ClockThứ Năm, 12/11/2020 06:45

Lạc quan vượt qua gian khó

TTH - “Khi hội viên quyết tâm cộng với các cấp hội đồng hành, những khó khăn do bão lũ gây ra nhất định sẽ được đẩy lùi, nhường chỗ cho sự hồi sinh, phát triển...”, chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh khẳng định.

Tạo điều kiện để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho đất nướcThêm động lực và niềm tin

Mô hình liên kết sản xuất nấm của Hội LHPN Phú Vang

Còn người, còn của

Khu vườn của chị Phan Thị Hiền ở thôn Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà có hàng trăm gốc chuối, đu đủ gãy gục nằm ngổn ngang sau đợt bão lũ vừa qua. Ngôi nhà kiên cố, khang trang của gia đình chị, dấu nước ngập tầm ngang cổ người còn hằn rõ trên các bức tường.

“Ti vi, tủ lạnh, máy giặt... bị ngâm nước nên đang đưa đi sửa”, chị Hiền giải thích về sự trống trải trong ngôi nhà của mình.

Gia đình chị Hiền vốn là hộ khá giả. Ngoài diện tích của gia đình, chị còn thuê đất trồng gần 3 mẫu gồm chuối, đu đủ và hoa màu gồm sắn, lạc. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng chị còn dư dả để nuôi con ăn học và sắm sửa tiện nghi trong nhà. Năm nay, chị mới vay 50 triệu đồng qua kênh phụ nữ để đầu tư trồng thêm thanh trà. Vườn cây đang phát triển tốt bỗng bão, rồi lũ ập đến, toàn bộ cây bị ngã, đổ chết hết. Diện tích sắn được bộ đội, công an giúp thu hoạch vượt lũ, nhưng do không có ai thu mua nên sắn cũng hư thối hết. Không những thế, hàng tấn lúa, lạc cũng bị hư hại do nhà bị ngập nước.

Xót của, song đôi mắt chị Hiền vẫn ánh lên niềm lạc quan. Chị nói: “Xem như trắng tay, song so với nhiều nơi khác, tôi thấy mình còn may mắn, còn người còn của, vợ chồng tôi sẽ làm lại từ đầu”.

Hiện tại, vợ chồng chị đang đi thu hoạch keo, tràm thuê để có thu nhập trước mắt. Khi nước rút hẳn, chị sẽ thuê máy móc cải tạo lại toàn bộ diện tích đất để trồng các giống cây ăn quả. “Sau lũ, đất được bồi phù sa, cây trồng rất dễ cho năng suất”, chị Hiền tin tưởng.

Hôm chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Thỉu ở thôn Trừng Hà, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang đang trộn thức ăn cho đàn gà vịt khoảng 30 - 40 con sau vườn. Thu nhập chính của vợ chồng chị là từ nuôi tôm, cua, cá, nhưng lũ lụt tràn về, một số tôm cá sốc nước ngọt bị chết, số chạy theo nước tràn đi mất nên xem như mất trắng. Để đầu tư hồ và con giống, trước đó vợ chồng chị phải vay mượn khắp nơi. Thu nhập chính không còn, chị Thỉu nhanh chóng chuyển qua chăm sóc gia súc, gia cầm. Ngoài được cứu trợ nhu yếu phẩm, chị Thỉu được hỗ trợ thêm gần 2 triệu đồng tiền mặt. “Tôi dành tiền mua thêm con giống để nuôi. Thiên tai khiến người dân ai cũng khó khăn. Tôi chỉ mất hồ tôm, còn nhà cửa không bị ngập lụt. So với những gia đình có nhà chìm sâu trong nước, họ còn khổ hơn mình. Nghĩ vậy, tôi có thêm động lực làm lại từ đầu. Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, tôi tin sẽ vượt qua”, chị Thỉu tâm sự.

Không bỏ cuộc trước thiệt hại do thiên tai, thành viên các tổ liên kết sản xuất nấm của Hội LHPN huyện Phú Vang đã tự giúp nhau vượt qua. Các chị cho nhau mượn tiền, giúp nhau ngày công để làm lại các vòm nấm bị hư hại do bão lũ. Hiện nay, những vòm nấm đã được làm mới và đang bắt đầu cấy giống.

Đồng hành

“Tỉnh hội vừa được Tổ chức trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ 50 ngàn USD để thực hiện gói hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ phát triển bền vững sau bão lũ”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hồng Thanh phấn khởi trao đổi với chúng tôi khi đề cập đến công tác đồng hành cùng hội viên khắc phục sau bão lũ.

Theo chị Thanh, gói hỗ trợ bao gồm ba nội dung chính: hỗ trợ sinh kế, cụ thể đó là con giống, cây giống, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho những phụ nữ đang độ tuổi lao động, có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn sinh kế được hỗ trợ. Tiếp đó là giúp hội viên phụ nữ nghèo, yếu thế sửa chữa hoặc xây mới nhà cửa hư hỏng do bão lũ và tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó trước thiên tai. Hiện Hội đang triển khai khảo sát và làm điểm trên địa bàn huyện Phú Lộc. Gói hỗ trợ này dự định sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng.

Ngoài ra, Tỉnh hội đang xét hồ sơ để giải ngân hơn 1 tỷ vốn vay cho phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội linh hoạt, sáng tạo để đồng hành cùng hội viên trong tái tạo sản xuất, phát triển kinh tế.

Hội LHPN các cấp trên toàn tỉnh cũng đang tích cực đồng hành cùng hội viên. Tiêu biểu, Hội LHPN huyện Phú Vang đang đôn đốc 25 hội viên nằm trong danh sách được tặng heo giống; sửa chữa, vệ sinh chuồng trại để nhận heo về nuôi. Mỗi hộ sẽ được tặng 2 con heo giống, khi heo sinh sản, sẽ giao lại cho hội một con để tặng lại cho các hội viên khác. Bên cạnh đó, hội tiếp tục kết nối, vận động cây giống, con giống cũng như tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên…

Chị Lê Thị Hồng Thanh vẫn khẳng định, cùng với sự đồng hành của các cấp hội, điều quan trọng nhất là tinh thần tự lực, quyết tâm vượt khó của các hội viên mới mang lại hiệu quả bền vững.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Sức già vượt khó

Bằng tinh thần vươn lên, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và được vay vốn chính sách để sản xuất, vợ chồng ông Đặng Hòa, bà Huỳnh Thị Lợi ở thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân là một trong những tấm gương đóng góp hiệu quả, chung tay cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Sức già vượt khó
Người "truyền lửa" cho phong trào phụ nữ

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là một trong 30 cán bộ hội xuất sắc, được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Người truyền lửa cho phong trào phụ nữ
Return to top