Mô hình trồng rau an toàn của xã viên HTX Nông sản an toàn A Lưới
Bắt kịp xu thế
Trở về từ cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức năm 2019, mô hình sản xuất nấm hữu cơ của chị Đặng Thị Hồng, dân tộc Ba Na ở thôn Cần Nông, xã Hồng Quảng (A Lưới) đã được ban tổ chức hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ để mở rộng quy mô. Hội tụ đủ điều kiện, chị Hồng đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm - ổi hữu cơ Hồng Lý với số vốn điều lệ hơn 1,5 tỷ đồng. Hơn 2 năm thành lập, hiện HTX có 16 thành viên, thu nhập trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/người /tháng.
Là người con của đồng bào Tà Ôi, chị Hồ Thị Thu Hà, xã A Ngo (A Lưới) quyết tâm giữ gìn bản sắc Zèng của dân tộc. Thời gian đầu, chị đặt hàng và vận động các chị phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất các sản phẩm từ Zèng như mũ, cài, kẹp tóc, hoa tai… theo mẫu chị thiết kế. Những sản phẩm này được chị Hà kết nối các cửa hàng ở Huế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu ra thị trường.
Từ những sản phẩm quen thuộc, chị Hà dần mở rộng nhiều sản phẩm khác phù hợp với nhu cầu thị trường hiện đại như búp bê ví điện thoại, dây đồng hồ, tranh thư pháp, áo dài, nơ, dây thun cột tóc, ba lô, vòng tay. Khi các sản phẩm từ Zèng dần khẳng định được thị trường, chị Hà và các cộng sự quyết định thành lập HTX Sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới. Hiện, Hợp tác xã Sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới do chị làm chủ đã tạo được 20 mẫu sản phẩm lưu niệm.
Với 100% thành viên ban đầu là phụ nữ dân tộc thiểu số, 4 năm nay, HTX Nông sản an toàn A Lưới ngày càng khẳng định vị trí. Chị Hồ Thị Ngạch, thành viên HTX cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình đều trồng sắn, sản xuất bấp bênh. Khi được HTX Nông sản an toàn vận động liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tôi đồng ý tham gia. “Tôi được đầu tư, hỗ trợ xây dựng trang trại sản xuất rau an toàn, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và có nơi tiêu thụ ổn định nên cuộc sống đã đổi thay. Trung bình mỗi ngày tôi có thu nhập từ 300 đến 500 nghìn đồng từ bán rau củ, quả. Đời sống ngày một khấm khá hơn”, chị Hồ Thị Ngạch phấn khởi.
Không chỉ tiêu thụ nông sản của các thành viên, Ban chủ nhiệm HTX còn phối hợp tập huấn hướng dẫn sản xuất an toàn và nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện, sản phẩm chuối của HTX đã có mặt tại 22 hệ thống siêu thị Big C toàn quốc.
Giúp nhau cải tạo vườn tạp
Khu vườn với hàng trăm cây chuối và dứa thơm đã cho thu nhập của chị Phạm Thị Với ở thôn A2, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông là kết quả của mô hình giúp nhau cải tạo vườn tạp.
Chị Với cho biết, 2 năm trước, khu vườn của chị không mang lại giá trị kinh tế, nên dù có đất vườn nhưng kinh tế gia đình luôn khó khăn. Năm 2018, chị được Hội LHPN xã chọn làm điểm thực hiện mô hình “Giúp nhau cải tạo vườn tạp” và được hội hỗ trợ 1 tạ phân bón, tặng gần 200 cây giống là chuối và dứa, đồng thời được các chị huy động ủng hộ ngày công để trồng.
Sau hơn 1 năm, vườn chuối của chị mang lại thu nhập hơn 15 triệu đồng. Thấy hiệu quả, chị Với cải tạo diện tích đất còn lại trồng thêm hơn 100 cây chuối. Hiện, vườn cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị Với từ hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo.
Cũng được chị em phụ nữ giúp ngày công, cây giống, vườn tạp trước đây của gia đình chị Trần Thị Lèng, ở thôn A Chiếu, xã Thượng Long (Nam Đông) cũng được phủ xanh hàng trăm gốc cam, hiện đang cho thu hoạch.
“Giúp nhau cải tạo vườn tạp” là mô hình được Hội LHPN huyện Nam Đông áp dụng từ 2 năm gần đây, giúp phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số tận dụng được diện tích đất vườn bỏ hoang để trồng cây quả tập trung, cho thu nhập kinh tế.
Theo chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông, để có nguồn cây giống giúp các chị cải tạo vườn tạp, Hội quyên góp các giống cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng từ các gia đình hội viên khác và huy động chị em ủng hộ ngày công cải tạo đất. Đối tượng hướng tới là những hội viên phụ nữ có diện tích đất vườn nhưng chưa biết phát huy để mang lại thu nhập.
Riêng những hộ nghèo, khó khăn, được hội hỗ trợ tiền phân bón ban đầu. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã vận động thành lập các tổ liên kết sản xuất, ký các hợp đồng tiêu thụ nông sản, đặc sản Nam Đông cho hội viên, đồng thời kết nối có hiệu quả với ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh. Với cách làm này, nhiệm kỳ qua, các cấp hội phụ nữ huyện Nam Đông đã giúp 23 chị phụ nữ làm chủ thoát nghèo.
Bài, ảnh: Hải Thuận