ClockThứ Bảy, 11/06/2022 13:15

Hiệu quả mô hình tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản

TTH - Mô hình tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản theo hình thức cổ phần tài chính được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai tại huyện Nam Đông và A Lưới đã phát huy hiệu quả tích cực, trong nâng cao quyền tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế của người phụ nữ.

Hơn 70 học sinh mồ côi được nhận đỡ đầuGóp sức làm sạch môi trường

Phụ nữ miền núi phát triển kinh tế gia đình

Vận hành đơn giản

Mô hình nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” được Hội LHPN tỉnh triển khai tại 4 xã thuộc huyện A Lưới và Nam Đông vào năm 2021. Mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), nâng cao quyền tự chủ kinh tế của phụ nữ nông thôn thông qua thúc đẩy các nhóm tiết kiệm cho vay tại thôn, bản. Đây cũng là kênh huy động nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong dân cư, trở thành nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển xã hội, hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng, cơ hội tiếp cận tài chính.

Tại xã Quảng Nhâm (A Lưới), dự án đã thành lập được 7 nhóm cổ phần tài chính, có trên 110 thành viên tham gia đóng góp cổ phần với số tiền trên 200 triệu đồng, cho hội viên vay với lãi suất 1%/tháng. Mức đóng bình quân từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/chị. Mỗi nhóm tổ chức sinh hoạt hàng tháng, cùng thống nhất quy chế hoạt động và bầu các vị trí trưởng nhóm, người giữ tiền, người giữ chìa khóa... Việc vay vốn cũng được cụ thể cho các mục đích khác nhau, như vay kinh doanh, vay tiêu dùng, vay khẩn cấp...

Chị Trần Thị Thắm, Chủ tịch LHPN xã Hương Sơn (Nam Đông) cho hay, toàn xã có 5 nhóm, mỗi nhóm từ 15 đến 17 người, tổng cộng trên 80 người. Có nhóm đóng từ 20.000 - 100.000 đồng/chị. Có chị mượn mua giống, chăn nuôi sản xuất từ 3-7 triệu đồng. Hàng tháng, các nhóm tổ chức họp để huy động cổ phần, thu lãi và bình xét cho vay. Ngoài việc tiết kiệm và cho vay, các nhóm còn thành lập quỹ tương trợ, giúp đỡ, thăm hỏi nhau trong những lúc khó khăn.

Điểm nổi bật của mô hình là việc vận hành rất đơn giản, không phải tính toán nhiều nên thuận lợi cho phụ nữ DTTS, nhiều người dù không biết chữ vẫn có thể tham gia. Từ đó, giúp chị em từng bước hình thành thói quen tiết kiệm, góp phần không nhỏ đối với việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thực hiện công tác an sinh xã hội.

Liên kết để phát triển

Thực tế cho thấy, với mô hình này, các chị bước đầu hình thành được thói quen tiết kiệm. Các khoản vay giúp các hộ gia đình đầu tư vào sinh kế, giáo dục và y tế... đặc biệt là tăng kỹ năng quản lý tài chính và sự tự tin của phụ nữ DTTS, củng cố tinh thần đoàn kết, cải thiện an sinh xã hội và bình đẳng giới trong cộng đồng. Thông qua các tổ, nhóm, phụ nữ gắn kết với nhau, chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm để cùng nâng cao kiến thức, kỹ năng. Với việc vay không thông qua các hình thức tín chấp, thủ tục ngân hàng đã góp phần giảm tình trạng vay tín dụng đen tại các khu vực nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Phôn ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) cho biết: Khi dự án bắt đầu triển khai, tôi chưa hào hứng vì ngại tham gia sinh hoạt và đóng tiền hàng tháng gây mất nhiều thời gian, bất tiện. Tôi nghĩ rằng, số tiền cho vay không lớn sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với hội viên có hoàn cảnh khó khăn thì số tiền 7-10 triệu đồng bước đầu đã hỗ trợ cho chị em trong việc sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hàng tháng góp xong tiền, chị em mượn để mua giống, thức ăn chăn nuôi.

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, đây là một mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, phụ nữ có thu nhập thấp được tiếp cận với các nguồn tài chính, kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính. Mô hình cũng đã tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên. Ở đó, mỗi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Không chỉ tạo cơ hội để chị em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mô hình còn tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu của các thành viên. Đây là một trong những cách làm hay để hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tăng cường vị thế, vai trò của phụ nữ trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

TIN MỚI

Return to top