Phụ nữ Quảng Ngạn xử lý vệ sinh môi trường, thu gom rác
“Vì kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên hầu như tất cả các kênh cho hộ nghèo vay tui đã vay để đóng học phí, mua sách vở cho con. Đến lúc cần tiền đầu tư buôn bán nhỏ thì không còn đường nào xoay xở. Trong lúc loay hoay thì Hội LHPN xã đã cho mượn 1 triệu đồng từ nguồn kinh phí tích lũy được thông qua mô hình “Biến rác thành tiền” để đầu tư buôn bán nhỏ. Từ kinh phí này, tui mua một số mặt hàng tạp hóa, bánh kẹo bán dọc đường Quốc lộ 49B, kiếm đồng ra đồng vào phụ thêm trang trải cuộc sống gia đình”, chị Trần Thị Tuyền ở thôn 3, xã Quảng Ngạn trải lòng.
Với trường hợp của chị Phan Thị Quý ở thôn 1, sau khi thấy hoàn cảnh gia đình chị còn nhiều khó khăn, Hội LHPN xã cũng đã cho mượn 1 triệu đồng từ nguồn kinh phí tích lũy thông qua mô hình “Biến rác thành tiền”. Từ nguồn vốn này, chị Quý đầu tư mua nguyên liệu, thiết bị để mở quán bánh bột lọc nhỏ ven đường. “Tranh thủ lúc nông nhàn, tui làm bánh bột lọc bán, mỗi ngày cũng kiếm được 100 ngàn đồng tiền lãi, có điều kiện đóng học phí, mua sách vở cho các con”, chị Quý vui mừng.
Gia đình chị Trần Thị Năm ở thôn 13 có hoàn cảnh tương tự. Chị Năm cùng chồng chuyên làm nghề chài lưới trên đầm phá Tam Giang, thu nhập may lắm cũng chỉ vừa đủ chi tiêu đời sống hằng ngày, rất khó khăn trong việc tích lũy vốn. Đến khi lưới chài xuống cấp, hư hỏng cần thay mới thì không có tiền. Được Hội LHPN xã cho mượn 1 triệu đồng mua sắm lưới cụ, vợ chồng chị tiếp tục nghề đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang…
Bà Hoàng Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Ngạn thông tin, mô hình “Biến rác thành tiền” được triển khai từ tháng 4/2018 đến nay. Ngoài mục tiêu xử lý vệ sinh môi trường khu dân cư, đường làng ngõ xóm, Hội LHPN xã đã có ý tưởng và thực hiện ngay ý tưởng “biến rác thành tiền” để giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Trước đây, các hộ thường tiện tay ở đâu vứt bỏ rác ở đó, chai lon xả bừa bãi ra đường, trong khu dân cư. Giờ đây tất cả các loại rác thải hàng ngày được Hội LHPN xã vận động phân loại tại hộ gia đình. Các loại rác thải như lá cây thì đốt, hoặc chôn hủy; bao bì ni lon đưa đến các thùng rác, những điểm tập kết để xử lý đúng quy định; còn các loại có thể bán lấy tiền như chai, lon… được các hộ thu gom và chuyển đến nhà văn hóa, hoặc các điểm tập kết vào ngày 29 hàng tháng để bán. Thường mỗi tháng các lái buôn nhôm nhựa đến thu mua 1-2 lần. Từ khi có mô hình đến nay, Hội LHPN xã đã tích lũy, dành dụm trên 8 triệu đồng và cho các hộ mượn phục vụ nhu cầu buôn bán nhỏ, làm ăn.
Hội LHPN xã Quảng Ngạn có 8 chi hội trực thuộc, từ một chi hội làm điểm mô hình “Biến rác thành tiền” cách đây hơn 1 năm, đến nay đã lan tỏa đến 5 chi hội. Đẩy mạnh hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, Hội LHPN xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các chi hội còn lại sớm triển khai mô hình này.
Bà Hồ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Điền đánh giá, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN xã Quảng Ngạn là một trong những điển hình trên địa bàn huyện. Sắp đến, mô hình này sẽ được hội tiếp tục tuyên truyền, vận động triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện. |
Bài, ảnh: Hoàng Thế