Liên minh các lực lượng, dân tộc dân chủ và hòa bình TP. Huế trong chiến dịch Huế - Xuân 1968. Ảnh: TL
Từ năm 1967, được sự thống nhất, Thành ủy Huế bắt đầu triển khai lực lượng quân sự, chính trị về đứng chân ở các xã phía Nam huyện Quảng Điền để hoạt động, tham gia củng cố vùng giải phóng. Chủ trương của Thành ủy Huế là triển khai lực lượng nhằm xây dựng mũi phía Bắc Huế, cùng các hướng khác thành thế 4 mũi: Đông, Tây, Nam, Bắc hướng vào Huế trong hoạt động thường xuyên và tạo thế khi có hoạt động lớn, chuẩn bị cho xuân Mậu Thân 1968.
Tháng 5/1967, tôi được Thành ủy Huế phân công về chỉ đạo toàn diện mũi này của Huế cho đến trước vài ngày nổ súng “Tiến công nổi dậy” ở Huế. Lực lượng của Huế ở đây đã tận dụng lợi thế làm được nhiều việc, có cả một số việc trực tiếp chuẩn bị cho xuân Mậu Thân 1968. Trong đó có mấy việc mà tôi còn nhớ, như: Củng cố du kích xã Quảng Đại đánh địch ở đồn An Thành, gây cho chúng nhiều thiệt hại; tạo điều kiện cho quân báo, trinh sát của quân khu chuẩn bị chiến trường, điều tra nắm tình hình mục tiêu quan trọng của địch ở Huế, trong đó có Mang Cá; chuyển vũ khí, đưa người vào Huế, đánh địch mở cửa Chánh Tây cho lực lượng Bắc sông Hương tiến vào Thành nội. Trong chiến công này có lực lượng từ Quảng Điền góp sức tham gia.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947, khi chuẩn bị rút ra khỏi Huế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh về đứng chân ở Quảng Điền để lãnh đạo toàn tỉnh, thì nay trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Điền có một mũi tấn công vào giải phóng Huế, trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 lịch sử quyết liệt này.
Trong quá trình chuẩn bị, thực hiện chủ trương của Khu ủy, Quảng Điền chi viện cho Huế một lực lượng khoảng 10 đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, cán bộ cơ sở, du kích nhằm hình thành đội vũ trang công tác chính trị, tạo thế vận động Nhân dân đứng lên khởi nghĩa ở phường Thuận Hòa ngày nay, thuộc Thành nội Huế, cùng với toàn thành phố khởi nghĩa, tấn công, nổi dậy.
19 giờ ngày 31/1/1968, tức bắt đầu từ 30 Tết Mậu Thân, từ mảnh đất Hóa Châu xưa, tại làng Thạch Hà, xã Quảng Thành ngày nay, theo mệnh lệnh có sẵn, đội biệt động và đội trinh sát vũ trang khoảng 30 đồng chí bắt đầu tiến công vào khu Gia Hội, Huế. Ba lần vượt sông, tiến đến đường Chi Lăng đánh chiếm quận Nhì (Tả Ngạn) của Ngụy quyền thành phố đúng lúc 7 giờ sáng. 12 tiếng đồng hồ hành quân đến mục tiêu liên lạc được với đội vũ trang công tác tại khu phố 4 (gồm các phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu ngày nay). Ta đánh chiếm, giữ vững trận địa trong suốt 26 ngày đêm trước khi rút khỏi thành phố.
Theo kế hoạch, sáng 1/2/1968 (tức sáng mồng 2 Tết), Nhân dân 2 xã Quảng Ninh và Quảng Đại tổ chức thành 2 đoàn kéo về Huế để phối hợp, hỗ trợ cùng Nhân dân thành phố nổi dậy khởi nghĩa. Nhưng khi đoàn xã Quảng Đại khi lên đến gần Bao Vinh, đoàn Quảng Ninh khi đến gần An Hòa, thì có địch ngăn cản, nên cả hai đoàn đều trở về nhà.
Tuy không vào được thành phố Huế nhưng nghe ta đã chiếm được Huế nên ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt, khi quân ta tiến quân vào Huế, Quảng Điền như hậu phương, là nơi thương binh từ Huế đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu chữa. Khi ta rút khỏi Huế, địch phản kích nông thôn, làm cho tình hình hết sức căng thẳng.
Khi rút ra khỏi thành phố, chính tôi dẫn cả đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên của quận Nội thành về Quảng Ninh (khoảng 40 người). Nhưng khi chúng tôi về đến Quảng Ninh thì địch phản kích, tái chiếm Huế.
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi phân tán ra vùng giáp ranh và Phong Điền, nhưng không ngờ sau đó bị trực thăng truy đuổi ở dốc Nà Mây, Phong Điền gây cho ta một số thiệt hại.
Tình hình ở đồng bằng cũng như giáp ranh hết sức căng thẳng. Cả tỉnh và thành phố ra sức đối phó trong khó khăn, ác liệt. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1968, chúng tôi trở lại vùng Nam Quảng Điền để chuẩn bị đợt 2 tấn công vào Huế (dự định tháng 5/1968), nhưng tình hình tiếp tục căng thẳng trước sự càn quét của địch. Thời cơ không còn, nên trên quyết định hủy bỏ cuộc tấn công đợt 2. Song chúng tôi vẫn cùng các lực lượng, các xã bám địa bàn cho đến giữa tháng 6/1968 mới lên căn cứ miền núi.
Lúc đó Huế là đoàn 5, Quảng Điền là đoàn 6, nhưng vì mục tiêu chiến đấu chung, hai địa bàn đã cùng nhau chia sẻ, chung sức chung lòng, đoàn kết gắn bó với nhau, xây dựng nên truyền thống vô cùng tốt đẹp. “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” đời đời vinh quang.
Nguyễn Trung Chính kể
Nguyễn Quang Hà ghi