Chị Nguyệt kiểm tra sổ sách hội viên vay vốn phát triển sản xuất
Hôm gặp chúng tôi, chị Nguyệt đang kiểm tra sổ sách, chứng từ của những hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua “kênh” nông dân để phát triển sản xuất.
Người dân Tân Mỹ phần lớn sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Chốc chốc lại có hội viên đến trao đổi việc trả nợ vay, hoặc trao đổi tình hình chăm sóc, thu hoạch tôm, cá. Nhiều cuộc điện thoại gọi đến cũng không ngoài chuyện sản xuất, nuôi trồng. Dù đang ngồi nhà, nhưng nữ chi hội trưởng nông dân vẫn rất bận rộn.
Chị Nguyệt bộc bạch, khi đã nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng nông dân, chị luôn ưu tiên thời gian cho công tác hội, luôn có mặt tại các hội nghị, các lớp tập huấn do huyện hội, tỉnh hội tổ chức, để nhanh chóng triển khai trong hội viên về chế độ, chính sách, kỹ thuật, mô hình sản xuất mới…Từ hoạt động này, hội viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự gắn kết, giúp nhau cùng phát triển sản xuất.
Ngoài công tác hội, là tổ trưởng tổ vay vốn, chị Nguyệt dành nhiều thời gian rà soát thật kỹ các trường hợp vay vốn để đảm bảo hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích; đồng thời có trách nhiệm đôn đốc, thu hồi nợ vay đúng hạn.
Theo lời chị Nguyệt, hiện có 40 hội viên nông dân đang sử dụng vốn vay để phát triển nuôi trồng thủy sản. Cuộc đời gắn bó với con tôm, con cá, đồng nghĩa những người nông dân nơi vùng đất này “gắn bó” luôn với thức khuya dậy sớm, với bao nhiêu vất vả. “Chúng tôi cho tôm ăn mỗi ngày 4 “cử”: 5 giờ sáng, 10 giờ sáng, 5 giờ chiều và 10 giờ đêm. Người nông dân như chúng tôi luôn chân, luôn tay từ tinh mơ đến khuya muộn. Giấc ngủ đâu có được “tròn”. “Cầm tiền được cho vay, mừng vì có vốn làm ăn, nhưng lo nhỡ cá tôm bệnh tật, thiên tai, mất mùa. Vậy nên các hộ vay vốn làm ăn mỗi lúc càng khấm khá, tôi mừng, mừng lắm”, chị Nguyệt bày tỏ niềm vui chân chất từ đáy lòng một “thủ lĩnh” nông dân của chi hội có gần 150 hội viên.
Công việc sổ sách vừa ngớt, chị Nguyệt vội vã chuẩn bị ra hồ nuôi của gia đình cho tôm, cá ăn. Người phụ nữ nông dân bộc bạch rằng, muốn làm tốt vai trò xã hội, trước tiên bản thân phải chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, góp phần lan tỏa niềm tin và sự nỗ lực trong các hội viên nói riêng, trong cộng đồng nói chung. Thời gian ít hơn, vất vả nhiều hơn người khác, nhưng người phụ nữ nông dân này vẫn cố gắng làm tròn tất cả các vai.
Chị Nguyệt cho biết, gia đình chị từng nhiều lần thất bại trong sản xuất. Có những vụ cá chết trắng hồ. Nhiều vụ tôm, cua thất bát. Không nản lòng, vợ chồng chị đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại để chọn giống nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc các loại thủy sản đảm bảo hơn. Mấy năm trở lại đây, thu hoạch từ 2 hồ (diện tích gần 7 ha) luôn ổn định. “Lúc trước, gia đình tôi nuôi cá hàng tạ, bây giờ nuôi cá hàng tấn. Năm ngoái riêng cá đối mục, gia đình tôi thu hoạch 2,4 tấn”- nữ nông dân cho biết.
Không “thỏa mãn” với con số từ 80 triệu đến 100 triệu đồng lãi ròng hàng năm từ hoạt động sản xuất nuôi trồng, chị Nguyệt “xoay” thêm nghề buôn bán thủy sản. Ngoài sản phẩm cá, tôm các loại của gia đình sản xuất được, chị thu gom của các hộ sản xuất trên địa bàn đem bỏ mối. Công việc buôn bán này mang lại nguồn lãi tầm 50 triệu đồng mỗi năm. “Hiện, tôi đang có kế hoạch liên kết với một số người khác, đảm bảo cung cấp các mặt hàng thủy sản tươi sống cho các tiệc cưới trong và ngoài địa phương”- chị Nguyệt chia sẻ.
Bài, ảnh: THÙY LINH