|
Duy chăm sóc đàn heo hữu cơ |
Nghị lực, hăng say lao động và năng nổ cống hiến sức trẻ trong các phong trào tại địa phương, chàng trai người dân tộc Tà Ôi vừa vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2024.
Cuộc hẹn của chúng tôi lùi lại đến tận trưa, cho đến lúc Hồ Viết Ái Duy kết thúc buổi học của lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Gương mặt và ánh mắt Duy toát lên nhiệt huyết của một người trẻ mang nhiều ước mơ. Duy kể, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, anh lựa chọn vào Nam lập nghiệp. Tìm một công việc ổn định tại các thành phố lớn là ước mơ của rất nhiều người trẻ sau khi ra trường, thế nhưng chàng trai người Tà Ôi luôn nhớ núi, nhớ rừng, nhớ thôn bản và những ngôi nhà sàn thân thuộc. “Suy nghĩ nhiều, cuối cùng mình cũng hiểu, dù là phố hay quê, chỉ cần có đam mê, hoài bão, chăm chỉ, chịu khó làm ăn, chịu khó vun trồng ắt sẽ có quả ngọt để hái. Vậy là về quê” - Duy bộc bạch.
Lựa chọn mô hình chăn nuôi hữu cơ không phải là con đường dễ dàng, nhưng sau hành trình 4 năm miệt mài lao động, những thành quả bước đầu đã giúp Duy thêm kiên định với con đường mình đã chọn. Trong khu chuồng trại rộng gần 300m2 là đàn heo 60 con vừa được cho ăn no đang lim dim ngủ. Duy cho biết, những khi đông đàn nhất, có thể lên đến 100 con. Để chủ động trong việc phát triển đàn, anh luôn duy trì 8 heo nái; heo thịt phải đạt 80 ký trở lên mới cho xuất chuồng, mỗi lứa xuất chuồng tầm 5-7 con có khi 10 con. Doanh thu mỗi năm từ trang trại heo hữu cơ tầm 500 – 800 triệu đồng.
“Ban đầu, tôi mình dự định xây dựng trang trại nuôi heo bản, nhưng đúng dịp huyện A Lưới ký kết hợp tác liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, vậy là mình đăng ký tham gia”, Duy kể.
Nuôi heo theo hướng hữu cơ được Tập đoàn Quế Lâm thu mua với giá ổn định là 65 nghìn đồng/kg. Bởi chăn nuôi hữu cơ đòi hỏi rất khắt khe, chuồng trại phải đủ rộng rãi, thông thoáng, nguồn nước sử dụng phải tự nhiên và sạch, thức ăn là rau, củ, quả, tinh bột cũng phải được sản xuất hữu cơ. Khác với cách nuôi thông thường chỉ tầm 4 tháng là xuất chuồng, nuôi heo hữu cơ rất dài ngày, tăng trọng thấp, tiêu tốn nhiều thức ăn và công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng lớn, một lứa heo thường kéo dài đến 8 tháng mới xuất chuồng.
Để chăm sóc tốt đàn heo, ngoài tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi hữu cơ, Duy còn tự mày mò học hỏi thêm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chăn nuôi hữu cơ nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc kháng sinh, Duy thường áp dụng các phương pháp dân gian như sử dụng các loại lá cây để phòng trừ dịch bệnh, giúp heo phát triển tốt.
Với lợi thế đất đai rộng, Duy tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi để trồng chuối, mít, vú sữa, rau khoai, rau môn. Thân chuối sau khi thu hoạch còn là nguồn thức ăn xanh cho đàn heo trong chuồng. Những ruộng khoai lang, rau môn nhà trồng khi đáp ứng không kịp sức ăn của đàn heo, Duy sẽ lên núi gùi thêm thức ăn cho chúng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Duy còn tích cực trong các phong trào Đoàn tại địa phương. Anh là Bí thư Chi đoàn thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm, là cụm trưởng cụm dân cư tổ 3. Với những vai trò, cương vị này, Duy đã phối hợp cùng địa phương, Đồn Biên phòng Nhâm tổ chức nhiều chương trình hoạt động hè, tết ấm biên cương, trung thu biên cương cho trẻ em…
Duy nói: "Thật vui và hạnh phúc khi mình sắp được đứng vào hàng ngũ của Đảng". Anh nguyện thực hiện tốt hơn nữa vai trò của một người trẻ, chung tay xây dựng mảnh đất biên giới quê hương ngày càng sung túc, giàu đẹp.