Mang đến nhiều niềm vui
Điểm nhấn của hoạt động năm nay là Ngày hội “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua tại xã Hồng Vân (A Lưới). Với một chuỗi các hoạt động như: tặng “Mái ấm tình thương”, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí..., ngày hội đã tiếp sức cho đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ 3 xã biên giới huyện A Lưới vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Nhận quà tại ngày hội
Vui nhất là chị Hồ Thị Huế ở thôn Kê, xã Hồng Vân và chị Hồ Thị Nôn ở thôn Pất Đuh, xã Hồng Quảng. Mỗi chị được chương trình hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng “Mái ấm tình thương”. Chị Hồ Thị Huế không may rơi vào hoàn cảnh éo le, chồng đau ốm phải thuốc thang triền miên. Một mình chị vừa lo toan việc nhà vừa bươn chải phát nương, trồng rẫy thuê nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được. Từ lâu, gia đình chị vẫn tá túc trong ngôi nhà dột, cột xiêu. "Được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi sẽ vay mượn thêm và nhờ giúp đỡ ngày công của bà con lối xóm để xây dựng ngôi nhà kiên cố trước mùa mưa bão năm nay. Được an cư, tôi sẽ chăm chỉ làm việc hơn nữa để vươn lên thoát nghèo", chị Huế tự tin. Đó cũng là quyết tâm của chị Hồ Thị Nôn khi được Hội LHPN các cấp đồng hành hỗ trợ.
Là một trong 70 cán bộ, hội viên khó khăn được tặng quà tại ngày hội, chị Hồ Thị Nghinh ở xã Hương Nguyên thành thật: “Vừa mới xây xong ngôi nhà mới, vợ chồng tôi không còn tiền để mua sắm thêm đồ dùng. Hôm nay được Hội LHPN tỉnh tặng quạt mát và chăn ấm, tôi mừng lắm”.
Không thuộc đối tượng được tặng nhà, nhận quà, nhưng hàng trăm người dân xã Hồng Vân cũng vượt đường rừng đến trụ sở xã rất sớm để được khám bệnh. Sau khi được bác sĩ khám và cấp thuốc miễn phí, bà Hồ Thị Xu, thôn Ka Cú 2 yên tâm ra ghế ngồi đợi con đến đón về. Bà bảo: “Tôi thường xuyên bị đau bụng không rõ nguyên nhân nên lo lắm. Giờ thì biết bệnh rồi, bác sĩ kết luận tôi bị đau dạ dày, đã hướng dẫn cách ăn uống hợp lý và cho thuốc để uống”.
Bác sĩ Đặng Hồng Minh, quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Ban đầu dự định chỉ khám và phát thuốc miễn phí cho gần 100 người dân, nhưng thực tế đã có gần 200 người dân đến khám. Chúng tôi đã chuẩn bị thêm thuốc nhưng vẫn không đủ. Mặc dù không được phát thuốc nhưng toàn bộ người dân có mặt đều được chúng tôi khám và chấn đoán bệnh miễn phí”.
Ông Lê Văn Rốc, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hồng Vân cho biết: “Hiện tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trên địa bàn xã là 43%, cao nhất trên địa bàn huyện. Được Hội LHPN tỉnh đồng hành hỗ trợ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ xã nhà, chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã chỉ đạo Hội LHPN xã tích cực vận động hội viên, phụ nữ biết tranh thủ sự đồng hành giúp đỡ này để vươn lên trong mọi mặt của cuộc sống, góp phần cùng chính quyền giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững”.
Ngoài hoạt động điểm nhấn trên, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân các xã biên giới huyện A Lưới; phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về biên giới, biển đảo; pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống tệ nạn buôn bán người cho cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 12 xã biên giới.
Tiếp nối
Để có những hoạt động ý nghĩa đó, ngay từ đầu năm, công tác vận động cán bộ, hội viên ủng hộ, đồng hành cùng phụ nữ biên cương được Hội LHPN tỉnh đưa vào chỉ tiêu thi đua năm. Qua đó, đã tạo được hiệu ứng sâu rộng trong toàn cán bộ, hội viên trên địa bàn toàn tỉnh. Hội LHPN tỉnh cũng đăng tải trailer vận động nhắn tin, ủng hộ chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương trên trang website của Tỉnh hội, trang mạng xã hội facebook… để tạo sự lan tỏa rộng rãi đến toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân. Hiện Hội LHPN tỉnh đang kết nối và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh để tạo nguồn lực cho chương trình.
Bà Ngô Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin, để chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được liên tục và tiếp nối bền vững, không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, Hội LHPN tỉnh có kế hoạch triển khai cụ thể và thiết thực, xây dựng kế hoạch thực hiện theo phân kỳ hàng năm. Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận, chú trọng công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm qua từng hoạt động. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, hội còn tổ chức tuyên truyền bổ sung kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ các xã biên cương phương pháp hoạch định kinh tế chi tiêu trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc... Mục tiêu là đến năm 2020, khi chương trình kết thúc, toàn bộ cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 3 xã được giúp đỡ phải có sự thay đổi tích cực về mọi mặt.
Bài, ảnh: Hải Thuận