Thành lập CLB Sức khỏe sinh sản để tuyên truyền kiến thức cho nữ công nhân lao động tại các doanh nghiệp
Còn thiếu chiều sâu
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49.114 nữ công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ), chiếm tỷ lệ 58,5% trên tổng số CNVCLĐ, trong đó có 45.448 nữ đoàn viên, chiếm tỷ lệ 59,3% tổng số đoàn viên.
Trong tổng số 904 công đoàn cơ sở đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng, đã có 890 đơn vị thành lập, chiếm tỷ lệ 98%. Hoạt động ban nữ công quần chúng các cấp đã và đang góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên.
Tiêu biểu, Ban Nữ công CĐCS Công ty TNHH Hanesbrands (HBI), với mô hình Phòng vắt trữ sữa cho nữ CNLĐ có con nhỏ; mô hình “Tổ con mọn” của CĐCS Công ty CP phát triển Thủy sản…Một số Ban nữ công quần chúng CĐ cấp trên cơ sở, điển hình là Ban Nữ công quần chúng LĐLĐ thành phố Huế, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã bảo vệ quyền lợi cho lao động sau khi sinh con bị sa thải trái pháp luật.
Tuy nhiên, nhìn chung, hoạt động ban nữ công quần chúng hiện tại chưa theo kịp và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nữ công nhân viên chức lao động. Sự chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện ở cơ sở, nhất là ở doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ còn hạn chế. Hầu hết sinh hoạt nữ công đều lồng ghép nên chưa thực sự nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân. Vai trò của các ban nữ công quần chúng về tư vấn pháp luật cho lao động nữ, đề xuất giải quyết chế độ thai sản, hưu trí kịp thời cho lao động nữ, hoặc việc chuyển đổi vị trí làm việc khi lao động nữ mang thai tháng thứ 7 chưa hiệu quả. “Còn ít đơn vị có hoạt động chiều sâu, như tham gia trong việc nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng các nội dung có lợi hơn cho nữ công nhân so với pháp luật. Vì vậy chưa tạo được niềm tin của nữ công nhân lao động với ban nữ công quần chúng”, bà Trần Thị Minh Nguyệt cho biết.
Hướng vào trọng tâm
Cuối tháng 10 vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của các ban nữ công quần chúng. Trong đó, hoạt động của ban nữ công phải trọng tâm trọng điểm, hình thức sinh hoạt phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nữ CNLĐ và phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp là giải pháp được nhiều đơn vị hướng đến.
Chị Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh cho biết, trên địa bàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh có 15.909 nữ CNLĐ/24.347 CNLĐ, chiếm tỷ lệ 65,3%, trong đó có 14.425 nữ đoàn viên/21.066 đoàn viên công đoàn, chiếm tỷ lệ 68,5% tổng số đoàn viên.
Đa số tuổi đời của nữ CNLĐ khá trẻ, từ 18 đến 35 tuổi. Đồng hành cùng nữ công nhân lao động, Ban Nữ công quần chúng Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tổ chức sinh hoạt theo chủ đề cụ thể như tiền lương, tiền thưởng, chế độ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, bình đẳng giới. “Hiện có 3 nữ đoàn viên thuộc CĐCS Công ty Sơn Hà Huế đang được giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng để Chi bộ Công ty Sơn Hà Huế xem xét kết nạp”, chị Nam thông tin.
Theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty HBI, hiện công ty có 7.282 người lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 87%. Để đồng hành cùng nữ công nhân lao động, Ban nữ công quần chúng Công ty HBI luôn bám sát nhu cầu thực tại của nữ công nhân. Chẳng hạn, vào thời gian này, ban nữ công quần chúng của công đoàn công ty tập trung tuyên truyền, vận động nữ công nhân viên tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, có ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ gia đình trước dịch COVID-19. Đồng thời, chia sẻ kỹ năng cần thiết để dung hòa cuộc sống trong bối cảnh hiện tại, giúp nữ lao động biết cân bằng cảm xúc, vượt qua áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống, nhất là những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nắm rõ những trường hợp nữ lao động nằm trong diện được ưu tiên hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 để kịp thời đề xuất.
Trong khi đó, Ban nữ công quần chúng LĐLĐ huyện Phong Điền lại tập trung vận động nguồn lực giúp đỡ đối tượng là nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tiếp cận vốn vay ưu đãi từ nguồn quỹ trợ vốn, hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”…
Bà Trần Thị Minh Nguyệt thông tin, hoạt động ban nữ công quần chúng tốt sẽ góp phần tham mưu có hiệu quả cho các cấp công đoàn về công tác vận động lao động nữ. Để phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động ban nữ công quần chúng các cấp hoạt động hiệu quả, công đoàn các cấp cần kiện toàn đội ngũ cán bộ nữ công quần chúng đủ về số lượng và chất lượng, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, duy trì, phát triển các mô hình hỗ trợ lao động nữ hiệu quả.
Về phía LĐLĐ tỉnh, sẽ tập huấn cho đội ngũ cán bộ nữ công cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở kỹ năng tổ chức hoạt động quần chúng, kỹ năng đại diện cho lao động nữ, nhất là tại các doanh nghiệp. Qua đó, giúp các ban nữ công quần chúng có kỹ năng thương lượng với người sử dụng lao động, thỏa thuận được các điều có lợi hơn cho lao động nữ. “Khi ban nữ công quần chúng giúp nữ đoàn viên, công nhân lao động tháo gỡ được những vấn đề họ đang gặp phải sẽ tạo được niềm tin, thu hút họ tham gia sinh hoạt”, bà Trần Thị Minh Nguyệt khẳng định.
Bài, ảnh: TUẤN KHOA