nữ khuyết tật, kết nối, giúp đỡ những mảnh đời khiếm khuyết vươn lên trong cuộc sống, CLB Phụ nữ khuyết tật đã trở thành cầu nối, tạo điều kiện để các chị có cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển kinh tế, trở thành người có ích cho xã hội. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục vận động, triển khai những lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ nữ khuyết tật tại các xã, phường. Mở rộng và gắn hoạt động may tái chế kết hợp với du lịch trải nghiệm, từ đó giúp hội viên phát triển kinh tế ổn định.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội...

Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Gói ghém yêu thương

Hàng ngàn chiếc áo dài, những bộ áo quần còn mới, sạch đẹp đã được trao tặng miễn phí đến các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những yêu thương mà hội viên phụ nữ các cơ sở hội đã gom góp...

Gói ghém yêu thương
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Ngày 13/11, tại Nhà thi đấu huyện Phong Điền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên toàn tỉnh với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

TIN MỚI

  • Tìm hiểu Smoovy cho phụ nữ
Return to top