TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế. Ảnh: HP
TS. Đỗ Thị Xuân Dung cho rằng, người phụ nữ có tố chất trời cho là sự mềm mỏng, dịu dàng. Đó là điểm lợi thế như một thứ “quyền lực mềm” để khéo léo, giải quyết những vấn đề, mối quan hệ trong công việc dù ở cương vị nào và những vấn đề trong đời sống gia đình mà không đánh mất đi truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Khác với giai đoạn làm việc ở trường ĐH, từ khi được bổ nhiệm cương vị quản lý cao hơn, cảm xúc của bà như thế nào?
Sau khi được bổ nhiệm (2017), tôi có rất nhiều cảm xúc đan xen. Tôi không nghĩ bản thân tài giỏi, nhưng tin sự lựa chọn của tập thể cũng như sự lựa chọn của những nhà lãnh đạo đặt cho tôi trọng trách mà chính trọng trách đó uốn nắn, điều chỉnh hành vi của tôi khi được trở thành Phó Giám đốc ĐH Huế.
Vai trò của phó giám đốc một ĐH vùng là khá lớn. Từ vị trí một cán bộ làm chuyên môn và có làm công tác quản lý ở trường ngang cấp trưởng khoa, trưởng phòng chuyển sang vị trí công việc mới có thể nói là như sang trang mới đối với tôi. Tôi rất xem trọng niềm tin của người khác đặt cho mình và điều đó khiến tôi cố gắng hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Là một trong những nữ phó giám đốc đầu tiên của ĐH Huế, bà có thấy áp lực về vai trò của mình khi nhiều năm qua, vị trí này được đảm nhiệm bởi các vị lãnh đạo là nam giới?
Nhiều người không biết, trước đây đã có cô Nguyễn Thị Kinh từng là nữ Giám đốc ĐH Huế (1994) nên cứ chúc mừng tôi là nữ phó giám đốc đầu tiên của ĐH Huế và hiện cũng là nữ phó giám đốc duy nhất của 5 ĐH vùng, ĐH quốc gia trong cả nước. Nhưng điều đó không làm cho tôi vui mừng mà áp lực lớn hơn, bởi sự đáp ứng của mình đối với nhiệm vụ sẽ rất nhiều.
TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế (thứ ba, phải sang) tham gia diễn đàn đối thoại quốc tế hóa trong giáo dục ĐH ASEAN. Ảnh: NVCC
Nhìn lại vị trí của cô Nguyễn Thị Kinh đảm nhiệm, có một số điều mà tôi hỏi học được từ cô. Thứ nhất là, cần phải dẹp bỏ quan niệm phụ nữ phải chùn bước, thua kém nam giới ở tính quyết đoán. Tôi thấy ở cô Kinh rất quyết đoán và mạnh mẽ. Tôi xem đó là điều cần học hỏi.
Thứ hai, tôi nghĩ nữ cán bộ có thể vận dụng là sự mềm mỏng trong công việc. Mềm mỏng khác với yếu đuối và sự mềm mỏng như là một tố chất, ưu thế của người phụ nữ trong quá trình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi có thời gian làm công tác đối ngoại khá lâu. Trong đối ngoại, khả năng giao tiếp cực kỳ quan trọng. Thời gian trải nghiệm, làm việc với nhiều đối tác nước ngoài cho tôi một số kinh nghiệm nhất định để có thể ứng xử theo cách riêng, liên quan đến sự mềm mỏng. Đặc biệt, “quyền lực mềm” là một trong những yếu tố mà gần như cả thế giới điều phải sử dụng. Nếu vận dụng sự mềm dẻo, linh hoạt, phụ nữ sẽ thuận lợi so với nam giới.
“Quyền lực mềm” mà bà nói được vận dụng trong công tác quản lý và đối ngoại như thế nào?
Trong lãnh đạo và quản lý ở các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức lớn thì “quyền lực mềm” thể hiện ở chỗ biết nhún nhường đúng nơi, đúng chỗ và sử dụng sự nhún nhường đó cùng sự thuyết phục bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải bằng lời. Đơn cử như cách giải quyết vấn đề, thay vì nói trực tiếp không được thì có thể đưa ra một lời khuyên hay chính sách khác theo con đường vòng, mềm dẻo, linh hoạt thì thường phụ nữ làm được điều đó tốt hơn nam giới vì thông thường nam giới nóng tính hơn phụ nữ.
Ngoài ra, tôi cảm thấy sự duyên dáng trong vấn đề ăn nói, cách đặt vấn đề, cách tiếp xúc với đối tác của người phụ nữ cũng là điểm lợi.
“Quyền lực mềm” của người phụ nữ như bí quyết có thể giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề. Trong quan hệ gia đình, bà có áp dụng “quyền lực mềm”?
Đây là chuyện rất thú vị, nhiều người cứ nghĩ rằng ở cơ quan được làm sếp thì ở nhà cũng vậy. Tuy nhiên, ở nhà tôi là một người phụ nữ đúng theo cách nghĩ và cách thể hiện của người phụ nữ Huế.
Tôi có thể làm được khá nhiều việc, nhưng khéo léo sắp đặt để những vị trí nào trong gia đình nào sẽ ra vị trí đó. Chẳng hạn, chồng sẽ quyết định những việc đại sự. Nhưng để chồng quyết những việc đó, bản thân đã chuẩn bị mọi điều kiện (trong khả năng, nhiệm vụ của người phụ nữ) và “nhường” quyền quyết định cho chồng. Nhờ sự khéo léo đó, có thể gọi là “quyền lực mềm” nên ông xã rất ủng hộ và anh không cảm thấy áp lực gì cả khi vợ có một vị trí khá cao bên ngoài xã hội.
Chồng tôi là một bác sĩ. Ở bệnh viện, anh ấy cũng có một vị trí quản lý. Khi về nhà, với những công việc của gia đình và sự chuẩn bị của mình như đã nói, chồng tôi rất trân trọng và cảm thấy có vị trí trong gia đình.
Quan điểm của bà về người phụ nữ trong thời đại hiện nay như thế nào?
Tôi rất tôn trọng những người phụ nữ học tốt, bằng cấp cao và rất tôn trọng những người phụ nữ giữ các chức vụ cao trong các cơ quan, doanh nghiệp. Tôi cũng rất tôn trọng những người phụ nữ tần tảo nuôi gia đình. Và ở bất kỳ vị trí nào, tôi cũng mong muốn được học hỏi những điều hay, những tố chất cần có của người phụ nữ để tự hoàn thiện mình.
Qua những điều tôi chứng kiến, tôi thấy cái gì cũng có sự hy sinh. Nếu chọn hy sinh vì sự nghiệp thì chắn chắn có những khiếm khuyết về gia đình và ngược lại. Chính vì thế, tôi nghĩ cần lựa chọn thời điểm và thấy việc gì cần thiết nhất trong thời điểm đó để lựa chọn. Sự hy sinh cần đúng thời điểm và có sự hài hòa, cân đối.
Theo tôi, làm việc gì (trong công việc và trong gia đình) bằng niềm vui thì hiệu quả hơn so với suy nghĩ bị bắt buộc. Nửa đêm, tôi vẫn còn nấu ăn để chuẩn bị cho sáng mai, nhưng làm vì niềm vui chứ không làm bằng trách nhiệm. Hay ở cơ quan, việc mặc áo dài không phải vì quy định, bắt buộc mà vì niềm vui.
Phụ trách mảng hợp tác quốc tế, thường xuyên đi công tác. Điều đó có ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình riêng?
Ai cũng hiểu đã đi nhiều chắc chắn sẽ có những mất mát. Người đàn ông đi công tác thì có thể lo chuyện an ninh, an toàn ở nhà, nhớ vợ con, nhưng người phụ nữ bước chân đi xa cũng bao hàm rất nhiều thứ. Thứ nhất là ngoài cái nhớ, có cái lo. Hơn nữa, định kiến của người Việt Nam dù đã đỡ hơn nhưng vẫn còn.
Thực tế của gia đình, nhất là ở cương vị mới, hai năm qua dù tôi đi công tác khá nhiều nhưng gia đình vẫn giữ được mái ấm hạnh phúc. Thực ra, để chuẩn bị cho một chuyến đi công tác, ngoài chuyên môn, cũng phải chuẩn bị chuyện gia đình, từ những việc nhà cần thiết và mỗi dịp như thế cũng dạy cho con gái (hiện học lớp 11) cách chăm sóc gia đình.
Ngoài sự chuẩn bị trước khi đi công tác, trong khi đi công tác cũng thường xuyên liên lạc, động viên người ở nhà và giai đoạn sau khi đi công tác phải khéo léo dùng “phương pháp” đền bù vui vẻ cùng cả nhà.
Xin cảm ơn bà về những trao đổi!
HỮU PHÚC (Thực hiện)