ClockThứ Năm, 02/07/2020 20:22

Quyết không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh COVID-19

TTH.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng, địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

WHO cảnh báo về tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầuWHO cảnh báo có thể 1 năm nữa thế giới mới có vaccine ngừa Covid-19

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 24/6/2020.

Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh, đánh giá cao các bộ, ngành, các lực lượng: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng, nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, mục tiêu kép đã được thực hiện, ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hơn hai tháng qua không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng; đồng thời nền kinh tế đã có bước phục hồi tốt, kể cả đối với những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không, nhất là phục hồi phát triển du lịch nội địa, đường bay nội địa…

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì tổng kết một bước công tác phòng, chống dịch COVID-19, có đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng và đề xuất động viên, khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp.

Không lơ là, chủ quan

Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra,giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, nhất là không thể vì nôn nóng phát triển kinh tế xã hội mà mở cửa ào ạt, lơ là công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam.

Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục việc thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm; các địa phương tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Kiên định 5 nguyên tắc

Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Ngành y tế phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đảm bảo việc duy trì năng lực và sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống y tế với các tình huống mới của dịch bệnh; hướng dẫn quy trình chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo.

Tiếp tục tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao (bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...). Các Bộ lưu ý tạo thuận lợi nhiều hơn về thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch (về điều kiện được về nước, hồ sơ thủ tục đăng ký về nước, các hình thức cách ly linh hoạt, an toàn khi nhập cảnh), đúng đối tượng.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước được cách ly tập trung và cách ly bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng.

Tạo điều kiện nhà đầu tư, chuyên gia nhập cảnh

Thủ tướng tiếp tục cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt.

Bộ Công an hướng dẫn các cơ quan, tổ chức làm thủ tục mời, đón, bảo lãnh, cung cấp hành trình dự kiến của các đối tượng nêu trên vào Việt Nam để được duyệt cấp thị thực, duyệt nhân sự đủ điều kiện nhập cảnh, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, chặt chẽ, không vì lý do phòng, chống dịch mà gây khó khăn.

UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết, giao dịch thương mại, đầu tư… khi vào Việt Nam.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cùng các địa phương liên quan rà soát, xây dựng các hướng dẫn, quy định phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài vào làm việc, thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực riêng biệt, đảm bảo công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể các hình thức cách ly phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng công dân Việt Nam về nước và các trường hợp khác nhập cảnh Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng tần suất các chuyến bay (có thu phí) để đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước và các nhà đầu tư, doanh nhân, nhà ngoại giao, chuyên gia, công nhân lành nghề... nhập cảnh Việt Nam, đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các chuyến bay đồng thời có biện pháp chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh

Thủ tướng chỉ đạo chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.

Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung để cách ly công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, kể cả việc bố trí các doanh trại, các trường thuộc quân đội, các khách sạn, cơ sở lưu trú và các cơ sở phù hợp khác làm nơi cách ly.

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở; thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở cách ly.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới, đề xuất các tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn các vùng, địa bàn an toàn, đề xuất cụ thể thời điểm và tần suất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Y tế triển khai giám sát, xét nghiệm COVID-19 đối với thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế. Trường hợp cần thiết phải cử các đoàn công tác đến các vùng, địa bàn cơ bản an toàn để thúc đẩy giao thương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, trước hết là đến các nước đang có nhu cầu và đã cơ bản an toàn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 4-5%. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

TIN MỚI

Return to top